|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

[Phần 1] Khói bụi 'gây ô nhiễm' quan hệ Hàn Quốc - Trung Quốc, dân Hàn Quốc tính chuyện di cư

07:12 | 05/04/2019
Chia sẻ
Hàn Quốc đang nghẹt thở vì khói bụi, Tổng thống Moon Jae-in cho rằng Trung Quốc là nguyên nhân gây ra vấn đề.
[Phần 1] Khói bụi gây ô nhiễm quan hệ Hàn Quốc - Trung Quốc, dân Hàn Quốc tính chuyện di cư - Ảnh 1.

Ô nhiễm không khí tại Hàn Quốc đang gây ra nhiều vấn đề.

Người Hàn Quốc muốn di cư đến Canada, Nhật Bản để tránh bụi ô nhiễm

Chỉ số ô nhiễm không khí hồi đầu tháng 3/2019 đã cao gấp ba lần mức cho phép, điều này khiến người dân Hàn Quốc lo lắng, Nikkei đưa tin.

Nhiều người Hàn Quốc đang cố gắng di cư đến Canada hoặc Nhật Bản nhằm trốn tránh thứ "bụi sát thủ" này. Các bậc cha mẹ ngăn không cho con cái chơi ngoài trời, trường học phải nhanh chóng xây dựng các khu vui chơi trong nhà.

Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua một dự luật, tuyên bố tình trạng này là một "thảm họa xã hội" và yêu cầu giải ngân các quĩ của chính phủ để xử lý vấn đề này.

Trung Quốc là nguyên nhân gây bụi ô nhiễm ở Hàn Quốc?

Tuy nhiên, Tổng thống Moon Jae-in cho rằng Hàn Quốc không nên hành động đơn độc trong cuộc chiến môi trường này.

"Bụi mịn không phải là vấn đề của riêng Hàn Quốc, mà liên quan đến Trung Quốc", ông Moon phát biểu vào ngày 21/3 khi ông mời ông Ban Ki-moon, Cựu Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, đến để thành lập một ủy ban mới về vấn đề này. Tổng thống Moon Jae-in hi vọng nhà ngoại giao kì cựu Ban Ki-moon sẽ đóng vai trung tâm trong việc chuyển các mối quan tâm của Seoul đến Bắc Kinh và điều phối phản hồi.

"Hàn Quốc và Trung Quốc cần phải thừa nhận rằng đây là một vấn đề chung và nỗ lực giải quyết cùng nhau", ông Moon nói.

Trung Quốc cho rằng Hàn Quốc chỉ đang "gắp lửa bỏ tay người". Sự bất đồng này một lần nữa gây ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa hai nước, trong những năm gần đây vốn đã căng thẳng, bởi Hàn Quốc cho phép Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa. Mối hiềm khích đó đã khiến Trung Quốc tạm thời cấm các chuyến du lịch theo nhóm của dân nước này đến Hàn Quốc cùng một loạt cuộc trả đũa khác, khiến các doanh nghiệp Hàn Quốc thiệt hại.

Ô nhiễm bụi ở Hàn Quốc gấp ba lần mức cho phép

Bà Lim Soo-hyang, một người nội trợ ở Ilssan, phía bắc Seoul, cho biết bà trở nên "buồn và chán nản" khi nhìn thấy các con phải đeo khẩu trang. Bà tự hỏi, làm việc chăm chỉ và xây dựng nhiều nhà máy để làm gì khi phải sống ở một đất nước nơi bố mẹ buộc con cái phải mang khẩu trang.

"Tôi có một người bạn đang nghiêm túc nghĩ đến việc chuyển đến Canada do không khí ô nhiễm", bà Lim nói.

Một số gia đình dừng việc xem xét di cư sang nước ngoài nhưng vẫn trốn đến bờ biển phía đông vào cuối tuần, nơi sương mù mỏng hơn so với ở phía tây. "Tôi cảm thấy vui vì mức độ ô nhiễm ở bờ biển phía đông như tại tỉnh Gangneung không nghiêm trọng như tại Seoul", một nhân viên văn phòng tại thủ đô Hàn Quốc nói.

Vào ngày 5/3, mức độ bụi siêu vi PM2.5 - chất dạng hạt lỏng hoặc rắn trôi nổi trong không khí được đo ở đường kính dưới 2,5 micromet - đã đạt 104 microgam/m3. Con số này gấp khoảng ba lần so với mức tối đa được khuyến nghị là 35 microgam, theo Korea Environment, một công ty thuộc khu vực công từng thúc đẩy các dự án xanh. Ở trung tâm Seoul, nồng độ khói bụi trong ngày 5/3 thậm chí còn cao hơn, ở mức 122 microgam.

Trước tin sốc trên, nồng độ PM2.5 của Seoul đã từng vượt xa các thành phố lớn tại các nền kinh tế tiên tiến khác. Năm 2017, mức độ PM2.5 trung bình của Seoul là 25 microgam trên mét khối, cao hơn con số 14,8 của Los Angeles, 12,8 của Tokyo và 11 của London.

[Phần 1] Khói bụi gây ô nhiễm quan hệ Hàn Quốc - Trung Quốc, dân Hàn Quốc tính chuyện di cư - Ảnh 2.

Nồng độ PM2.5 tại trung tâm Seoul trong thời gian gần đây.

Chính quyền Tổng thống Moon Jae-in đang hành động. Bộ Môi trường Hàn Quốc đã đưa ra các hạn chế đối với giao thông, xây dựng và các nhà máy nhiệt điện than.

Ngoài các quĩ khẩn cấp nằm trong tuyên bố của Quốc hội Hàn Quốc, Bộ Tài chính Hàn Quốc đang lên kế hoạch tập hợp ngân sách bổ sung lên đến vài tỉ USD, một phần trong số này sẽ được dùng để chống ô nhiễm.

Chính phủ Hàn Quốc cũng đã dỡ bỏ luật hạn chế mua xe dùng khí đốt hóa lỏng (LNG) cho tài xế taxi và công dân khuyết tật. LNG rẻ hơn xăng thông thường và ô tô sử dụng xả thải ít hơn.

Tương tự Tổng thống Moon Jae-in, nhiều người dân Hàn Quốc từ lâu đã bị thuyết phục rằng Trung Quốc - vốn khét tiếng vì bầu trời ngập trong khói bụi - là nguyên nhân gây ô nhiễm cho đất nước họ. 

Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung-wha đã xuất hiện và tuyên bố: "Rõ ràng Trung Quốc là một nhân tố gây ô nhiễm". Bà Kang cho biết hai nước đang thảo luận cách giải quyết vấn đề cùng nhau.

Tuy nhiên, vào tháng 3/2019, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lu Kang đã đặt câu hỏi liệu Seoul có đủ bằng chứng để chứng minh khói bụi đến từ Trung Quốc hay không. "Tất cả chúng ta đều biết nguyên nhân gây ô nhiễm không khí là rất phức tạp", ông Lu nói, đồng thời chỉ ra rằng nồng độ PM2.5 của Seoul gần đây đã vượt ngưỡng ở Bắc Kinh.

[Phần 1] Khói bụi gây ô nhiễm quan hệ Hàn Quốc - Trung Quốc, dân Hàn Quốc tính chuyện di cư - Ảnh 3.

Sương mù bao phủ bầu trời Thượng Hải vào tháng 11/2018. Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí, nhưng chính phủ khẳng định họ đang có những bước cải thiện. (Nguồn: Reuters)

Ông Liu Bingjiang, người đứng đầu bộ phận quản lí chất lượng không khí của Bộ Bả vệ Môi trường Trung Quốc, đã trích dẫn nghiên cứu được công bố bởi các học giả Hàn Quốc và Mỹ, trong đó cho rằng Seoul có lẽ đã đánh giá thấp lượng khí thải nitrogen oxide (NOx) trong không khí tại Hàn Quốc, vốn được tạo ra do nhiêu liệu bị đốt cháy.

"Nếu Seoul chỉ đổ lỗi tình trạng ô nhiễm là từ Trung Quốc sang và từ chối xem xét các vấn đề của chính nước này, họ sẽ bỏ lỡ cơ hội tốt nhất để chống lại ô nhiễm không khí", ông Liu cho hay vào tháng 1/2019.

Ông Liu còn cho hay chất lượng không khí của Trung Quốc đã được cải thiện hơn 40% kể từ năm 2013 và kêu gọi các nước châu Á cùng hợp tác.

Ô nhiễm không khí vẫn tiếp tục ám ảnh Trung Quốc

Mặc dù vậy, ô nhiễm không khí vẫn tiếp tục ám ảnh Trung Quốc. Theo Báo cáo Chất lượng Không khí Thế giới năm 2018 do AirVisual công bố, Trung Quốc đại lục có nồng độ PM2.5 trung bình cao thứ 12, ở mức 41,2 microgram/m3i. Hàn Quốc xếp thứ 27, ở 24 microgam và Hong Kong đứng thứ 35 ở mức 20,2 microgam.

AirVisual cho biết nồng độ PM2.5 của Bắc Kinh đạt trung bình 50,9 microgram vào năm 2018, trong khi báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố vào tháng 5/2018 cũng liệt Bắc Kinh là một trong 5 thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

Báo cáo của WHO nói rõ "bụi sát thủ" không phải là cường điệu. Tổ chức này cho biết mỗi năm có 7 triệu người chết do tiếp xúc với không khí ô nhiễm, hai phần ba số người chết ở châu Á.

Ô nhiễm không khí ngoài trời,chẳng hạn như từ các nhà máy và giao thông, chịu trách nhiệm cho 4,2 triệu trong tổng số người chết.

Số người chết tại Hàn Quốc năm 2016 ước tính 15.825 người, theo một báo cáo từ ông Jang Jae-yeon, giáo sư tại Đại học Ajou ở Suwon, người đã trích dẫn dữ liệu của WHO.

Bụi mịn trong không khí có thể lưu lại trong phổi của chúng ta và gây ra các vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ cảnh báo rằng bụi mịn có thể gây ra các cơn đau tim, hen suyễn, viêm phế quản và các bệnh khác. Một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan giữa bụi mịn và ung thư phổi.

Trong trường hợp của Hàn Quốc, nỗi sợ ô nhiễm không khí cũng tác động đến kinh tế.

Đón đọc [Phần 2] Người được kẻ mất từ ô nhiễm khói bụi ở Hàn Quốc

Trần Nam Thi