|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Từ BYD tới VinFast: Cuộc đua giành thị phần xe điện tại những thị trường mới

17:59 | 31/03/2024
Chia sẻ
Các hãng xe điện đang tìm kiếm cơ hội thâm nhập vào những thị trường mới nổi, nhiều tiềm năng trước khi những ông lớn trong ngành sản xuất ô tô nhảy vào.

Trong cuộc đua giành thị phần thị trường xe điện toàn cầu từ BYD tới VinFast đang đẩy mạnh hoạt động ở các thị trường nước ngoài.

BYD đã thử nghiệm ở một số quốc gia và đạt được thành công bán hàng ngay lập tức, thường chỉ sau một năm gia nhập. Công ty có trụ sở Thâm Quyến tìm cách thúc đẩy doanh số bán hàng ở nước ngoài bằng cách chuyển sản xuất sang các khu vực được coi là thân thiện hơn. Hiện tại, hãng xe có các nhà máy đang được xây dựng tại Thái Lan, Brazil, Indonesia, Hungary và Uzbekistan.

Xe điện BYD chuẩn bị xuất khẩu nằm tại một cảng ở Tô Châu, Trung Quốc. (Ảnh: AFP).

Nhà phân tích nghiên cứu tại CLSA, Xiao Feng nói với CNBC rằng: "Họ đang nhắm mục tiêu đến các quốc gia không có ngành công nghiệp ô tô trong nước quá mạnh, nơi họ có khả năng phải đối mặt với ít sự phản kháng hoặc cản trở về chính sách hơn”.

BYD đang tăng tốc mở rộng thị trường, bắt đầu với Thái Lan. Nhà máy đầu tiên của hãng bên ngoài Trung Quốc dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm nay. Theo dữ liệu từ Marklines, nhà sản xuất ô tô này đã vượt qua Toyota để giành vị trí dẫn đầu về doanh số bán ô tô du lịch tại Thái Lan vào tháng 1, mặc dù chỉ một năm trước đó họ không ghi nhận doanh số bán hàng ở đây.

Khi đi vào hoạt động, nhà máy ở Thái Lan có thể sẽ phục vụ toàn bộ khu vực Đông Nam Á. EY dự đoán thị trường xe điện trong khu vực sẽ tăng trưởng theo cấp số nhân, đạt doanh số bán hàng ít nhất 80 tỷ USD mỗi năm trong thập kỷ tới.

Theo dữ liệu từ Counterpoint Research, BYD đã khẳng định vị thế là thương hiệu xe điện bán chạy nhất Đông Nam Á, chiếm hơn 1/3 thị trường vào năm ngoái sau khi trước đó gần như không bán được bất kỳ một chiếc xe nào ở đây.

BYD đã bán được 70.000 xe điện tại Đông Nam Á vào năm ngoái với 35% thị phần, theo dữ liệu từ Counterpoint Research.

Một hãng xe trong khu vực là VinFast cũng đang đẩy mạnh khai thác các thị trường mới nổi, chưa có sự hiện diện của một thương hiệu xe điện chiếm ưu thế.

“Chúng tôi nhận thấy đây là cơ hội cho một công ty Việt Nam như chúng tôi vươn tầm toàn cầu, giành thị phần trước khi các thế lực lớn chi phối thị trường”, Chủ tịch VinFast toàn cầu, bà Lê Thị Thu Thuỷ, nói tại Hội nghị thượng đỉnh Công nghệ Xanh châu Á do Nikkei và Financial Times tổ chức.

VinFast ra mắt xe điện tại Thái Lan. (Ảnh: VinFast cung cấp).

Từ đầu năm nay, VinFast đẩy mạnh các hoạt động bán hàng trên toàn cầu. Mục tiêu phủ sóng tại tối thiểu 50 quốc gia trên thế giới đang được ban lãnh đạo VinFast ráo riết thực thi.

Bên cạnh các thị trường trọng điểm như Mỹ, Canada và châu Âu, VinFast đang tiến ra các quốc gia láng giềng trong khu vực châu Á như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Philippines..., khu vực Trung Đông hay gần đây nhất là châu Phi với những thị trường đầu tiên là Nigeria, Ghana…

Ngoài Việt Nam, hiện VinFast cũng đang xúc tiến xây dựng nhà máy sản xuất xe điện tại Mỹ, Ấn Độ và Indonesia.

Trong đó, cả VinFast và BYD đều xác định Đông Nam Á là một trong những thị trường trọng điểm.

Nhà phân tích ngành ô tô của Canalys, ông Alvin Liu, nói với CNBC rằng: “Thị trường xe điện Đông Nam Á vẫn đang trong giai đoạn sơ khai và cần phải xây dựng thói quen của người tiêu dùng”.

Tương tự VinFast, BYD đầu tư 1,3 tỷ USD để xây dựng nhà máy sản xuất xe điện tại Indonesia trong năm 2024. Bên cạnh đó, BYD cũng được cho là có kế hoạch tăng đáng kể số lượng cửa hàng của mình tại Singapore và Philippines trong năm nay.

BYD cũng thường dựa vào các nhà phân phối và đối tác địa phương để bán hàng ở các quốc gia ngoài Trung Quốc. Chẳng hạn, vào cuối năm 2022, BYD đã ký thỏa thuận phân phối với Sime Darby Motors ở Malaysia.

Đối thủ trong khu vực của họ - VinFast, sau thời gian đầu theo đuổi mở các showroom chính hãng thì nay cũng chọn cách hợp tác với các đại lý địa phương để tận dụng kinh nghiệm và hiểu biết thị trường của họ. Hãng xe của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã ký kết ghi nhớ hợp tác với hàng loạt đại lý bán xe từ Indonesia tới Thái Lan nhằm nhanh chóng bán xe tại đây.

Tại châu Âu, cuối năm ngoái, BYD tuyên bố họ muốn mở một nhà máy ở Hungary và việc sản xuất sẽ bắt đầu sau ba năm nữa. Tháng 1, BYD thông báo về việc bắt đầu sản xuất tại nhà máy liên doanh ở Uzbekistan.

Trong khi đó với VinFast, tháng 9 năm ngoái, dẫn nguồn tin tờ Reuters cho biết hãng xe có kế hoạch xuất khẩu 3.000 chiếc VF 8 Pháp, Đức và Hà Lan. Tới tháng 11 cùng năm, tờ Automotive Logistics cho hay VinFast sẽ xuất khẩu xe điện thông qua cảng Koper của Slovenia. Hãng xe đã ký kết thoả thuận với đơn vị điều hành cảng này là công ty Luka Koper.

“Koper - một trong những cảng container lớn nhất Địa Trung Hải, là cửa ngõ quan trọng để xe điện VinFast thâm nhập vào các thị trường châu Âu và chinh phục khách hàng. Chúng tôi tin rằng Luka Koper sẽ cung cấp một nền tảng vững chắc cho chiến lược phát triển và cung ứng bền vững của VinFast”, bà Lê Thị Thu Thuỷ trao đổi với Automotive Logistics vào thời điểm đó.

Tại châu Mỹ, BYD đang mở rộng hoạt động ở Brazil và hướng tầm nhìn tới Mexico, ngay biên giới với Mỹ. Giám đốc điều hành BYD khu vực châu Mỹ, Stella Li, nói với Reuters rằng BYD đang cân nhắc kế hoạch xây dựng một nhà máy ở Mexico, nơi hãng đã bắt đầu bán thêm xe điện.

Ông Bill Russo, Người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành công ty tư vấn đầu tư Automobility, gần đây đã nói trong chương trình “Squawk Box Asia” của CNBC rằng, nếu BYD xây dựng nhà máy ở Mexico, điều đó có thể biến nước này thành “bàn đạp” để thâm nhập thị trường châu Mỹ.

“Mexico là một phần của USMCA, vì vậy có cơ hội xuất khẩu từ Mexico sang Bắc Mỹ,” ông nói, đề cập đến hiệp định thương mại tự do mà Mỹ, Mexico và Canada ký kết vào năm 2020.

“Hãng xe điện cần phải tìm kiếm thêm các cơ hội ở nước ngoài tại các khu vực khác, nơi tỷ lệ thâm nhập xe điện sẽ tăng tốc cùng với việc phát triển cơ sở hạ tầng để đạt được tăng trưởng bền vững lâu dài, không để mất thị phần trước các nhà sản xuất ô tô Mỹ và châu Âu”, bà Liz Lee - Giám đốc điều hành Counterpoint Research, nói với CNBC về xu hướng tìm kiếm các thị trường mới.

Đức Huy