|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

TTCK Việt Nam tiến gần hơn đến chuẩn thị trường mới nổi

10:00 | 05/11/2016
Chia sẻ
"Theo khảo sát của Stoxplus, đa số nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng bỏ nhiều tiền hơn vào thị trường nếu như thị trường Việt Nam được nâng hạng", Ông Nguyễn Quang Thuân,Tổng Giám đốc StoxPlus cho biết.

Với quy mô thị trường chỉ 13,5 tỷ đô cách đây 10 năm về trước, đến ngày 30/09/2016, tổng vốn hóa toàn thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt con số gần 70 tỷ đô la Mỹ. Thị trường chứng khoán ngày càng trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế.

“Do đó, việc nâng hạng thị trường sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam phát huy hơn nữa vai trò của mình nhằm đạt mục tiêu trở thành kênh huy động vốn chủ đạo cho nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn trực tiếp đồng thời giảm sự phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng như trước đây”.

Đó là nhận định của ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại hội nghị nhà đầu tư nước ngoài với chủ đề “Thị trường chứng khoán Việt Nam hướng tới chuẩn thị trường mới nổi” nhằm thúc đẩy các công ty đại chúng thực hiện nới room cho nhà đầu tư nước ngoài do Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM phối hợp cùng Công ty StoxPlus tổ chức

Trong nỗ lực thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển, Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/2015/NĐ-CP cho phép nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ tỷ lệ sở hữu cổ phần tại các doanh nghiệp lên đến 100% đối với các lĩnh vực mà Nhà nước không cần kiểm soát là một bước đi được các chuyên gia và nhà đầu tư đánh giá cao.

Bà Nguyễn Thị Liên Hoa, Phó Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước cũng cho biết, Ủy ban đang phối hợp với các đơn vị liên quan để thực hiện triển khai những chính sách hỗ trợ thị trường như nới room và gỡ bỏ các thủ tục tạo ra rào cản đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Bà Hoa cho biết UBCKNN đã thực hiện giảm thủ tục hành chính trong tiếp cận thị trường cho nhà đầu tư nước ngoài bằng việc áp dụng thủ tục đăng ký mã số giao dịch trực tuyến, giảm thiểu hồ sơ đăng ký giao dịch.

Hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang được xếp vào nhóm thị trường cận biên và đang tiến đến mục tiêu nâng hạng thị trường lên mới nổi nhưng vẫn chưa đạt được các tiêu chí mà tổ chức xếp hạng đưa ra.

Theo Bà Sylviane Carot, Phó chủ tịch chỉ số MSCI cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tồn tại nhiều vấn đề cần xem xét thêm để có thể được nâng hạng như độ ổn định của các chính sách kinh tế, cách đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, minh bạch thông tin, và tính thanh khoản đối với việc chuyển tiền vào ra thị trường…

“MSCI vẫn luôn theo dõi diễn tiến của các thị trường để đưa ra quyết định có nâng hạng thị trường đó hay không. Điều tích cực là chúng tôi biết rằng Việt Nam đang muốn phát triển mạnh hơn thị trường chứng khoán của mình. Do đó, còn nhiều thứ có thể tiến triển được hơn nữa trong thời gian tới”, bà Sylviane Carot chia sẻ.

Hoàng Trung