TTCK: thừa thông tin, nhưng liệu có chính xác và trung thực
Mong manh ranh giới giữa “tội đồ” và “người hùng”
Có lẽ lâu lắm rồi TTCK Việt Nam mới lại có được một chuỗi tăng điểm dài và ấn tượng như trong bảy tháng đầu năm năm 2017. Theo đó, chỉ số VN-Index đã tăng 16,1% so với cuối năm 2016. Mặt bằng giá cổ phiếu hiện đã quay lại mức giá của những năm 2009-2010. Kết quả này cũng khá bất ngờ khi mà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chỉ đạt 5,73% trong sáu tháng đầu năm 2017, mức thấp nhất trong ba năm trở lại đây. Như vậy, tăng trưởng của TTCK cao gần gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP.
Xét dưới góc độ lý thuyết kinh tế vĩ mô thì kết quả trên được xem có phần thiếu tính logic, bởi lẽ TTCK vốn được xem là phong vũ biểu của nền kinh tế, phản ánh sự vận động thực tế về kinh tế của một quốc gia. Vậy thì đâu là động lực khiến cho các nhà đầu tư sẵn sàng trả một mức giá cao như vậy? Cũng không khó để có một câu trả lời hợp lý, đó là sự bùng nổ của nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng. Theo đó, sau khi trải qua giai đoạn tái cơ cấu và xử lý nợ xấu kéo dài từ năm 2011 đến nay thì nhiều ngân hàng đã thu được những kết quả rất ấn tượng cả về mặt con số hiện tại và triển vọng trong tương lai. Kỳ vọng trên cũng không phải không có cơ sở bởi ngân hàng vốn được xem là mạch máu của nền kinh tế. Khi mà tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn vốn tín dụng thì sự tăng trưởng của ngành ngân hàng tiện tại sẽ phản ánh kỳ vọng về tăng trưởng của nền kinh tế ở mức cao trong tương lai.
Cổ phiếu của ngành ngân hàng đã được xem là “người hùng”, là đòn bẩy để kéo chỉ số VN-Index cũng như các cổ phiếu khác tăng lên một bằng giá mới. Tuy nhiên, chỉ vì một tin đồn không có cơ sở, xuất phát từ lĩnh vực ngân hàng mà TTCK đã chứng kiến một phiên giao dịch sụt giảm đáng sợ, diễn ra vào ngày 9-8-2017. Phiên giao dịch đã khiến vốn hóa TTCK giảm hơn 2 tỉ đô la Mỹ, trong đó, cổ phiếu của các ngân hàng bị xem là tội đồ trong phiên giao dịch này khi một số cổ phiếu đã giảm kịch sàn.
TTCK Việt Nam đang thừa thông tin nhưng thiếu niềm tin
Tin đồn như vừa qua không phải là lần đầu tiên diễn ra trên TTCK Việt Nam, mà có lẽ đây là lần thứ hai hoặc ba trong chiều dài lịch sử 17 năm hình thành và phát triển. Và mỗi một lần như vậy, TTCK Việt Nam lại chao đảo và dễ dàng bị cuốn phăng hàng chục ngàn tỉ đồng chỉ trong một phiên giao dịch, lấy đi thành quả của thị trường trong cả một giai đoạn kéo dài tích lũy trước đó. Có lẽ nhiều nhà đầu tư Việt Nam hiện nay có chung suy nghĩ rằng thị trường đang thừa thông tin nhưng lại thiếu niềm tin.
Theo quan điểm của người viết thì hiện nay thông tin rất nhiều, được các doanh nghiệp công bố rất kịp thời, nhưng tính chính xác và trung thực lại là câu chuyện khác. Trong thời gian gần đây, một vài ý kiến cho rằng một số ông chủ doanh nghiệp có lẽ thích giao dịch cổ phiếu (trading) của mình hơn là tập trung công việc kinh doanh hàng ngày của doanh nghiệp. Hay có hiện tượng doanh nghiệp cấu kết với một nhóm các nhà đầu tư trong việc công khai thông tin và hạch toán kết quả kinh doanh vào một số thời điểm nhất định khiến cho cổ phiếu tăng, giảm thất thường... Những động tác như vậy sẽ lấy đi niềm tin của cộng đồng các nhà đầu tư vào TTCK Việt Nam, bất chấp trong thời gian vừa qua các cơ quan quản lý thị trường đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường, hay cải thiện tính tuân thủ thị trường của tất cả thành viên, cũng như xử lý và phòng chống các giao dịch nội gián nhằm thao túng giá cổ phiếu...
Minh bạch là chìa khóa để lấy lại niềm tin
Chỉ số VN-Index và các cổ phiếu ngân hàng nói chung hiện nay đã đảo chiều và duy trì xu hướng giảm điểm. Qua sự kiện trên, có lẽ các ngân hàng, vốn được xem là những doanh nghiệp lớn, được quản trị theo thông lệ quốc tế, cần tiếp tục đi đầu trong việc nâng cao chất lượng thông tin công bố và tính trung thực, kịp thời đến các nhà đầu tư. Tại sao ở Thái Lan, các ngân hàng lại sẵn sàng công bố kết quả kinh doanh hàng tháng, trong khi ở Việt Nam là hàng quí, nhiều ngân hàng hiện còn cố tình không công bố thông tin về kết quả kinh doanh đúng hạn, một số lại cố tình che giấu hệ số an toàn vốn (CAR), hay lợi nhuận của một số ngân hàng lại tăng, giảm thất thường giữa các quí...? Tất cả những yếu tố đó sẽ cản trở sự phát triển bền vững của thị trường trong dài hạn.
Việt Nam có rất nhiều cơ hội cho đầu tư giá trị Dòng vốn Nhật đang chảy khá mạnh vào Việt Nam và trong khu vực ASEAN, định giá của TTCK Việt Nam thấp hơn các nước ... |
Mở cửa TTCK phái sinh: Nâng tầm chứng khoán Việt Chứng khoán phái sinh là sản phẩm bậc cao của thị trường tài chính. Thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh khai trương hoạt động ... |
Không gian phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam còn rất lớn Nếu 17 năm trước, TTCK Việt Nam mở cửa hoạt động với với 2 công ty niêm yết, vốn hóa thị trường chỉ đạt 986 ... |