|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

TTB lao dốc và mất hơn 56% giá trị, động thái cứu giá từ Tập đoàn Tiến Bộ có giúp cổ phiếu phục hồi trở lại?

07:59 | 25/11/2019
Chia sẻ
Sau thời gian liên tục giảm sâu, những động thái từ phía Tiến Bộ và ban lãnh đạo đã giúp cổ phiếu này tạm ngừng đà lao dốc, tuy nhiên việc cổ phiếu có hồi phục trở lại hay không vẫn cần thêm thời gian để có câu trả lời.

Cổ phiếu TTB liên tiếp giảm sàn khiến giới đầu tư gợi nhớ đến "kịch bản FTM"

Kể từ đầu tháng 11, cổ phiếu TTB của CTCP Tập đoàn Tiến Bộ liên tiếp giảm sàn trong tình trạng mất thanh khoản khiến giới đầu tư gợi nhớ lại việc lao dốc của cổ phiếu FTM của Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex) thời điểm giữa tháng 8, dẫn đến thiệt hại nặng nề cho cổ đông.

ttb

Cổ phiếu TTB liên tiếp giảm sàn trong tình trạng mất thanh khoản khiến nhà đầu tư gợi nhớ đến việc lao dốc của cổ phiếu FTM. Nguồn: VNDirect.

Cụ thể, sau nhịp tăng giá đột biến năm 2018, cổ phiếu TTB chủ yếu giao dịch lình xình trong biên độ 20.000 - 24.000 đồng/cp kể từ từ đầu năm 2019 đến tháng 10/2019, thanh khoản trong giai đoạn này cũng duy trì ở mức cao với khối lượng trung bình khoảng 300.000 đơn vị mỗi phiên.

Trong đó, giai đoạn tháng 8 và tháng 9, mỗi phiên cổ phiếu TTB chỉ biến động trong biên độ rất nhỏ với chỉ một hoặc hai bước giá.

Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 10, cổ phiếu này xuất hiện những diễn biến bất thường khi liên tiếp chứng kiến những phiên giao dịch khối lượng khủng lên tới hơn 700.000 đơn vị, mức độ dao động giá trong phiên cũng cao hơn nhiều lần.

Đến phiên 28/10, cổ phiếu TTB bất ngờ giảm sàn từ 22.200 đồng/cp xuống còn 20.650 đồng/cp, đồng thời thanh khoản giảm hẳn so với các phiên trước đó với khối lượng giao dịch hơn 25.000 đơn vị. Đây cũng chính là phiên giao dịch bắt đầu xu hướng lao dốc của cổ phiếu này.

Sau khi rơi khỏi hỗ trợ 20.000 đồng/cp phiên 30/10, cổ phiếu TTB có vài phiên đi ngang quanh 19.000 đồng/cp, đến phiên 8/11 thì bắt đầu chuỗi nằm sàn liên tiếp cùng với tình trạng mất thanh khoản khiến nhà đầu tư không thế cắt lỗ.

Sau 8 phiên giảm sàn, cổ phiếu TTB bốc hơi gần một nửa giá trị, từ quanh 19.000 đồng/cp về còn 10.750 đồng/cp phiên 19/11. Trong những phiên giao dịch gầy đây, đà giảm đã tạm dừng lại, đồng thời thanh khoản cũng xuất hiện trở lại, tuy nhiên cổ phiếu nay vẫn chưa cho thấy dấu hiệu hồi phục.

Kết phiên 22/11, cổ phiếu TTB đóng cửa tại 10.500 đồng, giảm hơn 56% so với vùng đỉnh 24.000 đồng/cp.

Giá cổ phiếu giảm không do hoạt động kinh doanh

Đến thời điểm hiện tại, nguyên nhân cổ phiếu TTB giảm mạnh vẫn là một dấu hỏi với nhà đầu tư khi hoạt động kinh doanh của công ty vẫn diễn ra bình thường. Thậm chí doanh thu Tập đoàn Tiến Bộ liên tục tăng trưởng còn lợi nhuận được duy trì ổn định kể từ khi lên sàn vào năm 2015 đến nay.

ttb1

Nguồn: ST tổng hợp từ BCTC.

Tiền thân là Doanh nghiệp Tư nhân Công nghiệp và Thương mại Tiến Bộ, được thành lập năm 1998, Tập đoàn Tiến Bộ có ngành nghề chính là sản xuất và kinh doanh dịch vụ cho thuê cốp pha - giàn giáo và thiết bị xây dựng, kinh doanh sắt thép.

Ngày 26/01/2015, Tiến Bộ đưa 3,5 triệu cổ phiếu TTB niêm yết trên sàn HNX với giá tham chiếu 15.000 đồng. Ngay năm đầu tiên lên sàn, Tiến Bộ ghi nhận doanh thu thuần đạt 153,8 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 15,2 tỉ đồng, biên lợi nhuận đạt gần 10%.

Một năm sau đó, công ty chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc khi doanh thu tăng gần gấp đôi lên 203,3 tỉ đồng, cùng với đó là sự tăng trưởng lợi nhuận sau thuế lên mức 30 tỉ đồng.

Tiến Bộ cho biết, kết quả đạt được là nhờ động lực tích cực từ việc tăng nguồn vốn, mở rộng sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tiêu thụ thương mại, từ đó đẩy nhanh vòng quay hàng tồn kho và giảm được chi phí tài chính.

Cụ thể, sau thời điểm lên sàn cũng chính là giai đoạn doanh nghiệp này liên tục có những đợt tăng vốn khủng, khởi đầu bằng việc hoàn thành đợt chào bán 3,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp vào tháng 6/2015, thu về 35 tỉ đồng và tăng vốn điều lệ lên 73,5 tỉ đồng.

Đến năm 2016, Tiến Bộ thực hiện 3 lần tăng vốn, nâng vốn điều lệ gấp 5 lần lên 387 tỉ đồng, trong đó có hai đợt chào bán ưu đãi cho cổ đông hiện hữu và một đợt phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược.

Tiếp đó, trong năm 2017 và 2018, thông qua hai đợt chia cổ tức bằng cổ phiếu với cùng tỉ lệ 10%, vốn điều lệ của Tiến Bộ tăng lên 468,3 tỉ đồng như hiện nay.

Tuy nhiên, với hàng trăm tỉ đồng thu được từ các đợt phát hành, việc Tiến Bộ sử dụng vào đâu và hiệu quả thế nào hiện vẫn chưa rõ khi công ty không công bố về tiến độ sử dụng vốn, thậm chí đã bị UBCKNN xử phạt do vi phạm công bố thông tin.

Cụ thể, ngày 15/8 vừa qua, UBCKNN ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Tập đoàn Tiến Bộ với nhiều lỗi vi phạm nghiêm trọng.

Trong đó, UBCK phạt tiền 85 triệu đồng do công ty đã không công bố báo cáo tiến độ sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán đối với đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ năm 2016 và chào bán ra công chúng để tăng vốn từ 193,5 tỷ đồng lên 387 tỷ đồng.

Cùng với đó, Tiến Bộ cũng bị phạt tiền 85 triệu đồng vì đã không thực hiện báo cáo về tình hình sử dụng vốn được kiểm toán đối với 3 đợt tăng vốn trong năm 2016 từ 73,5 tỉ đồng lên 387 tỷ đồng.

ttb

Nguồn: ST tổng hợp.

Trở lại với tình hình kinh doanh của công ty, sau khi đạt được kết quả đột biến vào năm 2016, tăng trưởng của Tiến Bộ trở về mức cân bằng với tốc độ tăng trung bình khoảng 15% mỗi năm.

Theo đó, doanh thu năm 2017 đạt 361,6 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 25% lên 37,5 tỉ đồng. Đến năm 2018 doanh thu tiếp tục tăng lên 377 tỉ đồng, dù vậy lãi sau thuế giảm 30% xuống 26,1 tỉ đồng.

Theo giải trình của công ty, năm 2018 giá vốn hàng bán tăng mạnh khiến biên lợi nhuận sụt giảm, cùng với đó doanh thu tài chính giảm gần 24% là những lí do chính khiến lợi nhuận sau thuế giảm so với năm trước.

Trong 9 tháng đầu năm 2019, Tiến Bộ đạt doanh thu thuần hơn 424 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 36,2 tỉ đồng, lần lượt tăng 40% và 63% so với cùng kì năm 2018. Trong đó, doanh thu phần lớn đến từ dự án Green City Bắc Giang với 190 tỉ đồng.

Lãnh đạo công ty cho biết, dự án đã triển khai vượt tiến độ, dự kiến tiếp tục khởi công toà Lotus 2 vào cuối tháng 10/2019. Đây là toà nhà có quy mô 21 tầng, dự kiến mang về doanh thu gần 300 tỉ đồng vào năm 2020.

Động thái "cứu giá" của Tiến Bộ và ban lãnh đạo có giúp cổ phiếu TTB phục hồi trở lại?

Liên quan đến việc cổ phiếu TTB liên tiếp giảm sàn, ngày 18/11 Tập đoàn Tiến Bộ đã có công văn giải trình cho biết công ty không thực hiện bất kì hoạt động nào bất thường có tác động đến việc giảm giá chứng khoán trên thị trường, việc mua bán do nhu cầu của nhà đầu tư và nằm ngoài kiểm soát của công ty.

Theo thông tin từ Tập đoàn Tiến Bộ, các dự án của công ty vẫn đang triển khai tốt. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, tòa A7 - Dự án TBCO Riverside đang trong giai đoạn thực hiện bàn giao căn hộ cho cư dân vào sinh sống.

Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, dự án Green City đã khởi công tòa thứ 3 - Tòa Lotus 2, đang triển khai phần móng và sớm mở bán khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Còn lại, hai tòa CT1 và CT1A đang hoàn thiện nội thất để bàn giao căn hộ theo đúng tiến độ đã cam kết.

Tập đoàn Tiến Bộ cho biết sẽ tìm hiểu nguyên nhân về diễn biến cổ phiếu và làm việc với các bên liên quan để có giải pháp bình ổn thị trường.

Cùng với đó, công ty đã có cuộc gặp gỡ các nhà đầu tư để thông báo về hoạt động sản xuất kinh doanh và kế hoạch năm 2020 với mục tiêu doanh thu năm 2020 đạt 570 tỉ đồng và lãi sau thuế là 50 tỉ đồng, kế hoạch này dựa trên dòng tiền thu về từ các dự án mà công ty đang triển khai.

Đến ngày 20/11, Tiến Bộ công bố nghị quyết HĐQT về việc muốn mua lại 1 triệu cổ phiếu TTB theo giá thị trường để làm cổ phiếu quĩ, ngân sách dự kiến chi ra khoảng 12 tỉ đồng. Đồng thời, các lãnh đạo công ty cũng đồng loạt đăng kí mua vào để cứu giá cổ phiếu.

Trong đó, Chủ tịch HĐQT Phùng Văn Bộ đăng kí mua 500.000 cp; thành viên HĐQT Phùng Văn Thái dự kiến mua 200.000 cp; các lãnh đạo còn lại gồm thành viên HĐQT Trần Thanh Bình và Trưởng Ban Kiểm soát Dương Thị Vân cùng đăng kí mua 100.000 cp.

Trước động thái "cứu giá" của Tiến Bộ và ban lãnh đạo, cổ phiếu TTB đã tạm ngừng đà giảm giá và xuất hiện thanh khoản trở lại, hiện đang giữ được mức giá trên 10.000 đồng/cp.

Tuy nhiên, với tâm lí lo ngại khi chưa rõ nguyên nhân cổ phiếu giảm mạnh, việc cổ phiếu TTB có hồi phục và thu hút nhà đầu tư trở lại hay không vẫn cần thêm thời gian để có câu trả lời.

Sơn Tùng

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.