Ông Trương Văn Phước: NHNN sẽ xem xét lại hút tiền khi nhu cầu vay vốn tăng lên
Trong 4 phiên giao dịch gần nhất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hút ròng gần 50.000 tỷ ra khỏi hệ thống ngân hàng thông qua kênh tín phiếu sau hơn 6 tháng tạm ngưng.
Trao đổi với người viết, TS.Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho hay việc phát hành tín phiếu nghĩa là hút tiền từ lưu thông về, động thái này cho thấy thị trường tiền tệ đang dư thừa thanh khoản. Đến ngày 15/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, tăng 5,56% trong khi hệ thống ngân hàng huy động vốn đạt mức khá.
- TIN LIÊN QUAN
-
Động thái hút tiền của NHNN giúp giảm áp lực lên tỷ giá 25/09/2023 - 13:57
Việc không cho vay ra được do nhiều yếu tố như vấn đề về lãi suất, điều kiện tín dụng, nhu cầu của doanh nghiệp, do nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới tác động khiến xuất nhập khẩu sụt giảm.
Ông Phước phân tích tạo ra cung tiền hợp lý là chức năng nhiệm vụ của các ngân hàng trung ương. NHNN sẽ sử dụng nhiều công cụ để bơm tiền hoặc hút tiền. Cung tiền với tác động của cầu tiền sẽ tạo ra một lãi suất cân bằng của thị trường.
Trên thực tế, khi NHNN hút tiền về qua kênh tín phiếu sẽ làm cung tiền giảm, từ đó thúc đẩy lãi suất liên ngân hàng nhích tăng.
Theo số liệu mới nhất được NHNN công bố, lãi suất bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm khoảng 85 - 90% giá trị giao dịch) đã tăng lên 0,17% trong phiên 25/9 từ mức 0,14% ghi nhận vào phiên 21/9.
Lãi suất các kỳ hạn chủ chốt khác cũng có xu hướng tăng như: kỳ hạn 1 tuần tăng từ 0,33% lên 0,37%; kỳ hạn 2 tuần tăng từ 0,4% lên 0,58%; kỳ hạn 1 tháng tăng từ 1,03% lên 1,15% (tại ngày 22/9 lãi suất kỳ hạn này đã lên 1,65%).
Lãi suất VND liên ngân hàng tăng sẽ làm chênh lệch lãi suất VND - USD thu hẹp lại và giảm xu hướng găm giữ ngoại tệ, từ đó làm giảm áp lực lên tỷ giá.
Nhận định về áp lực đầu cơ tỷ giá, thực hiện giao dịch hoán đổi để hưởng lợi từchênh lệch lãi suất VND - USD, ông Trương Văn Phước cho hay trong thời gian gần đây, các tổ chức tín dụng (TCTD) có thực hiện chuyển hóa ngoại tệ tuy nhiên hiện tượng chuyển dịch từ VND sang USD chưa phải nhiều, chủ yếu do TCTD dư thừa thanh khoản trong bối cảnh lãi suất USD cao trên 5%, trong khi lãi suất liên ngân hàng thấp.
Tuy nhiên, ông đánh giá việc hút ròng 30.000 - 40.000 tỷ đồng không phải là nhiều, so với tổng vốn huy động trong nền kinh tế khoảng hơn 12 triệu tỷ đồng. Nếu trong quý IV nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp tăng lên, NHNN sẽ xem xét lại việc phát hành tín phiếu.
Đồng quan điểm, chuyên gia phân tích của SSI cũng cho rằng đây là nghiệp vụ bình thường của NHNN và lượng hút cũng không quá nhiều (nếu so sánh với giai đoạn nửa cuối năm 2022) nhằm không gây ra căng thẳng thanh khoản trên thị trường 2 và hạn chế tác động lên mặt bằng lãi suất trên thị trường 1.
Mục đích của NHNN là nhằm hút bớt thanh khoản thị trường 2 để giảm áp lực đầu cơ tỷ giá trong ngắn hạn. Tuy nhiên, cần phải chú ý rằng nghiệp vụ phát hành tín phiếu kỳ hạn là nghiệp vụ hút VND tại thời điểm hiện tại và sẽ bơm lại sau khi đáo hạn.
Còn theo Chứng khoán MBKE, khi nào lãi suất liên ngân hàng nhích lên, góp phần giúp tỷ giá hạ nhiệt, NHNN sẽ dừng lại việc hút tiền.
Nhìn nhận tỷ giá ở khía cạnh tích cực, TS. Phước nhấn mạnh Việt Nam vẫn xuất siêu do xuất khẩu giảm, nhưng nhập khẩu giảm nhiều hơn. Tăng trưởng GDP cả năm dự báo ở mức 5% nhưng vẫn cao hơn nhiều nước và Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với các dòng vốn đầu tư. Hơn nữa dự trữ ngoại hối dồi dào nên việc điều tiết cung cầu ngoại tệ vẫn trong tầm kiểm soát của NHNN.
Tuy vậy, ông cũng lưu ý việc cần phải theo dõi sát diễn biến điều hành lãi suất của Fed khi nhiều khả năng sẽ có thêm một đợt tăng lãi suất vào cuối năm.