|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TS Vũ Tiến Lộc: GDP sẽ tiếp tục âm sâu nếu tình hình không được cải thiện sớm

15:18 | 01/10/2021
Chia sẻ
Nguyên Chủ tịch VCCI cảnh báo nguy cơ lỡ nhịp của kinh tế Việt Nam và theo dự báo GDP sẽ tiếp tục âm sâu nếu tình hình không được cải thiện sớm.

"Lần đầu tiên trong lịch sử suốt hai thập kỷ qua, kể từ khi Tổng cục Thống kê công bố số liệu thống kê theo quý, tăng trưởng GDP của Việt Nam quý III ước tính âm đến 6,17%, so với quý III. 

Vẫn biết rằng tăng trưởng âm một vài % là điều có thể. Nhưng âm sâu tới 6,17% thì ít ai nghĩ tới. TP HCM và một số địa phương là trung tâm dịch bệnh có thể âm rất sâu tới hai con số. Và xu hướng này, theo dự báo GDP sẽ tiếp tục âm sâu nếu tình hình không được cải thiện sớm", TS Vũ Tiến Lộc chia sẻ tại Hội thảo trực tuyến Bức tranh Kinh tế Việt Nam và ĐBSCL: Dự báo kinh tế quý IV & triển vọng năm 2022 diễn ra sáng nay 1/10.

TS Vũ Tiến Lộc: GDP sẽ tiếp tục âm sâu nếu tình hình không được cải thiện sớm  - Ảnh 1.

Ông Lộc cũng cảnh báo nguy cơ lỡ nhịp của kinh tế Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế thế giới dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 5,6% năm nay - mức phục hồi lớn nhất trong vòng 80 năm qua. 

"Việt Nam có nguy cơ lỡ nhịp, phải đứng ngoài tiến trình nối lại các chuỗi cung ứng toàn cầu khi các nền kinh tế lớn cũng là các đối tác chiến lược của chúng ta đang phục hồi, đang nỗ lực nối lại các chuỗi cung ứng. Trong khi các đối thủ cạnh tranh cũng đang tái khởi động và tranh thủ các đơn hàng".

20 - 30% các đơn hàng của một số nhãn hàng lớn đã chuyển đi trong những tháng qua. Các FDI không chờ đợi, các kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh của những tập đoàn lớn đã dừng lại, không tiếp tục triển khai, nhà đầu tư do dự", ông Lộc cảnh báo.

Nói thêm về bức tranh kinh tế Việt Nam, nguyên Chủ tịch VCCI cho rằng doanh nghiệp và nền kinh tế đang sức cùng, lực kiệt và giải cứu nền kinh tế, giải cứu doanh nghiệp đang là yêu cầu cấp bách.

"May mà, với sự chuyển hướng kịp thời, trong hai tuần qua, dịch bệnh đã được kiểm soát bước đầu tại TP HCM, Bình Dương, Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác. Chúng ta đang đứng trước cơ hội để có thể nới lỏng dãn cách, mở cửa thị trường, tái khởi động nền kinh tế. 'Mở cửa hay là chết', 3 tháng cuối năm, 100 ngày tới là thời gian vàng và cũng là thách thức với nền kinh tế Việt Nam", ông nhấn mạnh.

Ông Lộc cho biết trong Hội nghị Thủ tướng gặp doanh nghiệp ngày 26/9 vừa qua, ông đã đề nghị Ban chỉ đạo Quốc gia ban hành ngay trong tuần này tài liệu hướng dẫn “Thích ứng (hay sống chung), an toàn với COVID” để xác lập kịch bản và các khung hành xử của các cấp chính quyền, người dân và cộng đồng doanh nghiệp. 

Ông cho rằng đây là một công cụ quan trọng để có thể chủ động và kiên định chung sống an toàn với dịch bệnh, tránh lúc “đóng” , lúc “mở”; lúc “siết”, lúc “buông”; quận, huyện bảo doanh nghiệp được vận hành, xã phường bảo người lao động “ở đâu yên đó”.

Về biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tái khởi động và phục hồi, ông Lộc đề nghị cần triển khai theo 5 hướng. 

Một là mở cửa thị trường, bởi đây là cỗ máy trợ thở lớn nhất cho doanh nghiệp và nền kinh tế lúc này. 

Thứ hai là đẩy mạnh cải cách thể chế, cải cách hành chính. Ba là thực hiện tốt và mở rộng quy mô các gói hỗ trợ tài khoá, tiền tệ, an sinh.

Ngoài ra, cần triển khai chương trình trợ giúp, nâng cao năng lực cho cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt là các kiến thức và kỹ năng về tái cấu trúc, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Cuối cùng, ông cho rằng nên tiếp tục thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do, triển khai các chương trình xúc tiến thương mại đầu tư kết nối lại các chuỗi cung ứng và mở mang thị trường cho doanh nghiệp.

Anh Đào