TS. Vũ Đình Ánh: Nghị định 08 mới chỉ giải quyết được vấn đề của nhà phát hành TPDN chứ chưa đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư
Ngày 5/3, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) ra thị trường quốc tế.
Nhiều điểm mới tại Nghị định 08, bao gồm: Cho phép doanh nghiệp thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác hay được kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa không quá hai năm.
Đồng thời, các quy định về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp và thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành cũng được tạm lùi đến hết ngày 31/12.
Các chuyên gia đánh giá, Nghị định 08 có nhiều điểm mà thị trường đang rất mong chờ song mới chỉ đáp ứng được nhu cầu của các nhà phát hành chứ chưa đề cập nhiều đến quyền lợi của nhà đầu tư.
Chưa đề cập nhiều đến quyền lợi trái chủ
Theo chuyên gia kinh tế - tài chính Vũ Đình Ánh, gần như tất cả các đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp phát hành TPDN riêng lẻ đã được đưa vào Nghị định 08, tuy nhiên những sửa đổi này chưa đề cập đến lợi ích của trái chủ.
Đồng thời, việc sửa đổi này cũng chưa thể xử lý được vấn đề cốt lõi của thị trường TPDN hiện nay là việc mất niềm tin của nhà đầu tư đối với TPDN phát hành riêng lẻ đáo hạn, chưa đáo hạn và cả chưa phát hành.
Vô hình chung, quy định này chỉ giải quyết được vấn đề của bên bán (nhà phát hành) chứ chưa "động chạm" đến quyền lợi của bên mua (nhà đầu tư). Vì vậy, thị trường TPDN trong thời gian tới chắc chắn sẽ không có quá nhiều thay đổi.
Phân tích thêm về nhận định này, chuyên gia Vũ Đình Ánh cho biết, trên thị trường có ba yếu tố: Bên bán, bên mua và giá. Nghị định 08 mới chỉ giải quyết được vấn đề của bên bán, còn vấn đề của "người mua" và căn cứ nào để xác định "giá" hay nói cách khác là lãi suất của TPDN thì vẫn chưa được đề cập tới.
TS. Vũ Đình Ánh nêu một số vấn đề còn tồn tại trên thị trường ngay cả khi một Nghị định sửa đổi vừa mới được đưa ra như: Việc cho phép doanh nghiệp thanh toán trái phiếu bằng tài sản khác mà chủ yếu là bất động sản sẽ biến nhà đầu tư tài chính thành nhà đầu tư bất động sản hoặc một loại tài sản khác thì liệu có phù hợp với nhà đầu tư hay không? Việc giãn, hoãn kỳ hạn trái phiếu thì lãi suất có thay đổi hay không?
"Nếu chỉ có một bàn tay thì không thể có tiếng vỗ tay được, chỉ giải quyết từ một phía sẽ không thể xử lý tận gốc vấn đề", chuyên gia Vũ Đình Ánh nói.
Thiếu vắng thị trường TPDN thứ cấp
Theo chuyên gia, để xử lý vấn đề của thị trường TPDN hiện nay cần tách ra thành hai phần, thứ nhất là các vấn đề của thị trường TPDN trước đây, trong đó có một công cụ là phát hành để đảo nợ và hai là phát triển thị trường TPDN theo đúng với thông lệ quốc tế.
Với việc xử lý các vấn đề còn tồn đọng do phát hành TPDN riêng lẻ thời gian trước cần các giải pháp ngắn hạn và Nghị định 08 có thể đã xử lý được một phần vấn đề.
Còn với việc phát hành mới và xây dựng thị trường phát triển lành mạnh cần quay lại bản chất của thị trường là trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành và quản lý nghĩa vụ khi đến hạn thanh toán, để tránh vỡ nợ.
"Đơn cử như việc xếp hạng tín nhiệm, ngoài việc công bố thông tin để nhà đầu tư 'cân đo' xem có phù hợp với khẩu vị đầu tư của mình hay không thì còn là cơ sở, căn cứ để xác định lãi suất. Tức là xếp hạng tín nhiệm càng cao thì lãi suất càng thấp và ngược lại, tương tự như trái phiếu Chính phủ", ông Ánh nói.
Theo chuyên gia, đây cũng là biện pháp để bảo vệ nhà đầu tư khi họ có thông tin về đợt phát hành TPDN, khả năng trả nợ và được đánh giá bởi các bên độc lập. Những thông tin này cũng mang lại đánh giá về lãi suất của trái phiếu liệu đã phù hợp hay chưa.
"Không phải cứ doanh nghiệp lãi suất cao, rủi ro thì không được phát hành, nhiều nhà đầu tư tại Mỹ họ vẫn mua cả "trái phiếu rác". Một điểm nữa mà thị trường Việt Nam còn thiếu đó là thị trường TPDN thứ cấp. Tại Mỹ có những doanh nghiệp mua lại những trái phiếu đáo hạn, không xử lý được và sau đó thu lời rất lớn", TS. Ánh cho hay.
Việc xếp hạng tín nhiệm cũng theo suốt quá trình của doanh nghiệp chứ không phải một lần duy nhất khi phát hành, vì vậy cũng đảm bảo rủi ro cho các nhà đầu tư sơ cấp. Nếu có xếp hạng TPDN và một thị trường thứ cấp đủ mạnh, các vấn đề của nhà đầu tư sẽ được xử lý.
Vì vậy, muốn thị trường phát triển thì phải quay lại đúng bản chất của TPDN, phát triển đồng bộ chứ không sửa "vụn vặt" được, chuyên gia nhìn nhận.