|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TS. Trương Văn Phước: Giá xăng dầu, giá điện tăng sẽ không gây áp lực lớn đến chỉ tiêu lạm phát

16:35 | 24/04/2019
Chia sẻ
Theo TS. Trương Văn Phước, việc tăng giá điện và giá xăng dầu vừa qua là nhằm thực thi lộ trình thị trường hoá các hàng hoá dịch vụ cơ bản, không gây áp lực lớn đến chỉ tiêu lạm phát năm nay.
TS. Trương Văn Phước: Giá xăng dầu, giá điện tăng sẽ không gây áp lực lớn đến chỉ tiêu lạm phát - Ảnh 1.

TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia (Nguồn: Vnexpress)

Tại buổi Giao lưu trực tuyến về chủ đề "Đi tìm động lực tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam 9 tháng cuối năm" do Báo điện tử Tri thức trẻ phối hợp với Kênh thông tin kinh tế - tài chính CafeF tổ chức mới đây, một PV đặt câu hỏi "Có nhiều cơ quan, chuyên gia dự báo lạm phát sẽ ở mức 3,6%, theo ông, con số này có khả thi hay không khi tình hình nguồn cung dầu trên thế giới không ổn định và giá điện, xăng trong nước tăng cao?".

Trả lời câu hỏi này, TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cho biết, cần phải nhìn lạm phát Việt Nam không chỉ trong bối cảnh kinh tế Việt Nam mà cần kết nối với bức tranh toàn cảnh của kinh tế thế giới.

Theo TS. Trương Văn Phước, nhìn chung kinh tế thế giới đang ở vào một giai đoạn khó khăn: từ Mỹ đến châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản đều không thực sự sáng sủa. Có ít tín hiệu lạc quan trong xu hướng tăng trưởng kinh tế toàn thế giới. Điều này sẽ làm tổng cầu của thế giới giảm, thương mại quốc tế cũng giảm và kéo theo áp lực giá từ thế giới không phải quá lớn đối với Việt Nam. Trước đây, người ta dự báo giá xăng dầu sẽ tăng mạnh trong năm 2019 nhưng giờ đã điều chỉnh theo hướng xăng dầu thế giới không tăng quá nhiều.

Ông cho biết thêm, việc Việt Nam tăng giá điện, giá xăng dầu vừa rồi là nhằm thực thi lộ trình thị trường hoá các hàng hoá dịch vụ cơ bản. Giá xăng dầu tuy có điều chỉnh nhưng Chính phủ đã có quá nhiều kinh nghiệm trong việc tăng lúc nào, tăng bao nhiêu và có biện pháp gì để hoá giải tác động của việc tăng giá đó.

Về giá điện, việc tăng giá vừa qua có thể có tác động nhưng không nhiều đến CPI. Còn về giá nông sản lương thực thực phẩm do mặt bằng chung giá nông sản của thế giới cũng như Trung Quốc cũng ổn định không tăng. Giá một số hàng hoá, dịch vụ công như giáo dục, y tế… là tăng theo lộ trình, áp lực cũng không lớn.

"Nhìn chung với các yếu tố bên ngoài và bên trong như thế, tôi cho rằng, chỉ tiêu lạm phát năm nay không bị áp lực lớn", TS. Trương Văn Phước khẳng định.

Trước đó, ngày 20/3, Bộ Công Thương đã quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 được điều chỉnh với mức giá mới là 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế Giá trị gia tăng), tăng 8,36% so với mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành (1.720,65 đồng/kWh).

Bên cạnh đó, giá xăng cũng mới được điều chỉnh tăng thêm 1.484 đồng/lít từ ngày 2/4.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc giá xăng tăng rất mạnh trong ngày 2/4 chưa kể giá điện cũng được điều chỉnh tăng cách đây ít lâu sẽ có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 với mức tăng dự kiến khoảng 0,2%.

Thu Hà