|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

TS. Nguyễn Đức Kiên: Nếu NHNN tăng lãi suất, những đối tượng gom USD nhập vàng lậu sẽ 'vỡ trận'

13:53 | 24/05/2024
Chia sẻ
Theo chuyên gia Nguyễn Đức Kiên, những đối tượng gom USD để nhập vàng lậu hoặc đầu cơ USD có thể sẽ “vỡ trận” nếu NHNN nâng lãi suất điều hành. Khi đó, dòng tiền có thể trở lại để hỗ trợ nền kinh tế.

Giá vàng tăng vọt

Giá vàng "nhảy múa", chênh cao so với vàng thế giới trong khi lãi suất tiết kiệm ở mức thấp kỷ lục là một trong những vấn đề nóng tại nghị trường Quốc hội những ngày qua.

Tại phiên thảo luận tổ về kinh tế xã hội sáng 23/5, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại khi giá vàng tăng cao gây tình trạng dòng tiền không đi vào sản xuất kinh doanh mà lại tham gia vào đầu cơ.

Trong báo cáo gửi tới Quốc hội mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết đến ngày 10/5/2024, tín dụng tăng 1,95% so với cuối năm 2024, tương đương đã tăng thêm hơn 264.400 tỷ đồng, mức thâp so với cùng kỳ năm trước và kế hoạch năm nay.

 Diễn biến giá vàng SJC từ năm 2022 đến nay. (Nguồn: Du Y tổng hợp từ WiGroup.).

Giá vàng liên tục tạo đỉnh mới đã khiến cho người dân đổ xô đi mua vàng. Ở một số thời điểm, nhiều thương hiệu lớn đã "cháy hàng" với vàng miếng và nhẫn trơn.

Để giải quyết tình trạng này từ 22/4, NNHNN bắt đầu đấu thầu vàng miếng SJC để tăng cung cho thị trường, sau 9 phiên, có 6 phiên thành công. Tổng cộng hơn một tháng qua, trên 48.000 lượng vàng miếng được nhà điều hành tung ra thị trường.

Tuy nhiên theo nhiều đại biểu Quốc hội, giải pháp này chưa hiệu quả và trên thực tế lại hâm nóng thị trường. Đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách nói, cách thức thực hiện các phiên đấu thầu vàng vừa qua không rõ mục tiêu.

Theo ông, giá sàn - mức nhà chức trách công bố để doanh nghiệp bỏ thầu - cao, nên các đơn vị khi trúng thầu khó bán thấp hơn. "Cần xác định rõ mục tiêu đấu thầu vàng thu tiền về, hay đấu thầu ổn định thị trường, tâm lý người dân?", đại biểu Lâm nêu rõ.

Đại biểu Trần Hữu Hậu - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh cũng nêu rõ, thời gian gần đây cử tri đặc biệt quan tâm về quản lý, kinh doanh vàng. Đại biểu Hậu nhấn mạnh mặc dù đã có những quy định rõ ràng từ lâu nhưng công tác kiểm tra, giám sát, quản lý của các cơ quan chức năng thời gian vừa qua còn chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên, khiến cho doanh nghiệp chủ quan, lơ là trong việc thực hiện các quy định.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Trị nhìn nhận hai năm trở lại đây, giá vàng trong nước luôn cao hơn quốc tế, chênh 15 - 20 triệu đồng một lượng.

"Điều này khiến thị trường vàng trong nước trở nên nhạy cảm hơn, kích thích hoạt động đầu cơ và nhập lậu, ảnh hưởng lên tỷ giá", ông Đồng đánh giá. Theo ông, so với đầu năm, vàng miếng SJC trong nước tăng gần 24%, trong khi thế giới đắt thêm 20%. Điều người dân băn khoăn, theo ông Đồng, kim loại quý trong nước tăng đột biến "do ai, từ đâu".

"Vàng tăng giá do nguyên nhân thuần túy rằng đây là kênh đầu tư thay thế gửi tiền tiết kiệm, hay một nhóm lợi ích với các hành vi phi pháp, như tẩu tán tài sản, đầu cơ gây rối loạn thị trường", ông đặt vấn đề, thêm rằng Chính phủ cần có giải pháp căn cơ về thị trường vàng.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Đại Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên cũng nhấn mạnh vấn đề về việc "chênh lệch lớn giữa giá trong nước và thế giới là lý do khiến tình trạng buôn lậu nhiều hơn, dòng tiền không vào sản xuất mà đưa vào vàng, đất".

"Nắn" dòng tiền bằng cách nào?

TS. Nguyễn Đức Kiên, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia. (Ảnh: Hạ An).

Phân tích nguyên nhân dẫn đến giá vàng tăng cao, TS. Nguyễn Đức Kiên, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng Chính phủ luôn muốn khuyến khích nguồn vốn của nền kinh tế đi vào sản xuất kinh doanh chứ không khuyến khích nhà đầu tư đi mua vàng.

Tuy nhiên, thị trường vàng đang nảy sinh nhiều bất cập mà nguyên nhân sâu xa là do quản lý chính sách tiền tệ và kinh tế vĩ mô. Trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ đang chọn cả hai mục tiêu, vừa ổn định kinh tế và vừa thúc đẩy tăng trưởng. Đến thời điểm này, chính sách tiền tệ của Việt Nam vẫn cơ bản đảm bảo.

"Chúng ta đã giữ được mức ổn định của tỷ giá đồng USD dao động quanh khoảng 4%. Như vậy, với tỷ giá trung tâm cộng với biên độ 4% có thể thấy đến bây giờ vẫn chưa có những cơn sốc về thu gom USD. Đặc biệt, chúng ta vẫn tích luỹ được dự trữ ngoại hối", ông Kiên nói.

Theo chuyên gia, trong quá trình phát triển sẽ có những vấn đề nảy sinh, trong đó vàng là một vấn đề phát sinh khi chính sách tiền tệ nới lỏng. Do kết hợp với các yếu tố truyền thông, tâm lý đám đông dẫn đến vàng bị đẩy lên cao, tạo sóng khiến nhiều người tham gia vào đầu cơ.

Hiện vàng nhẫn trong nước có giá không chênh lệch lớn với vàng quốc tế, duy chỉ có vàng SJC là chênh lệch rất nhiều. Điều này cho thấy, xử lý phải bắt đầu từ việc quản lý vàng ở thị trường trong nước. NHNN hiện vẫn còn công cụ để điều hành chính sách tiền tệ.

Những đối tượng gom USD để nhập vàng lậu hoặc đầu cơ USD có thể sẽ “vỡ trận” nếu NNHNN điều chỉnh lãi suất cho phép các ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động. Khi đó, dòng tiền có thể trở lại kênh ngân hàng để hỗ trợ nền kinh tế, tuy nhiên vẫn phải giữ lãi suất cho vay ở mức thấp và tăng khả năng tiếp cận của doanh nghiệp thì dòng tiền mới thực sự đi vào sản xuất kinh doanh, chuyên gia phân tích.

Hạ An