|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

TS. Lê Xuân Nghĩa: BĐS nghỉ dưỡng Vân Đồn chắc chắn có tiềm năng tăng giá

17:24 | 09/06/2020
Chia sẻ
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, BĐS du lịch, nghỉ dưỡng tại các khu kinh tế như Vân Đồn chắc chắn sẽ có nhiều tiềm năng phát triển và tăng giá trong tương lai. Nhiều dự án được rót vốn hàng chục nghìn tỉ đồng, hứa hẹn làm “thay da, đổi thịt” thị trường.
TS. Lê Xuân Nghĩa: BĐS nghỉ dưỡng Vân Đồn chắc chắn có tiềm năng tăng giá - Ảnh 1.

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Vân Đồn được đánh giá nhiều tiềm năng. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Tại toạ đàm "Tiềm năng bất động sản nghỉ dưỡng ở khu kinh tế đặc biệt trong tương lai hậu COVID-19" diễn ra sáng ngày 9/6, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhận định, BĐS du lịch, nghỉ dưỡng tại các khu kinh tế như Vân Đồn chắc chắn sẽ có nhiều tiềm năng phát triển và tăng giá trong tương lai.

Minh chứng đầu tiên là sự phát triển nhanh và bền vững của Quảng Ninh thời gian qua đã tạo thành “một chiếc bánh lớn", tốt cho cả khu vực và nhà đầu tư.

TS. Lê Xuân Nghĩa: BĐS nghỉ dưỡng Vân Đồn chắc chắn có tiềm năng tăng giá - Ảnh 2.

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia. (Ảnh: Reatimes)

Nhìn thấy tiềm năng và cơ hội của Vân Đồn, nhiều doanh nghiệp BĐS lớn trên cả nước như Vingroup, CEO Group, Sun Group, FLC, HD Mon... đã dần xuất hiện ở thị trường này. 

Nhiều dự án được rót vốn hàng chục nghìn tỉ đồng, hứa hẹn làm “thay da, đổi thịt” thị trường BĐS Vân Đồn trong tương lai gần.

Bên cạnh đó, Vân Đồn chính thức được qui hoạch dài hạn thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino… sẽ tạo động lực cho sự phát triển của khu kinh tế nói riêng và BĐS nghỉ dưỡng nói chung.

Mặc dù nhiều tiềm năng nhưng ông Lê Xuân Nghĩa cũng nêu ra một số lưu ý khi đầu tư BĐS nghỉ dưỡng tại khu kinh tế đặc biệt Vân Đồn trong tương lai.

Thứ nhất, quyết định đầu tư cần bám sát qui hoạch tổng thể của Vân Đồn, cần nỗ lực tạo ra một khu vực tiện ích thông minh, an toàn và bảo vệ môi trường lâu dài, tạo ra cầu sử dụng lớn như dịch vụ hành chính, dịch vụ đô thị, dịch vụ du lịch, hạ tầng cứng - mềm, xử lí vấn đề môi trường…

Thứ hai, nên đầu tư vào những tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng hiện đại, qui mô lớn, dựa trên nền tảng du lịch và trải nghiệm các yếu tố như dịch vụ nghỉ dưỡng; dịch vụ văn hóa vùng miền; dịch vụ ẩm thực vùng miền; dịch vụ thể thao, giải trí; dịch vụ vụ kết nối di sản;...

Thứ ba, tính thanh khoản và cơ hội sinh lời của BĐS nghỉ dưỡng tại Vân Đồn là rất lớn, tuy nhiên, đó phải là sản phẩm của các chủ đầu tư uy tín, có kinh nghiệm. Bên cạnh đó, cần biết rằng tiềm năng đầu tư BĐS nghỉ dưỡng tại những khu vực như Vân Đồn mang tính dài hạn.

Cũng đưa ra nhận định về thị trường BĐS Quảng Ninh, PGS.TS. Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung cho rằng, xu hướng đầu tư các tổ hợp nghỉ dưỡng tại các khu kinh tế trong tương lai phù hợp với nhu cầu thị trường và xu hướng phát triển của ngành du lịch Việt Nam.

Trong đó, Vân Đồn có những ưu thế đặc biệt thuận lợi cho việc phát triển thành một địa bàn phát triển sản xuất, du lịch, đặc biệt là các tổ hợp du lịch lớn. Các nhà đầu tư đã tập trung và triển khai khai thác ba địa bàn thực tại như các địa bàn ven bờ biển; các hành lang các công trình hạ tầng; các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng. 

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, các cấp chính quyền địa phương cần theo dõi sát sao và đồng hành cùng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần nhạy bén, sáng tạo và nghiêm túc chấp hành các qui định khi triển khai dự án. 

"Chủ trương phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng qui mô lớn cần nhà đầu tư lớn, chiến lược, đường dài. Vì vậy, cần có những doanh nghiệp đầu tàu, những doanh nghiệp thứ cấp đồng lòng, hợp lực mới có thể tạo lập và phát triển được dòng sản phẩm này", ông Chung nhấn mạnh.

Còn theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, Nhà nước cần tạo điều kiện hỗ trợ để các doanh nghiệp bỏ vốn vào đầu tư ở Quảng Ninh. Để địa phương này trở thành đẳng cấp thì tài sản của doanh nghiệp lúc này chính là tài sản quốc gia và cần được Nhà nước hỗ trợ tích cực.

"Vân Đồn đã thu hút các nhà đầu tư chuyên nghiệp nhất, đổ rất nhiều nguồn lực để kiến tạo ra bộ mặt mới. Muốn Vân Đồn trở thành biểu tượng du lịch quốc gia, cần phải có sự thay đổi mang tầm tư duy mới", ông Thiên nói.

Hà Lê

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.