|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

TS. Cấn Văn Lực chỉ ra 4 giải pháp đột phá xử lý dứt điểm nợ xấu

07:00 | 27/10/2016
Chia sẻ
Pháp lý, quyền năng, thị trường, nguồn lực là 4 vấn đề trọng tâm mà TS. Cấn Văn Lực đề cập trong việc cần phải nhìn nhận và sớm đưa ra giải pháp nếu muốn đưa nợ xấu về đích.

Chiều 26/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức Hội thảo "Xử lý nợ xấu – Những vướng mắc cần tháo gỡ". Phát biểu tại hội thảo, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính, ngân hàng chỉ ra những tồn tại và động lực giải quyết tận gốc nợ xấu.

Theo TS. Cấn Văn Lực, ngành ngân hàng cần thực hiện ngay 4 giải pháp đột phá nếu muốn xử lý dứt điểm nợ xấu. Đầu tiên là cần sớm thay đổi cơ chế chính sách liên quan đến nợ xấu. Theo ông Lực, đã đến lúc Quốc hội và NHNN nghiên cứu đạo luật riêng cho vấn đề này, cần tăng quyền cho VAMC trong việc định đoạt tài sản, bán tài sản đảm bảo và bán nợ xấu, bất kể lãi hay lỗ.

Tuy nhiên, trước khi hoạch định chính sách, ngành ngân hàng cần minh bạch hóa thông tin về nợ xấu, phải biết thực chất nợ xấu toàn ngành là bao nhiêu. TS. Cấn Văn Lực cho biết, tính sơ bộ số nợ xấu được báo cáo (2,62%) cộng với số nợ xấu VAMC mua về nhưng chưa xử lý được thì tỷ lệ nợ xấu hiện nay khoảng 7% tổng dư nợ. Con số này từ phía Thụy Sỹ là 8,1%, IMF khoảng 10% - 11% trong khi con số VAMC đưa ra chỉ là 5,84%. Bản thân Việt Nam cần chọn ra một con số thật sự làm cơ sở trước khi bắt tay vào thực hiện.

Đột phá thứ hai là cơ chế cần thành lập thị trường mua bán nợ. TS. Cấn Văn Lực nói, xử lý nợ xấu hiện nay không thể chỉ dựa trên phương án trái phiếu đặc biệt như VAMC vẫn làm mà cần xử lý trên cơ sở giá thị trường. Kinh nghiệm từ Thái Lan và Malaysia đã chỉ ra rằng, chỉ khi để cơ chế thị trường xử lý nợ xấu thì mới thực hiện dứt điểm được câu chuyện. Tuy nhiên, không chỉ là phát hành trái phiếu đặc biệt mà phải là trái phiếu có tính chất thị trường hơn, được phép chuyển nhượng và cầm cố khi có nhu cầu tái cấp vốn.

Thứ ba là quyền năng định đoạt mà cụ thể ở đây định giá mua bán nợ. Theo ông Lực, nếu coi nợ xấu như hàng hóa, để cơ chế thị trường định đoạt thì cần có một tổ chức độc lập đứng ra định giá mua bán nợ. Như vậy xử lý nợ mới đảm bảo tính khách quan, công khai minh bạch và sự thống nhất về giá giữa ba bên: định chế tài chính, ngân hàng và VAMC.

Tuy nhiên, dù là thị trường nào đi nữa cũng không thể hoạt động tốt mà không có nhà đầu tư. Ông Lực đề nghị NHNN sớm cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường nợ xấu trong nước thông qua hình thức ủy thác cho 1 tổ chức thứ ba tại Việt Nam, giống như cách làm của Hàn Quốc.

Cuối cùng là vấn đề nguồn lực. TS. Cấn Văn Lực đề cập đầu tiên là nguồn lực tài chính trên cơ sở những tranh cãi về việc có sử dụng Ngân sách nhà nước xử lý nợ hay không? Ông Lực đưa ra phương án Chính phủ tạm ứng cho VAMC một khoản tiền khoảng 5.000 - 10.000 tỷ đồng, sau đó khi VAMC thu hồi được nợ sẽ phải trả lại cho Ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, nguồn vốn chính vẫn là trái phiếu.

Vấn đề thứ hai trong nguồn lực là con người. TS. Cấn Văn Lực nói, vẫn là câu chuyện nợ xấu tại Thái Lan, họ xử lý nợ xấu trong 10 năm với tổng cộng gần 500 cán bộ. Tuy nhiên, con số hiện nay ở VAMC chỉ là 141 người, trong khi khối lượng nợ xấu là rất lớn còn năng lực hiện có thì lại chưa đáp ứng được yêu cầu. Do đó, nếu không thay đổi, công cuộc xử lý sẽ rất vất vả. Ngoài ra xử lý nợ cần có tổ công tác liên ngành hoặc mời các đại diện bộ ngành tham gia vào HĐQT của VAMC.

Nam Đức