Truy xuất nguồn gốc bằng Blockchain: Startup châu Á đang bứt phá?
Giao diện của WOWTRACE - Ứng dụng truy xuất nguồn gốc dựa trên nền tảng công nghệ blockchain.
Một trong những thoả thuận truy xuất nguồn gốc đình đám nhất cho đến nay là Walmart và IBM. Dự án tiên phong trên nền tảng công nghệ blockchain này đã tạo ra các thay đổi đáng kể trong cách thức cập nhật thông tin của tập đoàn bán lẻ lớn nhất nước Mỹ cũng như hàng loạt các nhà cung cấp. Các quy định về truy xuất thông tin sẽ được áp dụng với toàn bộ các nhà cung cấp rau xanh vào tháng 9 tới.
Khảo sát trên 100 nhà cung cấp cho Walmart chỉ ra cốt lõi của áp dụng công nghệ truy xuất thực phẩm là bài toán cân đối giữa chi phí sản xuất và chi phí gia tăng do công nghệ này. Rào cản chi phí đang làm chùn chân việc áp dụng dự án của Walmart nhanh chóng và rộng rãi trên toàn bộ sản phẩm.
Cơ hội không của riêng ai
Thị trường của công nghệ truy xuất nguồn gốc thực phẩm đang có mức tăng trưởng khá tốt trong 5 năm tiếp theo, với CAGR là 9% mỗi năm. Động lực tăng trưởng là mối lo về an toàn thực phẩm đang tăng rất nhanh sau nhiều scandal như rau xanh nhiễm khuẩn của Walmart hay thực phẩm giả tràn lan tại các siêu thị lớn của Trung Quốc trong những năm gần đây.
Bắc Mỹ và Châu Âu hiện là hai khu vực phát triển nhất nhờ có nền tảng của các quy định chặt chẽ về an toàn thực phẩm, song song sự hiện diện của các dự án ứng dụng blockchain quy mô từ các tập đoàn công nghệ bản địa.
Bên cạnh những tên tuổi như: IBM, Microsoft (Mỹ); SAP-SE (Đức); VeChain (Trung Quốc); Provenance, ChainVine (Anh); AgriDigital, BlockGrain (Úc)..., sân chơi của lĩnh vực truy xuất nguồn gốc nói riêng, thị trường công nghệ ứng dụng blockchain nói chung, giờ đây mở ra cơ hội cho các startup, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong mảng công nghệ tham gia nghiên cứu và khẳng định tên tuổi.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định rằng, trong vài năm tới, Châu Á Thái Bình Dương sẽ phát triển mạnh mẽ để trở thành một trong những thị trường quan trọng của toàn ngành công nghệ truy xuất nguồn gốc cũng như hệ sinh thái blockchain thế giới.
Năm 2016, thị trường blockchain Châu Á Thái Bình Dương ghi nhận 135 startup về công nghệ blockchain được đầu tư tổng số vốn 545 triệu USD. Chỉ trong 1 năm sau, số công ty được đầu tư tăng 50%, đạt 185 startup cùng số vốn 1 tỷ USD.
Đại diện WOWTRACE giao lưu cùng BTC Klaytn Hackathon
Theo báo cáo của Global Market Insights, một trong những lý do lớn nhất dẫn đến sự bứt phá mạnh mẽ này đến từ động thái thay đổi về mặt chính sách của chính phủ một số nước châu Á như Trung Quốc, Singapore, Thái Lan… dựa trên sự thay đổi nhận thức, mong muốn đón đầu xu hướng và thích nghi với công nghệ blockchain của bộ máy quản lý.
Trong một khía cạnh khác, quy mô tầng lớp trung lưu Châu Á Thái Bình Dương được dự báo sẽ đạt 3,5 tỷ người vào năm 2030; 60% thanh thiếu niên thế giới sẽ tập trung ở khu vực này. Đồng thời, một nghiên cứu năm 2016 của Hiệp hội Công nghệ Người tiêu dùng cho thấy, so với Hoa Kỳ, tỷ lệ người tiêu dùng ở các quốc gia châu Á có xu hướng áp dụng công nghệ mới sớm hơn nhiều so với các quốc gia Âu-Mỹ.
Các yếu tố này góp phần tạo ra môi trường thuận lợi và tiềm năng phát triển cho các startup về công nghệ blockchain trong châu lục.
Startup Việt ghi dấu ấn tại sự kiện lập trình thế giới
Theo thống kê của LinkedIn, nguồn nhân lực blockchain có tốc độ phát triển nhanh nhất trong toàn ngành công nghệ thông tin tại Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong và Việt Nam. Nhân sự blockchain phần lớn ở các vị trí phát triển công nghệ, giám đốc công nghệ (CTO) và chuyên gia tư vấn. Một phần không nhỏ đang làm việc cho các startup triệu đô.
Là một trong những nơi tham gia vào làn sóng công nghệ chuỗi khối từ rất sớm, startup Việt Nam không nằm ngoài xu thế trên. Điển hình là WOWTRACE, đại diện từ Việt Nam đã vượt qua 40 đội, đạt hạng tư toàn cầu tại Klaytn Hackathon - cuộc thi trực tuyến nhằm giới thiệu những ý tưởng, ứng dụng, giải pháp công nghệ mới nhất.
“Giải pháp WOWTRACE là thành quả cho quá trình nỗ lực không ngừng của đội ngũ nghiên cứu với niềm đam mê và mong ước ứng dụng blockchain để cải thiện cuộc sống con người Việt Nam.”, ông Nguyễn Đức Phương Nam, Giám đốc dự án WOWTRACE, cho biết.
WOWTRACE là giải pháp ứng dụng blockchain làm nền tảng cho mọi giao dịch, trao đổi thông tin trong chuỗi cung ứng, khởi đầu với nông nghiệp. Giải pháp này cho phép người tiêu dùng có khả năng tiếp cận các thông tin đầu vào của toàn bộ quy trình chuỗi cung ứng một cách nhanh chóng chỉ bằng việc quét mã QR trên ứng dụng trên điện thoại.
Công bố chính thức trên trang chủ Klaytn Hackathon.
Qua đó, WOWTRACE nâng cao tính minh bạch, chất lượng và an toàn cho nông sản Việt Nam, hướng đến việc ứng dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề không những trong chuỗi cung ứng nông nghiệp mà còn nhiều lĩnh vực khác ở Việt Nam và khắp thế giới một cách hiệu quả, bền vững.
Theo các chuyên gia, sẽ cần 3 - 5 năm để toàn ngành công nghệ blockchain đạt tới độ trưởng thành một cách hoàn chỉnh. Công nghệ truy xuất nguồn gốc dựa trên nền tảng blockchain cũng không ngoại lệ. Và đó là thời gian đủ để các startup châu Á hoàn thiện sản phẩm đưa vào ứng dụng thực tế.
Mặt khác, startup của Việt Nam được ghi nhận tại một blockchain hackathon quy mô thế giới cũng đang mở ra một trang mới đầy tiềm năng của thị trường blockchain Việt Nam.
► Về WOWTRACE:
WOWTRACE là một giải pháp truy xuất nguồn gốc hoàn chỉnh dựa trên các công nghệ: AI, Blockchain, Cloud, Data, mang lại sự phát triển bền vững và độ minh bạch của chuỗi cung ứng, giúp cho người tiêu dùng và các bên tham gia vào chuỗi cung ứng có thể nắm bắt kịp thời các thông tin về dòng dịch chuyển của sản phẩm một cách tối ưu nhất.
► Về Klaytn Hackathon:
Klaytn Hackathon là một hackathon trực tuyến nơi các cá nhân hay đội nhóm trên toàn thế giới có thể tham gia xây dựng ứng dụng blockchain (Bapp- Blockchain application) trên mạng thử nghiệm Baobab (Baobab testnet) của Klaytn. Klaytn Hackathon mong muốn xây dựng một cộng đồng mã nguồn mở để thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực blockchain. Được tổ chức bởi những tên tuổi lớn trong lĩnh vực blockchain như Ground X, Hashed, Foundation X, Klaytn Hackathon bao gồm 3 vòng thi căng thẳng nhằm tìm ra giải pháp ứng dụng blockchain có thể giúp giải quyết các vấn đề trong đời sống thực tế và đáp ứng 3 tiêu chí: Lợi ích người dùng, khả năng ứng dụng rộng rãi, tầm ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng và tính khả thi về mặt kinh doanh. Đội ngũ giám khảo gồm những lập trình viên cao cấp từ Klaytn, đại diện nhóm quỹ đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực crypto và vườn ươm tăng tốc khởi nghiệp cùng các đối tác của Klaytn nhằm đảm bảo chất lượng trong việc đánh giá các sản phẩm dự thi trên nhiều khía cạnh: Công nghệ, tầm ảnh hưởng và tiềm năng kinh doanh của giải pháp.