Trương Huệ Vân: 'Sai phạm vì tin tưởng tuyệt đối' bà Trương Mỹ Lan
Trong phiên tòa sáng 7/3, Trương Huệ Vân, 36 tuổi, là người thân duy nhất của bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) bị xét hỏi. Giọng nhỏ, Vân tỏ ra mất bình tĩnh trong vài phút đầu, sau đó thừa nhận cáo trạng "thể hiện đúng hành vi phạm tội" của mình.
Vân có ảnh hưởng rất lớn trong tập đoàn Vạn Thịnh Phát, được bà Lan tin tưởng, giao quản lý, điều hành nhiều doanh nghiệp. Cô bị cáo buộc làm theo lời bà Trương Mỹ Lan, lợi dụng chức vụ Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, chỉ đạo nhân viên cấp dưới thành lập và sử dụng 52 công ty "ma" và 4 công ty có hoạt động thật, tạo lập 155 khoản vay tại SCB. Việc này đã giúp bà Lan chiếm đoạt gần 1.100 tỷ đồng.
Trả lời tòa, Vân khai là cháu ruột của bà Lan, được cô yêu thương và nhận là con. Bị cáo sống với cô từ nhỏ, được cho ăn học, làm việc tại Vạn Thịnh Phát nên "rất hiểu cách sống và tin tưởng vào định hướng, tầm nhìn, kế hoạch của cô".
Trong gần 10 phút trả lời HĐXX, Vân phần lớn nói về "lòng tin tưởng tuyệt đối" vào bà Lan, đồng thời thừa nhận biết cô ruột là chủ thực sự của SCB, chi phối toàn bộ hoạt động của ngân hàng này. "Bị cáo phạm tội với tư cách là người thân trong gia đình", Vân nói.
Phạm tội vì 'muốn được hợp tác với Vạn Thịnh Phát'
Cũng như các bị cáo khác, Dương Tấn Trước, Tổng giám đốc Công ty Tường Việt - , thừa nhận cáo trạng truy tố mình là đúng và bản thân "nhận thức được việc làm sai trái".
Theo VKS, ông này được bà Lan và Trương Khánh Hoàng thỏa thuận chuyển nhượng dự án Thanh Yến tại phường Bình An, quận 2 (hiện là TP Thủ Đức) cho Công ty Tường Việt với giá 2.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, Trước không phải trả tiền mà chỉ cần lập hồ sơ vay vốn tại SCB với số tiền 3.500 tỷ đồng; trong đó 2.500 tỷ là tiền nhận chuyển nhượng dự án Thanh Yến, 1.000 tỷ để bà Lan sử dụng và có trách nhiệm trả cho SCB.
Để hợp thực hóa hồ sơ cho khoản vay trên, Trước chỉ đạo nhân viên Công ty Tường Việt liên hệ với SCB thực hiện phương án vay vốn và thành lập Công ty Thuận Tiến, Công ty Khánh Minh để đứng tên hồ sơ. Ngày 19/5/2021, SCB ký thỏa thuận cho hai công ty trên vay, lần lượt giải ngân 1.700 tỷ đồng và 1.800 tỷ đồng. Mục đích vay thể hiện trên hồ sơ là "bổ sung vốn nhận chuyển nhượng phần vốn góp" trong công ty sở hữu dự án Thanh Yến; tài sản đảm bảo là hơn 7.000 m2 đất và tài sản gắn liền với đất của dự án.
Thực tế, sau khi giải ngân, tiền được chuyển lòng vòng vào tài khoản của nhiều cá nhân và công ty thuộc nhóm Vạn Thịnh Phát để bà Lan sử dụng vào nhiều mục đích cá nhân. Tổng cộng, Trước giúp sức cho bà Lan chiếm đoạt 4.750 tỷ đồng của SCB và gây thiệt hại 605 tỷ đồng lãi phát sinh.
Trả lời HĐXX, bị cáo Trước khai, trong quá trình làm ăn, biết bà Lan "uy tín, làm rất nhiều dự án bất động sản lớn, giá trị" nên mong muốn được hợp tác. Để lấy lòng Chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Trước từng nhiều lần dùng pháp nhân các công ty của mình để vay tiền SCB ứng trước cho bà Lan, khi được bà này hứa "chị sẽ trả lại sau".
Tòa hỏi có hay không lo sợ bà Lan không trả lại tiền? Trước đáp: "Trong suy nghĩ của bị cáo, nếu chị Lan không trả thì mình sẽ trả".
Về việc được bà Lan "thưởng" 1.500 tỷ đồng, Trước lý giải, do mình đã tư vấn pháp lý, xin cấp giấy phép xây dựng và Sài Gòn Bình An. Để thực hiện điều này, bà Lan chỉ đạo làm hồ sơ cho Công ty Tường Việt vay 1.500 tỷ đồng.
VKS xác định, để hợp thức hóa hồ sơ vay trên, Trước chỉ đạo nhân viên lập phương án và hợp đồng mua bán khống giữa các công ty trong nhóm Tường Việt. SCB đã giải ngân 18 lần, tổng cộng 1.498 tỷ đồng. Đây thực chất là rút tiền SCB để Trương Mỹ Lan cho Dương Tấn Trước.
Trong phiên tòa sáng nay, HĐXX xét hỏi một số bị cáo là lãnh đạo SCB, các công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát. Tất cả đều thừa nhận cáo trạng truy tố đúng.
Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc sử dụng SCB như một công cụ tài chính để huy động vốn, sau đó làm khống hồ sơ rút tiền phục vụ hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát. Dù không nắm chức vụ gì tại SCB, song với việc nắm giữ 91,5% cổ phần, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát đã chi phối, lũng đoạn chỉ đạo toàn bộ hoạt động ngân hàng.
Trong 10 năm liên tiếp (từ 2012 đến 2022), SCB đã giải ngân cho nhóm bà Lan hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1.066.000 tỷ đồng - chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng. Đến năm 2022, nhóm bà Lan còn gần 1.300 khoản vay, dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỷ đồng nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi. Hành vi của bà Lan và đồng phạm gây thiệt hại cho SCB 498.000 tỷ đồng.
Là người chủ mưu cầm đầu trong vụ án, bà Lan bị truy tố về ba tội Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và Tham ô tài sản.
Những người còn lại bị xét xử về các tội: Tham ô tài sản, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng.
Riêng bị cáo Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Lang và Công ty Capella) bị xác định tộiLạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Phiên tòa dự kiến kéo dài đến cuối tháng 4.