|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Người đàn ông giúp bà Trương Mỹ Lan xin giấy phép các dự án lớn ở TP HCM

08:35 | 02/03/2024
Chia sẻ
Trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ông Dương Tấn Trước, Tổng Giám đốc điều hành Công ty Tường Việt, đã giúp bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hơn 4.750 tỷ đồng từ SCB và xin giấy phéo cho các dự án lớn ở TP HCM.

Rút hàng nghìn tỷ từ SCB mua dự án Thanh Yến 

Theo tài liệu điều tra, ông Dương Tấn Trước, Tổng Giám đốc điều hành Công ty Tường Việt, quen biết Trương Mỹ Lan từ cuối năm 2020.

Khoảng tháng 4/2021, Trương Mỹ Lan và Trương Khánh Hoàng (quyền Tổng Giám đốc SCB) trao đổi, thỏa thuận với ông Dương Tấn Trước về việc Lan chuyển nhượng dự án Thanh Yến cho ông và Công ty Tường Việt với giá 2.500 tỷ đồng.

Trong đó, ông Trước không phải thanh toán tiền mà chỉ cần lập hồ sơ vay vốn tại SCB với số tiền nhận nợ 3.500 tỷ đồng (gồm 2.500 tỷ đồng tiền nhận chuyển nhượng dự án Thanh Yến; 1.000 tỷ đồng để Lan sử dụng và có trách nhiệm trả SCB).

Ông Trước sau đó đã chỉ đạo nhân viên của Công ty Tường Việt liên hệ với Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó Tổng Giám đốc SCB) thực hiện phương án vay vốn bằng cách thành lập Công ty Thuận Tiến và Công ty Khánh Minh đứng tên hồ sơ vay vốn.

Ngày 19/5/2021, SCB ký thỏa thuận cho Công ty Thuận Tiến và Công ty Khánh Minh vay với số tiền giải ngân lần lượt là 1.700 và 1.800 tỷ đồng, mục đích vay đều là bổ sung vốn nhận chuyển nhượng phần vốn góp trong Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Sông Hàn (công ty mẹ nắm 100% cổ phần của CTCP Đầu tư Hermes Power - chủ sở hữu dự án Thanh Yến).

Tài sản bảo đảm cho hai khoản vay này là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại dự án Thanh Yến (hơn 7.000 m2 đất thuộc Thửa đất số 307, Tờ bản đồ số 27 tại địa chỉ phường Bình An, quận 2, TP HCM).

Số tiền đã giải ngân được chuyển lòng vòng vào tàỉ khoản của nhiều cá nhân, công ty thuộc nhóm Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát để sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau của Lan.

Tại thời điểm khởi tố vụ án (ngày 17/10/2022), hai khoản vay của Công ty Thuận Tiến, Công ty Khánh Minh còn tổng dư nợ gần 4.100 tỷ đồng (nợ gốc 3.500 tỷ đồng, lãi hơn 589 tỷ đồng).

Giúp bà Trương Mỹ Lan xin giấy phép dự án Mũi Đèn Đỏ, Sài Gòn Bình An

Khu vực quy hoạch dự án Mũi Đèn Đỏ (Khuđô thị mới Saigon Peninsula,thuộc sở hữu của CTCP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula - pháp nhân trong hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. (Ảnh minh họa).

Không chỉ có dự án Thanh Yến, ông Dương Tấn Trước còn giúp Trương Mỹ Lan xin giấy phép các dự án lớn tại TP HCM, trong đó có Giấy phép xây dựng hạ tầng giai đoạn 1 và tăng hệ số xây dựng dự án Mũi Đèn Đỏ, Giấy phép xây dựng dự án Sài Gòn Bình An (SDI).

Đổi lại, bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo Trần Thị Mỹ Dung làm hồ sơ cho Công ty Tường Việt vay 1.500 tỷ đồng, được giải ngân 18 lần và thực chất là rút số tiền này từ SCB để cho ông Dương Tấn Trước.

Hồ sơ vay vốn được ông Dương Tấn Trước chỉ đạo nhân viên Công ty Tường Việt lập và bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo đưa hơn 39 triệu cổ phần của CTCP Đầu tư và Phát triển Sài Gòn - SDI (chủ đầu tư dự án Sài Gòn Bình An nói trên) làm tài sản bảo đảm để hợp thức hồ sơ.

Tháng 9/2022, tài sản bảo đảm đã được hoán đổi thành: (1) Quyền sử dụng gần 343 m2 đất thuộc thửa 201, tờ bản đồ 4 tại địa chỉ 11-13-15-17-19-21 Hàm Nghi, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP HCM; (2) Quyền sử dụng 98 m2 đất và tài sản gắn liền với đất thuộc thửa đất số 12, tờ bản đồ số 40 và (3) Quyền sử dụng 92 m2 đất và tài sản gắn liền với đất thuộc thửa đất số 13, tờ bản đồ số 40 tại địa chỉ số 22 - 24 Lê Lợi, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM.

Ngoài ra, ông Dương Tấn Trước còn chỉ đạo nhân viên phối hợp với nhân viên SCB đưa Công ty Việt Đức đứng tên khoản vay, lập các hợp đồng mua bán khống giữa công ty Việt Đức và các công ty trong nhóm Tường Việt để hợp thức phương án vay.

Tính đến ngày khởi tố vụ án, 15 khoản vay đứng tên các công ty Thuận Tiến, Khánh Minh, Tường Việt, Việt Đức có tổng dư nợ gần 5.700 tỷ đồng (dư nợ gốc 5.090 tỷ đồng, lãi 605 tỷ đồng). Tổng giá trị tài sản bảo đảm được định giá chưa đến 338 tỷ đồng.

Riêng khoản vay của Công ty Tường Việt còn tổng dư nợ khoảng 1.350 tỷ đồng (dư nợ gốc 1.342 tỷ đồng, lãi 8,5 tỷ đồng). Trong đó, tổng giá trị tài sản bảo đảm được Công ty Hoàng Quân định giá gần 185 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra xác định ông Dương Tấn Trước đã giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hơn 4.750 tỷ đồng từ SCB, gây thiệt hại số tiền lãi phát sinh hơn 600 tỷ đồng. Ông Dương Tấn Trước được Lan cho 1.498 tỷ đồngsử dụng vào các mục đích cá nhân.

Ngoài ra, ông Dương Tấn Trước còn nhận của Trương Mỹ Lan gần 2.700 tỷ đồng, trong đó ông đã đưa lại cho bà Lan hơn 490 tỷ đồng (thông qua cháu gái của bà Lan là bà Trương Huệ Vân). Ông xin tự nguyện trả hơn 2.200 tỷ đồng còn lại cho Lan để khắc phục hậu quả vụ án.

Sau khi vụ án được khởi tố, ông Dương Tấn Trước và Công ty Tường Việt đã khắc phục hậu quả, trả SCB hơn 800 tỷ đồng đối với hai khoản vay của Công ty Tường Việt và Công ty Việt Đức.

Ông Dương Tấn Trước bị truy tố về tội “Tham ô tài sản”, được quy định tại Khoản 4, Điều 353 Bộ luật Hình sự 2015.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Nguyên Ngọc