|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Trước thềm sáp nhập, Honda và Nissan đang hiện diện thế nào tại Việt Nam?

07:59 | 02/01/2025
Chia sẻ
Liên minh này đang có khoảng 19% thị phần bán xe mới tại Việt Nam trong năm 2024.

Theo Nikkei, Honda, Nissan và có thể cả Mitsubishi đang thảo luận về kế hoạch sáp nhập. Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy thị phần hiện tại của ba thương hiệu này vẫn thấp hơn nhiều so với các đối thủ tại các thị trường mới nổi quan trọng ở châu Á.

Việc sáp nhập này được lên kế hoạch nhằm giúp các hãng xe cạnh tranh trong ngành công nghiệp ô tô, nơi các sản phẩm ngày càng phụ thuộc vào phần mềm và xu hướng sử dụng xe điện, xe hybrid cùng các công nghệ vận hành sạch hơn. Theo ông Toshihiro Mibe, Chủ tịch kiêm CEO của Honda, kết quả của sự sáp nhập sẽ được triển khai “quy mô lớn từ năm 2030 trở đi”.

Đến thời điểm đó, Đông Nam Á và Ấn Độ dự kiến sẽ đóng vai trò quan trọng hơn khi tốc độ tăng trưởng doanh số tại các thị trường phát triển như châu Âu, Bắc Mỹ và Nhật Bản đang chững lại.

 Đồ hoạ: Nikkei, nguồn ảnh: AP.

Theo dữ liệu năm 2024 do công ty nghiên cứu MarkLines cung cấp, hiện chỉ có Honda và Mitsubishi đang bán xe tại Việt Nam. Với tổng thị phần 19%, hai hãng này nhỉnh hơn Toyota một chút. Tuy nhiên, họ vẫn đứng sau Hyundai-Kia của Hàn Quốc, thương hiệu chiếm 30% doanh số xe mới tại Việt Nam. Riêng, Mitsubishi đang có thị phần đáng kể 12%.

Việc Mitsubishi tham gia vào kế hoạch sáp nhập với Honda và Nissan sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược bán hàng của pháp nhân mới. Mitsubishi sẽ đưa ra quyết định về việc tham gia đàm phán sáp nhập trước cuối tháng 1.

Tại một cuộc họp báo, Chủ tịch kiêm CEO Mitsubishi Motors, ông Takao Kato, đã thể hiện thái độ tích cực với kế hoạch này. Ông nói: “Chúng tôi có thể hỗ trợ hoạt động kinh doanh toàn cầu của họ bằng cách tận dụng thế mạnh của mình, bao gồm hoạt động tại Đông Nam Á và dòng xe bán tải cỡ nhỏ”.

Rộng hơn trong khu vực, tại thị trường hàng đầu là Indonesia Toyota dẫn đầu với 56% thị phần. Hãng này cũng giữ vị trí số một tại Thái Lan (39%) và Philippines (47%), hai thị trường lớn tiếp theo ở khu vực Đông Nam Á. Nếu hợp nhất, liên minh Honda-Nissan-Mitsubishi sẽ trở thành thương hiệu có doanh số đứng thứ hai tại ba thị trường lớn này, với thị phần từ khoảng 20% đến 30%.

Tại Malaysia, Perodua, hãng xe nội địa, chiếm 44% thị phần. Thị phần kết hợp của Honda, Nissan và Mitsubishi chỉ đạt 13%, xếp thứ 4 tại thị trường này.

Để thành công, liên minh cần phá vỡ sự thống trị của các thương hiệu dẫn đầu tại từng thị trường. Đây là một nhiệm vụ rất khó khăn, đặc biệt khi các hãng xe Trung Quốc và dòng xe điện của họ đang mở rộng nhanh chóng trong khu vực.

Tuy vậy, mối đe dọa từ các đối thủ Trung Quốc có thể ít nghiêm trọng hơn tại Ấn Độ - thị trường ô tô lớn thứ ba thế giới. Với quan hệ căng thẳng với Bắc Kinh, chính phủ Ấn Độ đã hạn chế các công ty Trung Quốc đầu tư vào nước này.

Dù vậy, liên minh sau sáp nhập vẫn phải tạo ra các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng Ấn Độ. Đây sẽ là một thách thức lớn. Trong ba hãng, chỉ Honda và Nissan hiện đang bán xe tại Ấn Độ, với tổng thị phần chỉ đạt 2%.

Các chuyên gia cho rằng mục tiêu chính của việc sáp nhập là tạo ra những sản phẩm thực sự hấp dẫn.

“Thỏa thuận này hướng đến việc tăng quy mô để giảm chi phí sản xuất trên mỗi xe, hạ chi phí phát triển nhờ áp dụng công nghệ mới trên nhiều mẫu xe, từ đó tối ưu hóa giá trị đầu tư vào công nghệ”, bà Stephanie Brinley, Giám đốc phân tích ô tô tại S&P Global Mobility, nhận định. “Tuy nhiên, cốt lõi của thành công vẫn là tạo ra những sản phẩm đủ sức thu hút”.

Bà cũng nhấn mạnh rằng quy mô kết hợp của ba hãng xe có thể giúp giảm vốn đầu tư nhưng sẽ không mang lại thành công nếu sản phẩm không đáp ứng được kỳ vọng của thị trường.

Ông Sanshiro Fukao, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Itochu, cho rằng ba hãng xe này có tiềm năng sản xuất các mẫu xe điện nhỏ phù hợp với nhu cầu di chuyển hàng ngày tại các quốc gia đang phát triển ở châu Á, giống như vai trò của xe máy hay xe ba bánh.

“Honda, Nissan và Mitsubishi có kinh nghiệm trong việc sản xuất xe điện cỡ nhỏ, vốn rất được ưa chuộng tại Nhật Bản”, ông Fukao cho biết. “Việc nhanh chóng ra mắt các mẫu xe mới là yếu tố sống còn đối với công ty mới, đặc biệt trong bối cảnh cuộc đua phát triển xe điện và công nghệ phần mềm đang diễn ra mạnh mẽ vào cuối thập kỷ 2020”.

Đức Huy