|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Trước thềm hội nghị với Thủ tướng, doanh nghiệp địa ốc nói gì về những khó khăn?

17:18 | 13/02/2023
Chia sẻ
Nhiều kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ sớm thoát khỏi những bế tắc sau hội nghị trực tuyến toàn quốc do Thủ tướng chủ trì dự kiến diễn ra vào sáng ngày 17/2.

Thị trường bất động sản chờ tháo gỡ nút thắt. (Ảnh minh họa: Hải Quân).

Dự kiến ngày 17/2, Thủ tướng sẽ chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.

Các doanh nghiệp tham dự gồm: Tập đoàn Vingroup, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc NOVA (Novaland), CTCP Hưng Thịnh Land, CTCP Đầu tư Bất động sản Toàn Cầu (GP.INVEST), CTCP Đầu tư IMG, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC Bình Dương).

Trước đó, sáng 8/2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản. Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp đều chia sẻ đang gặp khó khăn về vốn và pháp lý.

Ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT CTCP Vinhomes (Mã: VHM) chia sẻ, trong đầu tư bất động sản có nhiều chi phí phát sinh nhưng không phải chi phí nào cũng được ngân hàng giải ngân như chi phí giải phóng mặt bằng. Trước đây, khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn tốt thì doanh nghiệp có thể huy động vốn để tài trợ cho các chi phí ban đầu này, còn hiện tại thì không. Do vậy, doanh nghiệp đề xuất NHNN xem xét hỗ trợ.

Đại diện Vinhomes cũng đề nghị NHNN và các ngân hàng thương mại làm rõ các quy định, tháo gỡ các vướng mắt về mục đích vay vốn và hình thức giải ngân tại các văn bản hướng dẫn.

“Các ngân hàng cần có biện pháp tháo gỡ về cơ chế liên quan đến việc xếp loại và kiểm soát cho vay trong lĩnh vực bất động sản; bổ sung các cơ chế chính sách đặc thù cho các nhà đầu tư lớn, các dự án có đầy đủ pháp lý mang tính trọng điểm, tránh tình trạng cào bằng. Đồng thời, có biện pháp giảm dần lãi suất để hỗ trợ khả năng tài chính cho người dân và chủ đầu tư”, ông nói.

Bà Đỗ Thị Phương Lan, Phụ trách tư vấn Dự án tái cấu trúc cho CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, Mã: NVL), chia sẻ doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn khủng hoảng vừa qua.

Đối với các khoản nợ nước ngoài, Novaland đã thuyết phục đối tác nhìn nhận đây là rủi ro thị trường để tiến hành tái cơ cấu. Còn với các khoản nợ trong nước, doanh nghiệp đang tiếp tục làm việc với các ngân hàng thương mại để tháo gỡ khó khăn.

Do đó, doanh nghiệp này đề xuất NHNN xem xét cho các tập đoàn bất động sản được tái cấu trúc nợ, giãn nợ trong vòng 24 - 36 tháng. Ngoài ra, đề nghị NHNN với vai trò lãnh đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại với tư cách là những nhà đầu tư chuyên nghiệp xem xét các giải pháp có thể giúp đỡ doanh nghiệp hoàn thiện nghĩa vụ với các trái chủ.

Ông Lê Trọng Khương, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh kiêm Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land, chia sẻ, “Ở một số nước trên thế giới, việc huy động vốn từ trái phiếu là một nguồn tiền rất tốt cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay kênh huy động này đang gặp bế tắc do một số vụ việc vừa qua đã khiến niềm tin của các nhà đầu tư bị ảnh hưởng.

Để giải quyết khó khăn này, về góc độ doanh nghiệp, tôi đề nghị NHNN và các bộ ngành xem xét có phương án để hỗ trợ các doanh nghiệp tồn tại và phát triển tốt thì các trái chủ mới cảm thấy yên tâm đầu tư”.

Đại diện Hưng Thịnh Land cũng nói thêm, khi NHNN nới lỏng room cho vay để doanh nghiệp có nguồn vốn đầu tư mới phát triển lành mạnh và nhà đầu tư trái phiếu mới quay trở lại thị trường.

“Trong bối cảnh hiện nay, các trái chủ đang rất lo ngại về việc các doanh nghiệp có tồn tại được hay không, có bán được sản phẩm không,… Do đó, đề xuất NHNN nới lỏng room và cơ cấu lại nhóm nợ.

Trong khi đó, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Goup nêu quan điểm, lĩnh vực bất động sản, xây dựng có hơn 100 luật, nghị đinh, thông tư khác nhau và có những mâu thuẫn, chồng chéo khi thực hiện. Mặc dù, các Bộ ngành thường xuyên có chỉnh sửa nhưng không theo kịp với thực tế.

Ông lấy ví dụ, condotel chưa có chính sách nào để chủ đầu tư huy động nguồn lực. Chưa kể quy trình phức tạp dẫn đến sự chậm trễ, chồng chéo thực hiện của các cơ quan địa phương. Phía Sun Goup, mong muốn có sự đánh giá lại, loại bỏ các chồng chéo, hành lang pháp lý thông thoáng hơn để tạo ra kênh đầu tư hiệu quả, tạo nguồn lực cho xã hội.

Đại diện Sun Group cũng đề xuất NHNN nên có cơ chế chính sách riêng cho bất động sản ngành du lịch, coi như ngành sản xuất kinh doanh, tức là nằm trong lĩnh vực ưu tiên chứ không phải lĩnh vực hạn chế, kiểm soát chặt chẽ,…

Khó nhất là pháp lý, khó nhì là tín dụng

Chia sẻ bên lề Hội nghị của NHNN, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết, doanh nghiệp địa ốc rất cần vốn tín dụng trong lúc chưa huy động được vốn từ các nguồn khác. Thị trường trái phiếu mới chỉ phát triển từ năm 2018 trở lại đây. Ở Việt Nam có một nghịch lý là thị trường bất động sản cần vốn trung, dài hạn nhưng thị trường vốn lại phát triển không tương xứng với sự phát triển của nền kinh tế, nhất là của thị trường bất động sản.

“Cái khó nhất của các doanh nghiệp hiện nay chính là vấn đề pháp lý. Nếu giải quyết được vấn đề này thì nguồn cung nhà ở đưa ra thị trường sẽ được tăng lên, giá cả sẽ giảm xuống, tạo điều kiện cho nhiều người có thể tiếp cận được nhà ở. Bên cạnh vấn đề pháp lý thì có cả vấn đề tín dụng, chúng tôi đề xuất NHNN xem xét cấp một gói tín dụng tương tự như gói 30.000 tỷ đồng năm 2013 để hỗ trợ lãi suất cho những người mua nhà có giá khoảng 2 tỷ đồng trở xuống. Gói hỗ trợ này sẽ tạo một áp lực buộc các doanh nghiệp phải cơ cấu lại sản phẩm, tập trung phát triển sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực. Như vậy, thị trường bất động sản mới phát triển bền vững”, vị này nói.

Chủ tịch HoREA cho biết, bất động sản và các ngành kinh tế có mối quan hệ cộng sinh. Do đó, tất cả phải cùng nhau tìm giải pháp. Tới đây, giải pháp lớn nhất để giúp thị trường bất động sản phục hồi và tăng trưởng là phải kích cầu về tiêu dùng, phải có những sản phẩm đáp ứng nhu cầu ở thực và có cơ chế về mặt tín dụng để hỗ trợ cho những người có nhu cầu thực.

“Doanh nghiệp không ngại mức lãi vay hiện nay đang ở mức trên dưới 13%/năm mà điều lo lắng nhất ở đây là việc không tiếp cận được nguồn tín dụng mới. Mà nguyên nhân ở đây là do vướng khoản vay cũ bị ngân hàng xếp vào nợ xấu. Nếu khoản nợ xấu ở nhóm 2, nhóm 3 thì chúng tôi đề nghị phía ngân hàng nên khoanh lại. Đối với những dự án của doanh nghiệp uy tín đưa ra để đề nghị vay vốn nếu khả thi, có đầy đủ pháp lý thì nên ưu tiên xem xét giải quyết trước. Hoặc dự án đó đáp ứng nhu cầu ở thực thì ngân hàng cũng nên ưu tiên cho vay”, vị này nói.

Khó khăn tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp địa ốc trong năm 2023, ngoài tín dụng đó là hơn 100.000 tỷ trái phiếu đến hạn. Do đó, phải giải quyết bằng một cách nào đó để tránh đổ vỡ. Theo ông Châu, chính các doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm. Trong đó, phải giảm giá một cách thực chất; bán, chuyển nhượng dự án,… Bởi hiện nay, tình hình thị trường đang khó khăn nhưng giá bán vẫn đang neo cao. Tất cả các bên, bao gồm cả nhà đầu tư cá nhân đều phải giảm kỳ vọng lợi nhuận, thà bán lỗ còn hơn bị mất tài sản.

An Dương

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.