|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Trước thềm đại hội Vinaconex: Dòng tiền âm hàng nghìn tỉ đồng giải quyết bằng vay ngân hàng và thoái vốn, dấu hỏi về chất lượng lợi nhuận

10:53 | 28/06/2020
Chia sẻ
Ghi nhận trong năm 2019, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Vinaconex âm hàng nghìn tỉ đồng, một phần vấn đề này được giải quyết bằng việc gia tăng đi vay ngân hàng. Cập nhật đến cuối quí I, vấn đề này chưa có gì cải thiện tại Vinaconex.

Ngày mai (29/6), CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã: VCG) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020. Đại hội này đánh dấu tròn một năm kể từ đại hội đầu tiên tổ chức sau khi Vinaconex được nhóm An Quý Hưng thâu tóm và điều hành.

Kì đại hội đầu tiên sau khi Vinaconex về với nhóm An Quý Hưng đánh dấu sự biến động lớn khi nhóm cổ đông lớn của công ty đề nghị bổ sung báo cáo của HĐQT, Ban Kiểm soát về sửa đổi quy chế tài chính, việc mua cổ phiếu quĩ giám sát hoạt động chi tiêu tài chính nhưng không được thông qua.

Một vấn đề khác được người viết ghi nhận tại kì đại hội năm ngoái là việc cổ đông lớn Vinaconex lo ngại về nguy cơ thất thoát tài sản bởi quyền lực tập trung quá lớn trong tay Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc, vốn cũng là hai cá nhân liên quan tới nhóm An Quý Hưng.

Tăng trưởng lợi nhuận năm 2019 không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi

Sau đúng một năm, câu chuyện nội bộ của Vinaconex không có nhiều diễn biến mới. Tuy nhiên, với những cổ đông của công ty, nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu VCG thì kết quả kinh doanh của công ty là quan trọng hơn cả.

Trái với kì vọng của cổ đông về bức tranh kinh doanh sáng lạn khi Vinaconex thoát khỏi "vỏ bọc" nhà nước, kết quả kinh doanh của Vinaconex không mấy khởi sắc.

Điển hình, trong năm 2019, Vinaconex báo cáo tăng trưởng lợi nhuận trong khi doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm nhẹ. Điều đáng nói là việc tăng trưởng này không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp.

Tại báo cáo tài chính hợp nhất, sự tăng trưởng về lợi nhuận của Vinaconex được đóng góp một phần từ hoạt động kinh doanh không cốt lõi. Cụ thể, lợi nhuận khác của công ty tăng 45 tỉ đồng so với năm 2018 do công ty hoàn nhập dự phòng bảo hành các tòa chung cư, lãi do thanh lí tài sản cố định và xây dựng cơ bản dở dang.

Tương tự tại BCTC công ty mẹ, sự tăng trưởng của lợi nhuận cũng đến từ sự tăng trưởng đột biến từ các khoản thu nhập khác.

Trước thềm đại hội Vinaconex: Giải quyết câu chuyện dòng tiền âm hàng nghìn tỉ đồng bằng vay ngân hàng và thoái vốn, dấu hỏi về chất lượng lợi nhuận - Ảnh 1.

Nguồn: BCTC Công ty mẹ năm 2019 của Vinaconex

Dấu hỏi về chất lượng lợi nhuận khi dòng tiền âm

Bên cạnh câu chuyện cấu trúc của khoản lợi nhuận năm 2019 của Vinaconex, chỉ tiêu phản ánh về chất lượng lợi nhuận là dòng tiền cũng được cổ đông đặc biệt quan tâm.

Ghi nhận trên báo cáo tài chính công ty mẹ Vinaconex, công ty ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm 1.123 tỉ đồng trong năm 2019, trong khi năm 2018 chỉ là âm 285 tỉ đồng.

Trước thềm đại hội Vinaconex: Giải quyết câu chuyện dòng tiền âm hàng nghìn tỉ đồng bằng vay ngân hàng và thoái vốn, dấu hỏi về chất lượng lợi nhuận - Ảnh 2.

Nguồn: BCTC Công ty mẹ Vinaconex

Nguyên nhân dòng tiền kinh doanh của Vinaconex (công ty mẹ) âm nghìn tỉ đồng đến từ sự đột biến về khoản phải thu, hàng tồn kho và khoản phải trả.

Để giải quyết việc dòng tiền kinh doanh âm hàng nghìn tỉ đồng, trong năm 2019, Vinaconex (công ty mẹ) phải giảm tiền cho vay, mua công cụ nợ của đơn vị khác, tăng thu hồi đầu tư vốn vào đơn vị khác.

Đáng chú ý hơn, "cơn khát" dòng tiền của Vinaconex (công ty mẹ) được giải bằng tăng trưởng dòng tiền từ hoạt động tài chính. Cụ thể, công ty thu tiền từ đi vay là 2.980 tỉ đồng trong năm 2019, trong khi năm trước đó là 1.008 tỉ đồng.

Trước thềm đại hội Vinaconex: Giải quyết câu chuyện dòng tiền âm hàng nghìn tỉ đồng bằng vay ngân hàng và thoái vốn, dấu hỏi về chất lượng lợi nhuận - Ảnh 3.

Nguồn: BCTC Công ty mẹ Vinaconex

Sự tăng trưởng về dòng tiền thu đi vay giúp dòng tiền từ hoạt động tài chính của Vinaconex (công ty mẹ) dương 588 tỉ đồng trong năm 2019.

Nói thêm, trong năm 2019, Vinaconex (công ty mẹ) vay ngắn hạn thêm hơn 300 tỉ đồng từ BIDV – Sở Giao dịch 1, BIDV – CN Hà Tây (hơn 200 tỉ đồng), BIDV – CN Cầu Giấy (70 tỉ đồng), MB – CN Thăng Long (94 tỉ đồng). Kết quả là, vay ngắn hạn cuối năm 2019 là 908 tỉ đồng trong khi 31/12/2018 là 320 tỉ đồng.

Khoản vay dài hạn của công ty cũng tăng lên 488 tỉ đồng tại thời điểm 31/12/2019, trong khi năm 2018 là 55 tỉ đồng. Vinaconex đã vay thêm 450 tỉ đồng từ Ngân hàng Indovina – CN Thiên Long.

Cập nhật đến cuối quí I/2020, vấn đề dòng tiền kinh doanh âm của công ty mẹ Vinaconex và báo cáo hợp nhất chưa được cải thiện. Trong quí đầu năm, dòng tiền trả nợ gốc vay của công ty là 781 tỉ đồng, cao hơn tiền thu từ đi vay (547 tỉ đồng), dẫn đến dòng tiền hoạt động tài chính âm 113 tỉ đồng trong quí I.

Đáng chú ý, khác với việc gia tăng khoản vay trong năm 2019, câu chuyện dòng tiền âm của Vinaconex trong quí đầu được giải quyết nhờ khoản thu hồi đầu tư vốn vào đơn vị khác 328 tỉ đồng.

Được biết, trong quí đầu năm, Vinaconex đã thoái vốn khỏi "gà đẻ trứng vàng" là CTCP Đầu tư xây dựng và phát triển năng lượng Vinaconex (Vinaconex Power - Mã: VCP). Vinaconex đã hoàn tất bán ra toàn bộ gần 16 triệu cổ phiếu VCP (tương đương 28,02% vốn điều lệ) trong ngày 19/2 và không còn là cổ đông của Vinaconex Power.

Với những gì đã chỉ ra cho thấy hoạt động kinh doanh của Vinaconex không mấy khởi sắc sau khi được cởi "chiếc áo" doanh nghiệp nhà nước, thậm chí cổ đông của công ty đang có phần lo lắng hơn với tình trạng dòng tiền hiện tại. Chủ đề này nhiều khả năng sẽ làm "nóng" đại hội đồng cổ đông sắp tới của Vinaconex.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Thu Thủy

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.