Chủ tịch Vinaconex nói về Splendora: Một đống tiền nằm đấy, mà nợ vay càng nhiều, muốn kết thúc trong năm 2020
Kế hoạch kinh doanh đi ngang, Vinaconex trong "cơn khát" dòng tiền?
Sáng nay (29/6), Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - mã: VCG) tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2020.
Tại đại hội, HĐQT Vinaconex trình ĐHĐCĐ kế hoạch doanh thu hợp nhất đi lùi, ước đạt 9.530 tỉ đồng, tương ứng tỉ lệ giảm 0,4% so với năm ngoái. Lãi ròng dự kiến tăng 4% lên 820 tỉ đồng, hầu hết đến từ công ty mẹ.
Trong đó, doanh thu và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ lần lượt là 3.870 tỉ đồng và 803 tỉ đồng, có cùng tỉ lệ tăng trưởng 10% so với cùng kì. Bên cạnh đó, tỉ lệ chi trả cổ tức năm 2020 là 12% và cho năm 2019 là 6%.
Nhìn lại năm 2019, Vinaconex báo cáo tăng trưởng lợi nhuận trong khi doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm nhẹ. Điều đáng nói là việc tăng trưởng này không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp.
Tại BCTC hợp nhất, lợi nhuận khác của công ty tăng 45 tỉ đồng so với năm 2018 do công ty hoàn nhập dự phòng bảo hành các tòa chung cư, lãi do thanh lí tài sản cố định và xây dựng cơ bản dở dang. Tương tự tại BCTC công ty mẹ, sự tăng trưởng của lợi nhuận cũng đến từ sự tăng trưởng đột biến từ các khoản thu nhập khác.
Đáng chú ý, công ty mẹ Vinaconex ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm 1.123 tỉ đồng trong năm 2019, nguyên nhân đến từ sự đột biến về khoản phải thu, hàng tồn kho và khoản phải trả. Giải "cơn khát" dòng tiền, công ty thu tiền từ đi vay là 2.980 tỉ đồng trong năm 2019, gần gấp 3 lần năm 2018.
Đến đầu năm 2020, Vinaconex đã phải thoái vốn khỏi "gà đẻ trứng vàng" là CTCP Đầu tư xây dựng và phát triển năng lượng Vinaconex (Vinaconex Power - Mã: VCP), thu hồi vốn đầu tư.
Cập nhật đến cuối quí I/2020, vấn đề dòng tiền kinh doanh âm của công ty mẹ Vinaconex và báo cáo hợp nhất chưa được cải thiện.
Muốn dứt điểm dự án Splendora
Đáng chú ý, tại ĐHĐCĐ thường niên năm nay, Ban lãnh đạo công ty dự kiến trình cổ đông phương án mua lại 50% cổ phần của đối tác liên doanh hoặc bán toàn bộ số cổ phần hiện có trong dự án để có thể sớm thoát khỏi tình thế cân bằng như thời điểm hiện tại.
Hai phương án được đưa ra gồm:
Phương án 1: Vinaconex đàm phán đề chuyển nhượng toàn bộ phần vốn của công ty tại An Khánh JVC cho thành viên góp vốn còn lại hoặc các nhà đầu tư khác có nhu cầu để thu hồi vốn, đầu tư vào các dự án tiềm năng khác.
Phương án 2: Vinaconex đàm phán mua lại toàn bộ phần vốn của thành viên góp vốn còn lại tại An Khánh JVC để có thể chủ động điều hành và triển khai dự án.
Nếu thoái vốn khỏi dự án Splendora, Vinaconex tránh việc bỏ thêm vốn lớn vào hoạt động kinh doanh bất động sản khi ngành này đang trong giai đoạn chững lại. Bên cạnh đó, Vinaconex sẽ có thêm nguồn lực để tập trung đầu tư vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi như xây lắp, vốn là lợi thế của công ty.