|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Trước sau gì cũng chuyển đổi số, tại sao chúng ta không làm sớm?

08:00 | 17/12/2020
Chia sẻ
Đó là thông điệp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại DX Day – Ngày chuyển đổi số Việt Nam 2020 diễn ra vào 14 - 15/12/2020 tại Hà Nội. Các nền tảng về hội tụ dữ liệu giúp doanh nghiệp chuyển đổi số sớm, dễ dàng hơn và nhận về nhiều giá trị hơn.

Theo Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2020, tính đến hết 2019 cả nước có 758.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm 62,6%, doanh nghiệp nhỏ là 31,2%. Đây được nhận định sẽ là lực lượng lớn cần quan tâm để thúc đẩy chuyển đổi số trong lộ trình sắp tới.

Tại phiên thảo luận của DX Day, ông Lê Hồng Quang, Phó Tổng Giám đốc thường trực MISA, đã có những chia sẻ hết sức thực tế về xu hướng và kinh nghiệm chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước.

"Nếu doanh nghiệp không chuyển đổi số thì đối thủ sẽ làm. Trước sau gì cũng chuyển đổi số, tại sao chúng ta không làm sớm để tạo ra nhiều giá trị hơn", ông Quang nêu vấn đề.

Trước sau gì cũng chuyển đổi số, tại sao chúng ta không làm sớm? - Ảnh 1.

Nghiên cứu của MISA cho thấy, khó khăn về mặt giải pháp chuyển đổi số mà các doanh nghiệp đang gặp phải chủ yếu là: không đủ chi phí để đầu tư các hệ thống ERP của nước ngoài, các giải pháp trên thị trường không theo suốt được cả quá trình phát triển của doanh nghiệp. Trong khi đó, các giải pháp đang ứng dụng riêng lẻ từng bộ phận thì thiếu sự kết nối trong nội bộ với nhau và với các hệ thống bên ngoài doanh nghiệp để quản trị toàn diện.

Dựa trên thực tế triển khai giải pháp cho doanh nghiệp số hóa từng quy trình, từng bộ phận trong 26 năm qua, MISA đã đưa ra bản đồ chuyển đổi số của doanh nghiệp ở mỗi quy mô, lĩnh vực. Đại diện MISA cũng cho biết, khi lựa chọn giải pháp chuyển đổi số phải căn cứ theo nhu cầu thực tế, doanh nghiệp cần đến đâu thì dùng phần mềm tới đó.

Doanh nghiệp nhỏ chỉ cần dùng quản lý bán hàng, kế toán, hóa đơn điện tử, chữ ký số thì không cần đến trọn gói ERP cồng kềnh, lãng phí. Như vậy mới tiết kiệm được chi phí và khai thác hết tính năng của phần mềm.

Còn đối với doanh nghiệp lớn sẽ cần nhiều nghiệp vụ phức tạp hơn về nhân sự, quản trị,… để thống nhất được tất cả bộ phận trong và ngoài doanh nghiệp, lãnh đạo nắm bắt được tình hình doanh nghiệp đầy đủ, chính xác và kịp thời.

Trước sau gì cũng chuyển đổi số, tại sao chúng ta không làm sớm? - Ảnh 2.

Đó cũng là lý do MISA phát triển nền tảng quản trị doanh nghiệp MISA AMIS hợp nhất 4 mảng chính: tài chính, kinh doanh, nhân sự, điều hành trên một hệ thống. Mỗi mảng này được chia thành hàng chục phần mềm nhỏ tương ứng với từng nghiệp vụ. Như vậy, doanh nghiệp ở bất kỳ quy mô nào cũng có thể tiếp cận các giải pháp số dù ngân sách hạn chế.

Doanh nghiệp được xem như một cơ thể sống, do vậy, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các bộ phận bên trọng và các đối tác bên ngoài như khách hàng, đối tác, ngân hàng, sàn thương mại điện tử/tuyển dụng,…

Được phát triển theo mô hình hội tụ dữ liệu, MISA AMIS hiện đã đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp về mặt kết nối trên, giúp tăng tính liên thông và kế thừa dữ liệu. Lãnh đạo doanh nghiệp có được bức tranh tổng thể, toàn diện nhất về tổ chức.

Ông Quang đưa ví dụ, phần mềm bán hàng đã ghi nhận doanh thu, nếu dùng phần mềm kế toán riêng biệt sẽ phải lặp lại thao tác nhập liệu, còn dùng nền tảng thì hệ thống kế toán đã tự động lấy số liệu từ phần mềm bán hàng về. Nhân lực sẽ được sử dụng cho những công việc tạo ra giá trị cao hơn là những việc giá trị thấp như nhập liệu. Đó là cái nhanh hơn, chính xác hơn của nền tảng.

Trước sau gì cũng chuyển đổi số, tại sao chúng ta không làm sớm? - Ảnh 3.

Mô hình hội tụ dữ liệu cả bên trong và ngoài doanh nghiệp của MISA AMIS.

Theo MISA, nền tảng này được phát triển để trở thành một trung tâm hội tụ dữ liệu trong và ngoài tổ chức, đồng thời cũng là trung tâm kết nối để mở rộng hệ sinh thái cho doanh nghiệp. Thông qua cổng tích hợp, nền tảng sẵn sàng kết nối với bên thứ ba, các startup nhằm giúp doanh nghiệp nhận được nhiều lợi ích hơn và có thể đặc thù hóa tối đa theo yêu cầu của mỗi khách hàng.

Nhờ hiệu quả thực tế triển khai ứng dụng tại hơn 12.000 doanh nghiệp, mới đây, MISA cũng trở thành đơn vị được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lựa chọn hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Tìm hiểu thêm về kinh nghiệm và giải pháp chuyển đổi số tại đây.

Bích Thu