|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trước 'giờ G', 3 đặc khu thí điểm đang dần thành hình thế nào?

00:00 | 21/05/2018
Chia sẻ
Theo kế hoạch, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV được khai mạc vào sáng nay (21/5), Quốc hội sẽ thảo luận và thông qua Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Vậy đến nay, các đặc khu được thí điểm đang dần thành hình như thế nào?
truoc gio g 3 dac khu thi diem dang dan thanh hinh the nao
(Ảnh minh họa)

“Quy mô 3 đặc khu như vậy là phù hợp”

(TS. Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng)

truoc gio g 3 dac khu thi diem dang dan thanh hinh the nao

Tôi cho rằng việc chọn 3 địa điểm: Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc để thí điểm đặc khu là phù hợp. Tôi có nghiên cứu các đề án và thấy rằng, mỗi địa điểm đều có một yếu tố để hướng tới sự phát triển mang tới tính đặc thù.

Ví dụ, Phú Quốc mang tính đặc trưng cho phát triển du lịch và là một điểm nhấn có thể cạnh tranh với các trung tâm du lịch trong khu vực, phát huy được thế mạnh của vùng biển phương Nam quanh năm thuận lợi về nắng gió.

Hay khi chọn Vân Phong trước đây cũng đã bàn rất nhiều. Ở đây hướng tới sự phát triển lâu dài, hình thành một cảng nước sâu và các dịch vụ khác. Với quy mô lớn như vậy, nó sẽ hình thành một đô thị phát triển trong tương lai, tạo thành điểm nhấn để phát triển khu vực miền Trung.

Hay Vân Đồn có một đặc điểm như bán đảo. Hiện có một số công trình đầu tư, tôi cho rằng nếu phát triển kinh tế đặc khu thì những dự án đang phát triển hiện nay sẽ thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư vào, do đó sẽ tạo thành điểm nhấn ở một cực phía Bắc. Vì vậy, tôi cho rằng việc lựa chọn trước mắt ở 3 địa điểm như vậy, với quy mô phát triển như vậy là phù hợp.

“Quảng Ninh mong chờ để triển khai ngay đặc khu”

(Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh)

Năm 2012, tỉnh Quảng Ninh được đồng ý thí điểm xây dựng đặc khu. 2013 tỉnh bắt đầu mời gọi nhà đầu tư vì xác định nhà đầu tư lớn là yếu tố quyết định thành công.

Ngay sau đó, tỉnh đã đón nhà đầu tư Hồng Kông bay chuyên cơ đến Hạ Long, đi trực thăng khảo sát.

Thời điểm đó, nhà đầu tư đặt ra 4 câu hỏi: chủ trương, định hướng tầm quốc gia, của Việt Nam sẽ xây dựng bao nhiêu đặc khu, ở vị trí nào? Đã phát triển đặc khu, thì thể chế vượt trội như thế nào, cần được điều chỉnh bằng luật, Việt Nam bao giờ có luật? Theo nhà đầu tư này, họ đang tiếp cận nhiều cấp ngành, mỗi nơi có những thông tin khác nhau. Tỉnh có thẩm quyền xử lý liên quan đến nhà đầu tư như thế nào, cơ quan đầu mối ở đâu?

Sau chuyến khảo sát, nhà đầu tư đánh giá cao Vân Đồn nhưng cho rằng hạ tầng còn hạn chế, nhất là giao thông kết nối như sân bay, cao tốc, bao giờ có, phải đảm bảo cam kết…

4 câu hỏi này, vào thời điểm đầu 2013, chúng tôi chưa có cơ sở để trả lời nhà đầu tư, do vậy họ chưa đưa ra quyết định cuối cùng.

Quảng Ninh trăn trở, cái gì vượt thẩm quyền thì báo cáo Chính phủ, những cái thuộc thẩm quyền thì cố gắng giải quyết. Chúng tôi không chờ đợi. Giờ đã có các yếu tố đảm bảo, tin tưởng vào sự phát triển của các đặc khu, như Vân Đồn.

Tỉnh rất mong chờ kỳ họp thứ 5 của Quốc hội thông qua Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Trong luật xác định xây dựng hành chính tinh gọn, hiệu quả, trao quyền cho người đứng đầu.

Quảng Ninh trong những năm qua đã chuẩn bị về quy hoạch, hạ tầng giao thông kết nối, cảng hàng không quốc tế cuối năm nay sẽ xong. Đã hội tụ những yếu tố cần và đủ để trả lời nhà đầu tư. Người dân Quảng Ninh cũng rất mong chờ để triển khai đặc khu ngay.

Tỉnh đã trưng cầu ý kiến của dân và được 96% người dân nhất trí. Lãnh đạo thì 100% rất mong chờ.

“Phải thu hút các nhà đầu tư chiến lược thì đặc khu mới phát triển được”

(Ông Bùi Văn Phương, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội).

truoc gio g 3 dac khu thi diem dang dan thanh hinh the nao

Tôi đã tiếp cận các chính sách ưu đãi của Chính phủ về thuế, thời gian sử dụng đất và các chính sách khác. Tôi cho rằng với chính sách như vậy sẽ thu hút tốt các nhà đầu tư.

Hiện nay mình cần thu hút các nhà đầu tư lớn, các nhà đầu tư chiến lược thì mới hy vọng các đặc khu mới phát triển được. Bởi những nhà đầu tư có vốn lớn thì người ta có tư duy, kinh nghiệm, tiềm lực về tài chính. Còn với những chính sách ấy mà các nhà đầu tư chiến lược không mặn mà thì không thành công.

Hiện nay mình đã tính toán trong dự thảo luật có những ưu đãi chỉ có nhà đầu tư chiến lược mới được, tôi cho rằng tinh thần như vậy là được.

Ví dụ, như chính sách về thời gian thuê đất, hiện nay đang dự kiến thời gian dài hơn so với luật định để cho nhà đầu tư chiến lược người ta vào làm xác định có thời gian lâu dài. Vì người ta đổ vốn vào rất lớn. Tôi nhớ không nhầm, số vốn để trở thành một nhà đầu tư chiến lược khi đầu tư ở các đặc khu có mức từ 7.000 tỷ đồng trở lên.

Thứ hai là chính sách ưu đãi về giá thuê thì cũng có ưu đãi, tôi cho rằng cũng hợp lý. Hay những vấn đề về thuế, như thuế thu nhập doanh nghiệp, rồi thuế thu nhập cá nhân... đều chỉ dành cho nhà đầu tư chiến lược...

Khi những chính sách này được ban hành, nếu nhà đầu tư chiến lược cảm thấy thu hút người ta sẽ vào, khi đó luật sẽ đi vào cuộc sống, sẽ tác động tới sự phát triển kinh tế đặc khu và từ đó lan tỏa ra 3 vùng miền đất nước.

“Thể chế là quan trọng nhất để đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư”

(Ông Trần Đạo Đức, Phó tổng giám đốc Tập đoàn CEO Group)

truoc gio g 3 dac khu thi diem dang dan thanh hinh the nao

Chúng tôi đang đầu tư vào Phú Quốc, Vân Đồn. Ở Phú Quốc chúng tôi đang là 1 trong 3 nhà đầu tư lớn, xây dựng khu du lịch 5 sao. Trong quá trình xây dựng luật đặc khu, chúng tôi rất quan tâm, ngay từ những ngày đầu tiên đã nghiên cứu.

Đối với đặc khu thì các ưu đãi về thuế, tài chính là một trong những yếu tố thu hút nhà đầu tư đến. CEO cũng mong muốn là nhà đầu tư chiến lược của Phú Quốc Vân Đồn nhưng với doanh nghiệp thì thể chế là quan trọng nhất để đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư. Chính sách ưu đãi là điều kiện cần, thể chế, bộ máy sẽ tạo sự yên tâm cho đầu tư ở đặc khu.

Ở Phú Quốc chúng tôi thường xuyên phải di chuyển từ Ban Quản lý Khu kinh tế, UBND Phú Quốc và UBND tỉnh. Việc di chuyển rất mất thời gian, do đó thường xuyên phải cử người ở mấy nơi. Nếu hình thành đặc khu, chính quyền giao quyền cho chủ tịch thì chủ tịch đặc khu được trao quyền tối đa, giải quyết thật nhanh nhu cầu của nhà đầu tư.

Chúng ta đã có những mô hình áp dụng, ví dụ khu công nghiệp đã ủy quyền cho Ban Quản lý Khu công nghiệp. Ở Phú Quốc chúng tôi đang hoàn thành khu nghỉ dưỡng, do đó mong muốn được ủy quyền có các khu chức năng, làm thủ tục hành chính dịch vụ công để chủ động hơn trong công việc, nhanh, tiết kiệm thời gian.

“Nếu áp dụng mô hình cũ sẽ gặp rủi ro”

(Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam)

truoc gio g 3 dac khu thi diem dang dan thanh hinh the nao

3 điểm thành công của đặc khu trên thế giới là địa điểm tốt, kết nối hạ tầng tốt và là nơi có môi trường chính sách tốt. Các khu kinh tế mới thực hiện từ năm 90 của thế kỷ trước, đặc khu kinh tế nổi tiếng nhất Thẩm Quyến, Thượng Hải (Trung Quốc) sau đó mô hình đặc khu này được làm phổ biến trên thế giới.

Tuy nhiên, những khu đặc khu kinh tế cũ thành công như ở Trung Quốc, Singapore... chưa chắc đã là kinh nghiệm tốt đối với Việt Nam. Nếu áp dụng mô hình cũ, chúng ta sẽ gặp các rủi ro.

Hạn chế đầu tư ở các đặc khu hiện nay là việc phân mảnh môi trường pháp quy, tạo ra sân chơi không bằng phẳng, chỉ có ở địa phương. Thứ nữa là hiệu ứng nghịch, một số ưu đãi về thuế có thể bị lạm dụng, điều này không có lợi.

Quan trọng nhất, chúng tôi lo ngại là Việt Nam xây dựng và làm nhiều đặc khu khác nhau, điều này có thể phát sinh những "cuộc đua xuống đáy" của chính sách, ưu đãi. Thay vì đưa ra những chính sách bằng nhau thì các đặc khu cắt giảm khuôn khổ, xé rào chính sách. Điều này dẫn tới các ảnh hưởng không mong muốn, như tác động môi trường, thay đổi chuẩn mực môi trường.

Chúng ta không muốn nhìn thấy đặc khu như một hòn đảo tách rời khỏi đất nước. Chúng ta cần chú ý, để đảm bảo đầu tư vào đặc khu có đóng góp cho phát triển tổng thể ở Việt Nam bền vững hơn.

Kinh nghiệm quốc tế thành công thì đòi hỏi có chiến lược công nghiệp tổng thể, các yếu tố như môi trường, cơ sở hạ tầng chính sách cần đồng bộ, hiệu quả để đầu tư lan toả.

Đặc khu 1960 xây dựng là lúc kinh tế thế giới đóng, vì thế mà các ưu đãi thuế phát huy hiệu quả. Nhưng hiện nay Việt Nam là mở nhất thế giới, chúng ta phải tìm kiếm nguồn đầu tư và tài nguyên phát triển trong tương lai trong mối quan hệ mới, cần những chính sách mới thay vì chỉ cởi bỏ thuế quan.

Việt Nam đã có những cơ hội là nhân lực thấp, chế biến chế tạo. Trong tương lai, chúng ta nên tập trung vào tạo ra công việc làm cho tương lai, năng suất cao, sáng kiến về chi phí và lợi ích. Hơn nữa, cần tập trung vào trách nhiệm giải trình, không nên tập trung vào ưu đãi thuế, phải định hướng vào các ngành chiến lược và tránh phân mảnh chính sách.