Trung Quốc thêm 230 mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng
Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt thêm 163 mã số vùng trồng và 67 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc, theo báo Nông nghiệp Việt Nam.
Toàn bộ mã số mới vừa được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt vào ngày 23/2, trong đó 3 tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng và Tiền Giang được cấp nhiều mã vùng trồng nhất.
Lũy kế đến nay, Việt Nam đã có 246 mã số vùng trồng sầu riêng và 97 mã số cơ sở đóng gói đáp ứng đầy đủ yêu cầu của phía Trung Quốc.
Trước đó, ngày 7/9/2022, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) lần đầu tiên phê duyệt 51 mã số vùng trồng và 25 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường nước này.
Sau khi sầu riêng được cấp “visa” xuất khẩu sang Trung Quốc, xuất khẩu rau quả của nước ta đã có nhiều khởi sắc và dự kiến sẽ bùng nổ trong năm 2023.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết 2023 được dự báo là năm lạc quan với xuất khẩu ngành hàng rau quả của Việt Nam, trong đó có sự lên ngôi của trái sầu riêng.
"Nếu năm nay, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt 1 tỷ USD thì chắc chắn góp phần mang lại tổng kim ngạch xuất khẩu cho ngành hàng rau quả Việt Nam vào khoảng 4 tỷ USD. Đây là những dự đoán tương đối có khả năng chúng ta sẽ đạt được", ông Nguyên cho hay.
Sầu riêng được dự báo sẽ mang về kim ngạch tỷ USD cho Việt Nam nhưng không có nghĩa chúng ta ồ ạt mở rộng diện tích, phát triển nóng.
Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết các địa phương thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ và Tây Nguyên vẫn có hiện tượng phát triển nóng cây sầu riêng, đặc biệt là mở rộng diện tích ở các vùng có điều kiện đất đai, sinh thái không phù hợp; phá cây cà phê, cây hồ tiêu trong vườn trồng xen sầu riêng; chuyển đổi đất lúa để trồng cây sâu riêng…
“Việc tăng diện tích một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát, theo phong trào, không theo định hướng, khuyến cáo của các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn sẽ dẫn đến hậu quả khó lường như cung vượt quá cầu; dư thừa, dội chợ…
Và nghiêm trọng hơn là tại các vùng không phù hợp như vùng nhiễm mặn, nhiễm phèn, vùng không chủ động được tưới, tiêu sẽ gây thiệt hại nghiệm trọng về năng suất và chất lượng sầu riêng của Việt Nam”, Cục Trồng trọt cảnh báo.
Cục Trồng trọt cho rằng việc phát triển cây trồng nói chung và sầu riêng nói riêng cần theo định hướng thị trường, theo định hướng của các cơ quan quản lý. Thay vì tăng diện tích, sản lượng nông dân cần tập chung tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối nhằm nâng cao giá trị gia tăng.