Trung Quốc siết chặt quản lý khu vực kinh tế tư nhân
Định vị lại vai trò kinh tế tư nhân | |
Kinh tế tư nhân: Làm sao để không 'nhỏ hóa'? |
Ông Ngô Kính Liễn, 88 tuổi, một trong những nhà kinh tế ủng hộ các chính sách thị trường nổi tiếng ở Trung Quốc. Ảnh: NY Times |
Khu vực kinh tế tư nhân gặp khó
Sự cởi mở của Bắc Kinh dành các doanh nghiệp tư nhân trải qua nhiều thăng trầm trong nhiều năm và một số chuyên gia ở Trung Quốc nói rằng căng thẳng kéo dài giữa một chính phủ muốn nắm quyền kiểm soát kinh tế và các lực lượng kinh tế thị trường đã lên đến mức đỉnh điểm.
Chủ tịch Tập Cận Bình, người thiết lập vai trò kiểm soát lớn hơn của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với quân đội, truyền thông và xã hội dân sự, giờ đây đang hướng sự chú ý đến khu vực kinh tế tư nhân. Chính phủ Trung Quốc đang cân nhắc nắm giữ cổ phần trực tiếp trong một số công ty internet tư nhân lớn nhất nước. Các cơ quan quản lý Trung Quốc đang yêu cầu các doanh nghiệp tư nhân bao gồm cả các doanh nghiệp nước ngoài thực hiện quy định về việc thành lập chi bộ đảng tại doanh nghiệp của họ để gia tăng vai trò quản lý của nhà nước.
Trung Quốc cũng đang triển khai nhiều biện pháp để quản lý các công ty công nghệ chặt chẽ hơn. Việc cấp phép phát hành các video game mới đã bị đóng băng kể từ tháng 3 và quyền cấp phép được giao cho Ban Tuyên truyền Trung ương Trung Quốc. Vốn hóa của Tencent, hãng game lớn nhất Trung Quốc và là một trong những công ty công nghệ lớn nhất thế giới, đã bay mất 30% giá trị do cổ phiếu liên tục giảm điểm một phần nguyên do các game video mới của hãng này không được cấp phép.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng siết chặt các quy định quản lý thương mại điện tử. Một luật mới ban hành đòi hỏi những người mở các gian hàng trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử phải đăng ký với cơ quan quản lý và nộp thuế. Luật này có thể giáng một đòn nặng nề cho Alibaba, sở hữu nền tảng trực tuyến Taobao, nơi các doanh nghiệp lớn nhỏ đang mở hàng chục ngàn gian hàng trực tuyến.
Hồi tháng 1-2018, Chu Tân Thành, giáo sư giảng dạy chủ nghĩa Mác-xít ở Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, nói rằng nên xóa bỏ quyền sở hữu tư nhân. Tháng trước, Wu Xiaoping, một blogger ở Trung Quốc, gây chú ý khi đăng bài viết cho rằng nên xóa bỏ khu vực kinh tế tư nhân vì nó đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong việc thúc đẩy tăng trưởng của Trung Quốc. Cũng trong tháng trước, Thứ trưởng Bộ Nguồn nhân lực và an sinh xã hội Trung Quốc Khâu Tiểu Bình, kêu gọi thiết lập “cơ chế quản lý dân chủ” ở các doanh nghiệp tư nhân, trong đó, các chủ doanh nghiệp và các nhân viên cùng điều hành.
Nhiều tiếng nói lo ngại
Trước tính khẩn cấp của tình hình trên, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại và sức ép ngày càng gia tăng từ đòn chiến tranh thương mại của Trung Quốc, nhiều quan chức và nhà kinh tế Trung Quốc bắt đầu lên tiếng về lập trường thay đổi của chính phủ đối với khu vực kinh tế tư nhân.
Phát biểu tại một diễn đàn ở Bắc Kinh vào tháng trước, ông Ngô Kính Liễn, 88 tuổi, nhà kinh tế ủng hộ các chính sách thị trường cao niên nhất của Trung Quốc, nói rằng Trung Quốc có được sự thịnh vượng ngày nay một phần là nhờ đón nhận các lực lượng kinh tế thị trường. Sau đó, ông nói với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc rằng, hiện nay có những tiếng nói lên án các doanh nghiệp tư nhân và hiện tượng này cần đáng lưu ý.
Ông Ngô là người hiếm hoi chính thức bày tỏ mối lo ngại ngày càng gia tăng giữa các doanh nghiệp tư nhân, các nhà kinh tế và thậm chí một số quan chức chính phủ về việc Trung Quốc có thể đang thoái lùi khỏi các chính sách ủng hộ kinh doanh và thị trường tự do vốn giúp nước này trỗi dậy trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Cũng tại diễn đàn này, Mã Kiến Đường, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu phát triển thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc, nói nhiều doanh nghiệp tư nhân đang lo ngại và “bất mãn” trước sự siết chặt quản lý của nhà nước.
Trong một bài viết đăng trên mạng Internet, Hồ Đức Bình, cựu Phó Chủ tịch Phòng Công nghiệp và thương mại Trung Quốc, cho rằng : “Nếu một xu hướng (tiêu cực) hình thành và không ai dám chỉ trích nó, các hậu quả sẽ rất khủng khiếp”. Ông cũng cho biết: “Khu vực kinh tế tư nhân đang trải qua những khó khăn lớn. Chúng ta phải nỗ lực hết sức để đừng lặp lại câu chuyện quốc hữu hóa khu vực kinh tế tư nhân vào thập niên 1950”.
Sức mạnh khu vực kinh tế nhà nước ngày càng tăng
Trong 40 năm qua, Trung Quốc đã phát triển nền kinh tế kết hợp hài hòa giữa khu vực nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân nhưng giờ đây cán cân đang nghiêng về phía nhà nước. Các công ty nhà nước ngày càng chiếm nhiều hơn trong mức tăng trưởng sản lượng công nghiệp và lợi nhuận từng được dẫn dắt bởi khu vực kinh tế tư nhân.
Hôm 28-9, phát biểu trong chuyến thăm đến một cơ sở của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC), Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định, Bắc Kinh vẫn ủng hộ các công ty tư nhân. Song ông cũng mạnh mẽ bảo vệ các tập đoàn lớn của nhà nước. Ông nói: “Những phát biểu nói rằng ‘các công ty nhà nước không nên tồn tại hoặc chúng ta chỉ nên xây dựng các công ty nhà nước có quy mô nhỏ hơn’ là sai lầm và thành kiến”.
Nỗ lực của Bắc Kinh nhằm giảm nợ trong nền kinh tế cũng khiến cho các doanh nghiệp tư nhân vay tiền khó hơn và với chi phí cao hơn. Một số doanh nghiệp tư nhân kinh doanh khó khăn phải bán cổ phần cho nhà nước. Riêng trong năm nay, có 46 doanh nghiệp tư nhân đồng ý bán cổ phần cho các doanh nghiệp nhà nước. Chẳng hạn, các cổ đông nắm cổ phần kiểm soát ở Công ty dầu khí Changchun Sinoenergy đã đồng ý bán cổ phần cho một công ty của chính quyền tỉnh Hồ Nam để được chính quyền bơm nguồn vốn 150 triệu đô la Mỹ. Con số trên tương đối nhỏ so với nền kinh tế khổng lồ Trung Quốc nhưng đã đánh dấu sự đảo ngược xu hướng các doanh nghiệp nhà nước bán cổ phần cho khu vực tư nhân trong hai thập kỷ qua.
Giới lãnh đạo Trung Quốc bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến các doanh nghiệp tư nhân vào cuối thập niên 1970 sau khi nền kinh tế do nhà nước dẫn dắt nằm bên bờ vực sụp đổ. Sau đó, Bắc Kinh xây dựng thí điểm các đặc khu kinh tế nơi các doanh nghiệp tư nhân có thể mở nhà máy và vận hành dưới sự quản lý nới lỏng của chính phủ đồng thời thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Cuộc thí điểm đã mang lại thành công ngoài mong đợi và các đặc khu kinh tế được triển khai ở nhiều nơi tại Trung Quốc, tạo ra một cỗ máy tăng trưởng, đưa nền kinh tế Trung Quốc vươn lên đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.
Ngày nay, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp gần 2/3 mức tăng trưởng GDP của Trung Quốc và tạo ra 90% việc làm mới, theo Liên đoàn Công nghiệp và thương mại Trung Quốc. Do vậy, các sức ép mà các doanh nghiệp tư nhân đối mặt có thể tạo ra những tác động nghiêm trọng.