Trung Quốc sẽ khấy động thị trường dầu thô kỳ hạn thế nào?
Cuộc chiến giữa OPEC và Mỹ tiếp tục gây áp lực thị trường dầu thô năm 2018 | |
[Infographic] Giá dầu thô năm 2018 sẽ ra sao? |
Trung Quốc, nước mua dầu lớn nhất thế giới, sắp khai trương sàn giao dịch hợp đồng dầu thô kỳ hạn đầu tiên, với tên gọi là Sàn giao dịch Năng lượng Quốc tế Thượng Hải. Kế hoạch này đã được “vẽ” ra từ lâu nhưng đến nay mới được Trung Quốc công bố chính thức.
Theo đó, Sàn giao dịch Năng lượng Quốc tế Thượng Hải (viết tắt là INE) trực thuộc Sàn giao dịch Hàng hóa kỳ hạn Thượng Hải (SHFE) cho phép giới giao dịch Trung Quốc thỏa thuận giá mua – bán dầu thô và thanh toán bằng nhân dân tệ.
Ngoài ra, giới thương lái nước ngoài cũng sẽ được phép giao dịch trên INE bởi INE được đăng ký thành lập trong khu vực thương mại tự do của Thượng Hải. Như vậy, đây sẽ là thị trường hàng hóa đầu tiên của Trung Quốc cho phép người nước ngoài tham gia giao dịch.
Trung Quốc sắp khai trương sàn giao dịch hợp đồng dầu thô kỳ hạn đầu tiên, với tên gọi là Sàn giao dịch Năng lượng Quốc tế Thượng Hải. (Ảnh: Getty Images) |
Sự ra đời của INE cũng được cho là hành động thách thức của Trung Quốc đối với vai trò của đồng USD, đồng tiền đang được dùng để định giá trên thị trường dầu mỏ toàn cầu.
1. Khi nào Trung Quốc bắt đầu giao dịch hợp đồng dầu thô kỳ hạn?
Cổng thông tin điện tử Jiemian trích lời của người giấu tên làm việc tại một công ty giao dịch hàng hóa kỳ hạn, sàn INE dự kiến bắt đầu giao dịch từ ngày 18/1. INE đã chạy thử nghiệm nhiều lần và tất cả các yêu cầu về hoạt động niêm yết đều được đảm bảo.
Chính phủ Trung Quốc được cho là đã chấp thuận kế hoạch này trong tháng 12/2017. Động lực thúc đẩy Trung Quốc thành lập INE chính là việc nước này đã vượt Mỹ trở thành nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới trong năm ngoái.
2. Tại sao việc thành lập INE lại quan trọng đối với Trung Quốc?
Giao dịch dầu thô kỳ hạn sẽ giúp Trung Quốc giành được một phần quyền kiểm soát giá của các hợp đồng dầu chuẩn quốc tế vốn đang được định giá bằng USD. Hơn nữa, giao dịch các hợp đồng dầu bằng nhân dân tệ sẽ giúp tăng sự hiện diện của đồng tiền này trong hoạt động thương mại toàn cầu; và đây cũng là một trong những mục tiêu chính dài hạn của chính phủ Trung Quốc.
Trung Quốc cũng sẽ có lợi hơn nếu có một hợp đồng dầu chuẩn riêng phản ánh loại dầu thô mà phần lớn nhà máy lọc dầu trong nước đang sử dụng.
3. INE sẽ hoạt động như thế nào?
Hợp đồng dầu thô kỳ hạn ví dụ được chốt giá trong hôm nay nhưng sẽ được vận chuyển vào một ngày nào đó trong tương lai (theo quy định của từng hợp đồng). Người mua sẽ sử dụng hợp đồng kỳ hạn để tránh rủi ro giá tăng trong khi giới đầu cơ sử dụng hợp đồng kỳ hạn để đặt cược giá dầu sẽ đi về đâu.
Trong năm 2017, giao dịch hợp đồng dầu thô kỳ hạn trên sàn New York và London đã vượt mức giao dịch vật lý là 23 hợp đồng.
Dầu thô là một trong những mặt hàng được giao dịch nhiều nhất thế giới, với hai hợp đồng chuẩn là WTI (trên sàn Nymex) và Brent (trên sàn ICE London).
4. Tại sao Trung Quốc phải đợi đến bây giờ mới giao dịch hợp đồng dầu kỳ hạn?
Một phần nguyên nhân là, giá dầu thô thấp. Trung Quốc đề xuất giao dịch hợp đồng dầu thô kỳ hạn vào năm 2012 sau khi giá tăng vượt ngưỡng 100 USD/tùng; nhưng giá bắt đầu giảm và đến năm 2017 trung bình chỉ còn hơn 50 USD/thùng vì tình trạng dư cung quá lớn.
Cũng có những lo ngại liên quan đến mức độ biến động giá. Trung Quốc bắt đầu giao dịch hợp đồng dầu thô kỳ hạn phạm vi nội địa vào năm 1993 nhưng chỉ một năm sau đó đã phải ngừng lại vì biến động giá quá lớn.
Trong vài năm gần đây, Trung Quốc cũng liên tục phải trì hoãn kế hoạch giao dịch hợp đồng dầu thô kỳ hạn vì chứng khoán và và các thị trường tài chính khác rơi vào hỗn loạn. Chính phủ Trung Quốc thậm chí đã phải can thiệp một chiều hoặc nhiều chiều tới các thị trường khi đó để giữ ổn định.
5. Trung Quốc đang giao dịch những hàng hóa gì?
Năm 2015, Trung Quốc bắt đầu giao dịch nickel kỳ hạn và đây cũng là mặt hàng phổ biến được nước này đưa lên sàn gần đây nhất. Chỉ trong vòng 6 tuần, khối lượng giao dịch trên sàn SHFE ở Thượng Hải đã vượt sàn LME ở London.
Tại Trung Quốc, giới đầu cơ đóng một vai trò cực kỳ quan trọng khi có thể khiến khối lượng giao dịch bất ngờ tăng vọt, nhưng cũng chính vì thế mà các thị trường dễ biến động mạnh. Đầu năm 2016, người đứng đầu LME khi đó cho rằng, rất có thể một số nhà đầu tư Trung Quốc không biết họ đang giao dịch cái gì vì họ đổ tiền vào tất cả mọi thứ, từ thép thanh cho tới quặng sắt. Đà tăng của giá thép chỉ chậm lại khi chính phủ Trung Quốc can thiệp bằng việc thắt chặt một số quy định, tăng phí và giảm thời gian giao dịch.
Liệu nhân dân tệ có làm lung lay vai trò của USD trong việc định giá dầu thô thế giới hay không? (Ảnh minh họa) |
6. Liệu giới đầu tư nước ngoài có mua hợp đồng dầu kỳ hạn của Trung Quốc?
Chưa thể khẳng định câu trả lời cho câu hỏi này.
Bởi, tham gia giao dịch hợp đồng dầu kỳ hạn của Trung Quốc đồng nghĩa các hãng sản xuất dầu và giới đầu tư nước ngoài sẽ phải chấp nhận việc thường xuyên can thiệp trên thị trường cũng như các biện pháp kiểm soát dòng vốn của chính phủ Trung Quốc.
Trung Quốc bắt đầu thắt chặt quy định chuyển tiền ra/vào từ năm 2016 sau đợt nhân dân tệ giảm sốc trong năm 2015 đã kích thích dòng vốn ồ ạt tháo chạy khỏi nước này. Ngoài ra còn có một số quy định hạn chế khác và cũng chính vì vậy, nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong thị trường chứng khoán và trái phiếu khổng lồ của Trung Quốc.
7. Liệu nhân dân tệ có làm lung lay vai trò của USD trong việc định giá dầu thô thế giới hay không?
Theo một số chuyên gia phân tích, điều đó rất khó xảy ra vì việc dùng USD để mua dầu thô đã là cố hữu.
Ông Shady Shaher, trưởng phòng chiến lược vĩ mô tại ngân hàng Emirates NBD PJSC, cho rằng sẽ phải mất nhiều năm để thị trường dầu mỏ chuyển qua giao dịch bằng nhân dân tệ dù Trung Quốc là một thị trường lớn. Tuy nhiên, nhà phân tích David Fickling của Bloomberg Gadfly cho rằng Trung Quốc không có đủ tầm ảnh hưởng để tạo ra một cuộc “đảo chính” đối với đồng USD.
Đối với Trung Quốc, dùng nhân dân tệ để giao dịch dầu thô có thể trở thành một phần trong sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm phát triển quan hệ hợp tác xuyên lục Á – Âu, bao gồm cả Trung Đông. Việc Trung Quốc tham gia vào thương vụ IPO của tập đoàn dầu khí quốc gia Aramco cũng có thể nhằm xoay chuyển quan điểm của Saudi Arabia về việc chấp nhận giao dịch bằng nhân dân tệ.
Hiện tại, nhân dân tệ chỉ chiếm khoảng 2% tổng giao dịch thanh toán toàn cầu.