Trung Quốc phản ứng ra sao trước đồng tiền số Libra của Facebook?
Khơi mào cho một "cuộc chiến tiền tệ mới"
Libra được kì vọng sẽ đi vào hoạt động nửa đầu năm 2020, tuy nhiên, cho tới lúc đó, Facebook còn rất nhiều câu hỏi phải giải quyết. (Ảnh: Bitcoin Magazine)
Kế hoạch cho ra mắt một đồng tiền số của Facebook có thể sẽ thúc đẩy sự phát triển của một "cuộc đua tiền tệ" mới và có thể khiến Trung Quốc phải cân nhắc lại cách mình đang đối phó với thực tế mà thế giới số mang lại.
Trong quá khứ, Bắc Kinh từng cấm sử dụng các đồng tiền số như Bitcoin đồng thời coi chúng như một mối đe doạ với sự ổn định tài chính.
Tiền số Libra của Facebook được kì vọng sẽ chính thức đi vào hoạt động vào năm sau, khơi gợi những câu hỏi hóc búa cho Bắc Kinh bởi nó mang đến một ý nghĩa lớn cho tiền tệ, hệ thống thanh toán và tài chính trên toàn cầu hơn so với tiền tệ pháp định truyền thống.
Điều này là bởi giá trị của Libra được "neo" theo một rổ tiền tệ hoặc tương đương tiền tệ có độ ổn định cao. trong khi đó hệ thống thanh toán của nó lại được "chống lưng" bởi Visa và Mastercard, đồng nghĩa với việc nó có thể được dùng cho rất nhiều dịch vụ trực tuyến. Đó là chưa kể đến thực tế Facebook đang có hơn 2 tỉ người dùng.
Sự tiện dụng trong thanh toán Libra mang đem đến cản trở cho nỗ lực của Trung Quốc trong việc kiểm soát dòng chảy của nguồn vốn. Cùng lúc, tiềm năng trở thành một đồng tiền toàn cầu của nó lại là một yếu tố bất lợi trong việc sử dụng đồng Nhân dân tệ như một công cụ kinh tế và chính sách.
Wei-Tek Tsai, nhà khoa học tại Tiande Technologies, một công ty blockchain Trung Quốc, nhận định Libra sẽ là khơi mào cho một cuộc cạnh tranh tiền tệ mới và là cuộc cạnh tranh tiền tệ thực sự đầu tiên liên quan đến tiền số. Điều này là bởi trong vai trò một đồng stablecoin, Libra sẽ không "chống lại" tiền pháp định mà thay vào đó lại thúc đẩy chúng.
"Trong quá khứ, giảm giá tiền pháp định để kích thích xuất khẩu là một kĩ thuật truyền thống. Khi các quốc gia bắt đầu hạ giá đồng tiền nội tệ của mình, cuộc chiến tiền tệ toàn cầu và cuộc chiến tỉ giá sẽ nổ ra. Đây là kiểu cạnh tranh tiền tệ cũ", Tsai nói.
"Trong cuộc cạnh tranh mới, các quốc gia có thể sử dụng stablecoin để thâm nhập các thị trường khác và kiểm soát thông tin thương mại. Đặc điểm của cuộc cạnh tranh mới này là tiền tệ luân chuyển nhanh, 24/7 và không cần đến SWIFT (hệ thống thường được dùng trong chuyển tiền quốc tế)".
Những tranh cãi dần nóng lên
Những lợi ích tiền số mang lại là rõ ràng, tuy nhiên cần có một khung pháp lý rõ ràng để quản lý. (Ảnh: Verdict)
Facebook hiện tại vẫn chưa công bố rổ giá trị neo giữ giá trị của Libra sẽ bao gồm những gì tuy nhiên hãng này khẳng định nó sẽ "được đa dạng hoá bởi nhiều chính phủ, thay vì chỉ một," để giảm thiểu biến động quá lớn.
Jerome Powell, Chủ tịch Fed, nói vào hôm 19/6 rằng Facebook đã liên hệ trong quá trình phát triển Libra và ông có kì vọng cao cho sự "an toàn và ổn định" của nó.
"Libra sẽ neo theo giá trị đồng USD, trong một vai trò bổ sung cho đồng tiền pháp định này.
"Nhiều người có thể nghĩ rằng Libra cũng chỉ là một đồng stablecoin được ra mắt bởi một công ty Mỹ, không phải tiền pháp định và công ty nói trên thậm chí còn không hoạt động tại Trung Quốc, vậy vì sao Libra lại quan trọng?
Giờ thì ngay cả chính phủ và ngân hàng trung ương của Châu Âu và Mỹ đều đã lên tiếng, ngay cả khi họ không đồng tình với Libra, nó đã trở thành một cuộc tranh cãi trên phương diện quốc gia. Vì sao nó lại không quan trọng cơ chứ?", Tsai nói.
Về phần mình, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) chưa đưa ra bình luận về Libra. Tuy nhiên, những tranh cãi về đồng tiền này đang nóng lên.
Theo một báo cáo của Thepaper.cn, Pony Ma, người sáng lập Tencent, được cho là đã nói rằng công nghệ đằng sau Libra "không phức tạp" nhưng vấn đề cốt lõi là nó có được ủng hộ bởi các nhà điều hành hay không.
Wang Xing, người đồng sáng lập Meituan, trong khi đó cho rằng Libra có thiết kế "thiên tài" và ông thậm chí kì vọng nó sẽ dần thay thế các đồng tiền pháp định yếu, theo một báo cáo trên Odaily.
China International Capital Corp, một công ty môi giới lớn của Trung Quốc, cũng xuất bản một báo cáo vào tuần trước với nội dung xung quanh nhận định sự ra mắt của Libra "có thể thách thức hệ thống thanh toán toàn cầu hiện tại".
Một nhà tư vấn của PBOC, nói rằng Bắc Kinh từng cho rằng stablecoin không liên quan, hoặc ít nhất là không liên quan quá nhiều, tới tiền pháp định, tuy nhiên PBOC đang dần nhận ra sự thay đổi của thế giới.
Điều này một phần đến từ thực tế một số đồng tiền stablecoinra mắt gần đây, không có đồng tiền nào chọn Nhân dân tệ để neo giữ giá trị.
Triển vọng về một đồng tiền số được phát hành bởi ngân hàng trung ương
PBOC đang tích cực nghiên cứu về blockchian. (Ảnh: CoinDesk)
Đầu tháng này, CoinDesk nói rằng 14 ngân hàng đã rót vốn phát triển một đồng stablecoin để tăng tốc độ chuyển tiền liên quan đến năm đồng tiền pháp định là USD, CAD, GBP, JPY và EUR.
Cũng trong năm nay, JP Morgan cho biết đã phát triển một đồng tiền số được hỗ trợ bởi đồng USD để phục vụ mục đích thanh toán giữa các khách hàng định chế tài chính.
Một vấn đề khác đối với Trung Quốc không thể không nhắc tới là Facebook và nhiều nền tảng mạng xã hội lớn khác như Instagram hay WhatsApp đều đang không hoạt động tại quốc gia này.
Theo SCMP, PBOC đã nghiên cứu việc phát triển một đồng tiền số của Trung Quốc từ năm 2014 và thậm chí còn thành lập một viện nghiên cứu cho vấn đề này vào năm 2017.
Một số ngân hàng trung ương khác cũng đang có những động thái thay đổi tương tự.
Fed và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) không có kế hoạch ra mắt tiền số, trong khi đó Ngân hàng Anh từ bỏ kế hoạch này vào năm ngoái khi cho phép các công ty công nghệ tạo lập tài khoản với ngân hàng trung ương tương tự ngân hàng thương mại, theo Financial Times.
Garrick Hileman, một nhà nghiên cứu thuộc Đại học Kinh tế London, chia sẻ lý do chính khiến nhiều ngân hàng trung ương e dè với ý tưởng tiền số là những rủi ro về tài chính.
Theo lý thuyết, phát hành một đồng tiền số định hướng nhà nước cho phép các cá nhân mở tại khoản tại ngân hàng trung ương, một vấn đề thường chỉ được cho phép ở ngân hàng thương mại.
Điều này đồng nghĩa với việc trong thời kì khủng hoảng, người dùng có thể chuyển tiền từ ngân hàng địa phương sang ngân hàng nhà nước khiến ngân hàng địa phương gặp khó khăn và gia tăng sự bất ổn định tài chính.
"Tôi khá hoài nghi, ít nhất là trong ngắn hạn, rằng bất kì một quốc gia lớn nào sẽ ra mắt một đồng tiền số của ngân hàng trung ương cho công dân của mình. Tôi sẽ ngạc nhiên nếu thấy điều đó", Hileman nói thêm.