|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Trung Quốc ở đâu trên bản đồ công nghệ thế giới?

07:20 | 20/07/2019
Chia sẻ
Theo góc nhìn của một nhà nghiên cứu, Trung Quốc thực ra chỉ giỏi nhất khâu gần cuối cùng là thử nghiệm và đóng gói, còn trình độ phát triển tại các khâu nghiên cứu, thiết kế còn thấp, thậm chí còn không thể sánh với Đài Loan.
avatar_1563581638758

Ảnh: AP

Năm 2015, Bắc Kinh công bố dự án “Chế tạo tại Trung Quốc 2025” (Made in China 2025). Đây là bản kế hoạch 10 năm phát triển ngành công nghiệp chế tạo, một sáng kiến chiến lược đầy tham vọng nhằm biến Trung Quốc thành siêu cường chế tạo cạnh tranh được với Mỹ.

Theo nghiên cứu của tiến sỹ Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (VCES), cho đến nay, chương trình Made in China (MIC) đã triển khai được 4 năm với trọng tâm vào 6 ngành chủ yếu sau: bán dẫn, phương tiện đi lại thế hệ mới, mạng Internet, trí tuệ nhân tạo, máy bay thương mại và dược phẩm.

Cụ thể, MIC bắt đầu được lên khuôn thiết kế chính sách từ tháng 5/2015. Giai đoạn 2015 đến khoảng đầu 2017, các chính sách dành cho MIC được hình thành. 

Từ giữa năm 2016, Trung Quốc đã đưa ra 11 văn bản hướng dẫn cụ thể dành cho MIC; trong đó bao gồm 2 văn bản hướng dẫn hành động đặc biệt, 5 văn bản hướng dẫn triển khai dự án và 4 văn bản hướng dẫn phát triển.

Năm 2018, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc (MIIT) đã liệt kê một số điểm chính của MIC 2025. 

Trong đó, Trung Quốc đưa ra cơ chế hỗ trợ tài chính phục vụ cho 4 nhóm lĩnh vực: thành lập các khu chuyên môn hóa ở địa phương và khu trình diễn cấp quốc gia về MIC 2025 (NDZ); thành lập trung tâm đổi mới sản xuất; Internet công nghiệp, các ngành công nghiệp mới nổi, thành lập các cụm công nghiệp tầm cỡ thế giới; đổi mới trong công nghệ cơ bản.

Trong 4 năm qua, trong khuôn khổ lên chính sách và thực hiện MIC 2025, Trung Quốc đã triển khai được 3.600 dự án tại hơn 30 thành phố thí điểm; xây dựng được 65% khu trình diễn cấp quốc gia về MIC 2025 theo kế hoạch.

Kết quả, hơn 540 khu công nghiệp sản xuất thông minh đã xuất hiện ở Trung Quốc, tập trung vào các ngành nghề như sau: dữ liệu lớn (21%); vật liệu mới (17%) và điện toán đám mây (13%).

Vậy Trung Quốc đang tham vọng gì với MIC? Đối với các lĩnh vực quan trọng với cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4 như sản xuất thông minh, số hóa và các công nghệ mới nổi, Trung Quốc muốn nhảy vọt và bỏ lại các đối thủ nước ngoài; khoảng cách công nghệ trong các lĩnh vực này tiến nhanh hơn và Trung Quốc nhìn thấy cơ hội để đảm nhận vị trí dẫn đầu ngay từ đầu; Trung Quốc cũng đã đảm bảo vị trí vững chắc trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), năng lượng mới và phương tiện kết nối thông minh.

Trung Quốc cũng đã đạt được một số thành công nổi bật. Năm 2017, bảy trong số mười công ty pin EV hàng đầu đến từ Trung Quốc, chiếm 53% thị phần toàn cầu. Việc mở rộng năng lực sản xuất pin của Trung Quốc đang được triển khai và có thể lên tới ba lần so với kế hoạch ở phần còn lại của thế giới. 

Trung Quốc đồng thời nắm thế chủ đạo thị trường pin lithium toàn cầu, Trung Quốc phát triển mạnh hệ thống nhà máy sản xuất pin lithium, 98% các nhà máy sản xuất pin lithium là công ty Trung Quốc.

Trung Quốc ở đâu trên bản đồ công nghệ thế giới? - Ảnh 2.

Khi Trung Quốc ngày một thể hiện tham vọng vươn lên vị trí cao hơn và thách thức các cường quốc công nghệ thế giới như Mỹ, Đức, Nhật, Trung Quốc cũng đã chịu nhiều chỉ trích và sức ép từ Mỹ. 

Không ít chuyên gia đã lên tiếng rằng chính MIC 2025 là “cái gai” trong mắt Tổng thống Mỹ Donald Trump, chính vì vậy từ khi vận động tranh cử Tổng thống Mỹ vào năm 2016, ông Trump đã khẳng định về tham vọng kiềm chế Trung Quốc trong ngành công nghệ.

Và cuộc chiến tranh thương mại mà phía Mỹ phát động mới đây, theo nhận định của không ít chuyên gia, thực chất mang tham vọng của Mỹ trong việc hạn chế Trung Quốc phát triển công nghệ. 

Cụ thể, Trung Quốc đã chịu nhiều sức ép như sau từ phía Mỹ bao gồm chống chuyển giao công nghệ; bảo vệ sở hữu trí tuệ; chống tin tặc nhằm vào các lợi ích thương mại, kinh tế; xóa bỏ rào cản phi thị trường với doanh nghiệp Mỹ; mở cửa hơn nữa các lĩnh vực đầu tư; xóa bỏ trợ cấp giá/trợ cấp cho doanh nghiệp nhà nước.

Về phần mình, Trung Quốc đã chiển khai một số biện pháp như sau: cho phép đầu tư vào lĩnh vực bảo hiểm; cho phép sở hữu 100% với các ngân hàng; sửa đổi luật đầu tư nước ngoài (Quốc hội Trung Quốc thông qua vào tháng 3/2019); cụm từ Made in China 2025 không còn xuất hiện trên truyền thông; cụm từ Made in China 2025 cũng không còn xuất hiện trong phát biểu của ông Tập Cận Bình tại Hội nghị kinh tế trung ương 2019 và trong báo cáo cáo công tác chính phủ 2019.

Trung Quốc ở đâu trên bản đồ công nghệ thế giới? - Ảnh 3.

Số lượng các văn bản ban hành liên quan đến MIC 2025 cũng cho thấy sự thu hẹp của Trung Quốc với kế hoạch này, ít nhất nhìn từ góc độ truyền thông. 

Vào cuối năm 2018, chính phủ Trung Quốc đã ban hành tới 445 văn bản có thẩm quyền.

Phần lớn được ban hành vào năm 2016 (39 phần trăm) và 2017 (36 phần trăm), trong khi chỉ có 48 (11 phần trăm) được xuất bản vào năm 2018. 

Ngoài ra, chính quyền địa phương rất tích cực trong việc chuyển tầm nhìn quốc gia của Bắc Kinh vào các chỉ thị địa phương. Trung Quốc thực ra không hề từ bỏ MIC 2025 mà chẳng qua chỉ thực hiện nó một cách kín đáo hơn.

Tiến sỹ Phạm Sỹ Thành cho rằng thực ra cũng không nên quá lạc quan về trình độ phát triển của công nghệ Trung Quốc. 

Xét đến chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị sản xuất chip, chuỗi này bao gồm các khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo; lắp ráp thử nghiệm và đóng gói và cuối cùng đến phân phối; Trung Quốc thực ra mới chỉ làm giỏi nhất khâu gần cuối cùng là thử nghiệm và đóng gói, còn trình độ phát triển của Trung Quốc tại các khâu trước vốn còn thấp, thậm chí còn không thể so sánh với Đài Loan.

Chủ cuộc chơi tại các khâu thiết kế, chế tạo sản xuất chip vẫn thuộc về các nước có trình độ phát triển cao về công nghệ như Mỹ, Anh và Nhật. 

Chính vì vậy khi mà phía Mỹ đang cố gắng đẩy Trung Quốc ra khỏi chuỗi cung ứng, Trung Quốc chắc chắn đối diện với không ít khó khăn.

Trung Mến

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.