Trung Quốc 'ngư ông đắc lợi' trước xung đột thương mại Nhật - Hàn
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (Ảnh: Reuters)
Với việc Tokyo hạn chế xuất khẩu công nghệ cho doanh nghiệp Hàn, nhà sản xuất Trung Quốc lại có thể đạt được lợi thế cạnh tranh.
Đồng thời, mối quan hệ bất hòa giữa hai đồng minh quan trọng của Mỹ còn có thể đem lại lợi ích chính trị cho Trung Quốc.
Vào hôm 9/7, Tokyo tuyên bố sẽ giữ vững quyết định hạn chế xuất khẩu hàng hóa công nghệ quan trọng sang Hàn Quốc, bất chấp khẳng định của Bộ trưởng Thương mại Nhật bản Hiroshige Seko rằng Tokyo sẵn sàng đàm phán.
Điều này cho thấy Nhật Bản không bị lay chuyển bởi đe dọa trả đũa từ Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Tuyên bố của Chính phủ Nhật Bản không chỉ khiến các gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc như Samsung và LG Display (hai tập đoàn phụ thuộc lớn vào nhà cung ứng Nhật Bản) mà còn có cả các công ty Nhật Bản.
Doanh nghiệp Nhật Bản cần phải tìm kiếm khách hàng mới và chuỗi cung ứng của chính họ có nguy cơ bị phá vỡ nếu quan hệ Nhật - Hàn tiếp tục căng thẳng.
Các nhà phân tích cho rằng biện pháp đối phó tiềm năng của Seoul là ngừng xuất khẩu màn hình OLED sang Nhật Bản, khiến hoạt động sản xuất TV cao cấp của đất nước mặt trời mọc bị ảnh hưởng.
Khi các biện pháp trả đũa làm tổn hại ngành công nghệ của hai nước, các chuyên gia nhận định nhà sản xuất Trung Quốc, đặc biệt là ngành bán dẫn còn non trẻ của họ, sẽ là một trong những nguồn cung giúp lấp đầy khoảng trống.
Nhật - Hàn cùng chịu thiệt nếu tranh chấp
Mối quan hệ phụ thuộc không chỉ diễn ra theo một chiều. Ông Ryo Hinata Yamaguchi, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Kinh tế và Thương mại Quốc tế, thuộc Đại học Quốc gia Pusan (Hàn Quốc), cho biết Tokyo và Seoul sẽ hủy hoại lẫn nhau.
"Nhật Bản là nguồn cung hóa chất và công nghệ sản xuất quan trọng đối với ngành công nghiệp Hàn Quốc, trong khi đối với Nhật Bản, Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng", ông Hinata Yamaguchi nói.
Đây cũng là quan điểm của ông June Park, một giảng viên chuyên ngành kinh tế chính trị quốc tế tại Đại học George Maso Hàn Quốc.
Ông Park cho rằng ngành công nghệ của hai quốc gia liên kết và bổ sung cho nhau rất nhiều.
Chẳng hạn, doanh nghiệp Hàn Quốc mua nguyên vật liệu từ Nhật Bản để sản xuất chất bán dẫn, thường được bán lại cho công ty Nhật Bản sau đó.
"Nếu căng thẳng này tiếp tục tồn tại, chúng có thể tạo ra hiệu ứng lan tỏa, tác động đến nguồn cung chip toàn cầu và gây ảnh hưởng đến các nhà sản xuất điện thoại thông minh qui mô lớn như Apple và Huawei".
Tại sao Trung Quốc hưởng lợi?
Các nhà phân tích cho biết cuộc chiến thương mại Nhật - Hàn cuối cùng sẽ có lợi cho các nhà sản xuất Trung Quốc.
Do cuộc chiến thương mại với Mỹ, Trung Quốc đã đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp vi mạch riêng, giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài.
Cốt lõi của kế hoạch này là ngành công nghiệp bán dẫn. Theo kế hoạch Made in China 2025, Bắc Kinh đặt mục tiêu sản xuấ 40% chất bán dẫn mà họ sử dụng vào năm 2020 và 70% vào năm 2025, tăng từ mức dưới 10% hiện nay.
Các nhà phân tích nhận định, mục tiêu trên sẽ được tăng cường nếu căng thẳng giữa Tokyo và Seoul phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu, vì các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ lấp đầy khoảng trống.
Ông Park cho hay, Trung Quốc rõ ràng có động lực để thúc đẩy vai trò của nước này trong ngành công nghiệp bán dẫn và thời gian sẽ trả lời liệu Trung Quốc có trở thành kẻ hưởng lợi duy nhất hay không.
Nếu Trung Quốc có thể tận dụng căng thẳng hiện tại, họ có thể tiếp tục cuộc đua giành quyền lực kéo dài hàng thập kỉ giữa ba quốc gia giữ vai trò quan trọng trong ngành bán dẫn. Trong giai đoạn 1990 - 2000, Nhật Bản chiếm ưu thế; từ những năm 2010 trở về sau, Hàn Quốc mới tiếp quản vị trí đầu.
"Ngành công nghiệp bán dẫn rất là phức tạp, và việc tranh giành vị trí đứng đầu ngành này đã diễn ra trong suốt 40 năm qua", ông Park cho biết.
Lợi ích chính trị đối với Trung Quốc là không hề nhỏ
Ngoài các lợi ích về mặt công nghiệp, còn có các lợi ích về địa chính trị mà Trung Quốc cần phải xem xét.
"Về mặt địa chính trị, quan hệ tiêu cực giữa Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ có lợi cho Trung Quốc, vì Bắc Kinh luôn nhạy cảm với mối quan hệ chặt chẽ giữa Seoul và Tokyo, do hai nước này có thể phát triển thành một liên minh ngang hàng với Trung Quốc", ông Hinata Yamaguchi nói.
"Quan hệ ngoại giao Nhật - Hàn từng bị đình trệ trong thời gian dài. Tuy nhiên, quan hệ kinh tế giữa hai nước này xấu đi không chỉ làm nảy sinh vấn đề kinh tế cho cả hai phía, mà còn khiến cho quan hệ song phương Nhật - Hàn đi xuống mức thấp hơn nữa", ông Yamaguchi cho biết.
"Và cuối cùng, căng thẳng trong quan hệ Nhật - Hàn càng tồi tệ, Trung Quốc sẽ càng hưởng được nhiều lợi ích hơn", ông Yamaguchi nói thêm.