Trung Quốc nâng cảnh báo lũ lên mức cao nhất, thiệt hại hơn 9 tỉ USD
Theo Nikkei Asian Review, Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc đã dự báo lượng mưa lớn từ 100 đến 160 mm trong các ngày từ thứ Ba đến thứ Năm (21/7 đến 23/7) ở các tỉnh Tứ Xuyên, An Huy, Hồ Bắc và Hà Nam.
Theo thông tin từ Bộ Quản lí tình trạng khẩn cấp Trung Quốc, mưa như trút nước đã gây ra lũ lụt, làm ảnh hưởng nghiêm trọng cuộc sống của 24 triệu người dân ở 24 tỉnh từ đầu tháng 7 đến nay. Thiệt hại kinh tế trực tiếp ước tính lên tới 64,4 tỉ nhân dân tệ, tương đương 9,2 tỉ USD.
Chính quyền các địa phương ở lưu vực sông Hoài Hà đã miêu tả tình trạng kiểm soát lũ lụt ngày 20/7 là "nguy cấp" sau khi mực nước chạm kỉ lục năm nay là 29,66 mét. Các quan chức cảnh báo mưa lớn sẽ còn tiếp diễn và đã nâng cảnh báo lũ lụt lên mức Đỏ - ngưỡng cao nhất trong hệ thống cảnh báo 4 cấp của Trung Quốc.
Sông Hoài Hà dài 1.000 km, chảy giữa sông Dương Tử và Hoàng Hà, qua các tỉnh ở khu vực trung tâm Trung Quốc như An Huy, Hà Nam, Giang Tô và Sơn Đông. Hoài Hà chia đôi khu vực kinh tế quan trọng phía đông Trung Quốc thành hai nửa bắc và nam.
Ngày 20/7, chính quyền địa phương đã phải xả lũ khỏi sông Hoài Hà từ con đập Vương Gia Bá. Trước đó vào ngày 19/7, Trung Quốc đã dùng thuốc nổ để phá một con đập ngăn sông Chu ở tỉnh An Huy để nhanh chóng xả lũ.
Hàng chục nghìn người dân ở nhiều nơi bị nước lũ chia cắt, lực lượng cứu hộ phải tới từng ngôi làng bằng xuồng.
Theo Trung tâm Khí hậu Quốc gia, mùa mưa tại Trung Quốc năm nay bắt đầu vào ngày 1/6, sớm hơn một tuần so với thông lệ.
Mưa nặng hạt tập trung chủ yếu ở vùng trung và hạ lưu sông Dương Tử - con sông dài nhất Trung Quốc. Lượng mưa trung bình tính tới ngày 9/7 lên tới 370 mm, thấp hơn so với kỉ lục năm 1961 nhưng cao hơn 55 mm so với trận lũ năm 1998 từng làm cho hàng nghìn người chết.
Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng hiện tượng mưa lũ năm nay xảy ra do lượng hơi nước khổng lồ bay từ Vịnh Bengal vào đất liền gặp phải không khí lạnh từ phương bắc tràn xuống.
Mưa lớn đang thử thách sức chịu đựng của Đập Tam Hiệp – con đập thủy điện lớn nhất thế giới. Tính từ thứ Bảy tuần trước (18/7) tới nay, lượng nước trong hồ chứa Đập Tam Hiệp đã tăng tương đương 25% tổng sức chứa.
Các quan chức phủ nhận cáo buộc rằng Đập Tam Hiệp đã thất bại trong ngăn lũ ở vùng hạ du.
"Nếu lũ lụt xảy ra vì mưa lớn ở khu vực trung và hạ du sông Dương Tử thì các địa phương phải dựa chủ yếu vào hệ thống thoát nước của chính mình", tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời Tập đoàn Tam Hiệp của nhà nước Trung Quốc nói hôm 20/7. "Trong trường hợp đó, Đập Tam Hiệp vẫn có thể hỗ trợ bằng cách tích trữ nước trong hồ chứa để giảm áp lực lên các địa phương hạ du".
Vào lúc 20h ngày 19/7, lưu lượng nước chảy vào hồ chứa Đập Tam Hiệp đạt 46.000 mét khối/giây. Trước đó, lượng nước vào 8h sáng ngày 18/7 là 61.000 mét khối/giây và kéo dài 18 tiếng đồng hồ.
Theo Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc, đến 14h chiều 19/7, con đập đã giữ lại 14 tỉ mét khối nước trong mùa lũ chính năm nay.
Lũ lụt kéo dài nhiều khả năng sẽ làm chậm lại tiến trình hồi phục kinh tế của Trung Quốc. Trong quí II, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bất ngờ tăng trưởng mạnh 3,2%, chủ yếu nhờ vào đầu tư công nghiệp chứ không phải do chi tiêu tiêu dùng.