|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trung Quốc dùng thuốc nổ phá đập để xả lũ

17:02 | 19/07/2020
Chia sẻ
Ngày 19/7, chính quyền địa phương tại Trung Quốc đã cho phá hủy một con đập để nhanh chóng xả bớt lượng nước tích tụ ở thượng nguồn. Lũ lụt trên diện rộng đã khiến cho hàng chục người chết và 1,7 triệu người phải di dời.
Trung Quốc cho nổ tung đập thủy điện để xả lũ - Ảnh 1.

Mưa lũ nhấn chìm làng mạc quanh sông Dương Tử. Ảnh: AFP.

Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV cho biết con đập trên sông Chu thuộc tỉnh An Huy đã bị phá hủy bằng thuốc nổ vào sáng 19/7/2020. Không còn đập ngăn nước, mức nước dự kiến sẽ giảm khoảng 70 cm.

Hãng tin AP cho hay mưa nặng hạt kéo dài đã dẫn tới mực nước trên nhiều con sông, bao gồm sông lớn như Dương Tử, cao bất thường trong những tuần gần đây.

Phá đập và đê điều để xả lũ là một giải pháp cực đoan từng được Trung Quốc áp dụng trong trận lũ lịch sử năm 1998. Trận lũ năm đó đã làm cho hơn 2.000 người chết và gần 3 triệu ngôi nhà bị phá hủy.

Trong trận lụt tháng 6/2015, chính quyền tỉnh An Huy cũng phải phá một con đập để ngăn nước lũ thượng nguồn lên quá cao.

Thành phố Trừ Châu, tỉnh An Huy phá một con đập vào tháng 6/2015 để xả lũ. Video: CCTV.

Hiện nay theo số liệu của Bộ Quản lí tình trạng Khẩn cấp Trung Quốc, trận lũ năm 2020 đã làm 23 người chết và hơn 1,7 triệu người buộc phải đi sơ tán. Thiệt hại trực tiếp do lũ lụt gây ra ước tính khoảng 7 tỉ USD.

Tuần trước, con đập Tam Hiệp khổng lồ trên sông Dương Tử đã phải mở ba cửa xả lũ trong bối cảnh nước trong hồ chứa lên cao vượt 15 mét so với mức lũ. Một đỉnh lũ mới dự kiến sẽ xuất hiện tại đập Tam Hiệp vào ngày thứ Ba sắp tới (21/7).

Ở nhiều nơi, binh sĩ và công nhân đang phải kiểm tra sức chịu đựng của đê điều và gia cố thêm bằng bao tải cát và đá. Tối 18/7, lính cứu hỏa và nhiều lực lượng khác đã nối xong đoạn đê bao bị vỡ dài 188m quanh hồ Bà Dương – hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc. Việc đê quanh hồ Bà Dương bị vỡ đã khiến cho 15 ngôi làng và nhiều cánh đồng tại tỉnh Giang Tây bị ngập, hơn 14.000 người phải đi sơ tán.

Song Ngọc