|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chưa giải quyết xong lũ lụt và đại dịch, Trung Quốc lại phải lo giá thực phẩm tăng cao

13:21 | 15/07/2020
Chia sẻ
Giá thực phẩm là yếu tố quan trọng để duy trì ổn định xã hội. Trong tháng 6, giá thực phẩm Trung Quốc đã tăng hơn 10% và nhiều khả năng sẽ tiếp tục lên cao do tình hình lũ lụt nghiêm trọng tại miền nam.

Giá thực phẩm tăng cao chỉ là một trong số nhiều thách thức mới mà Trung Quốc phải đối mặt sau bùng phát COVID-19.

Trong tháng 6, giá thực phẩm Trung Quốc tăng 11,1% so với năm ngoái, theo Cục Thống kê Quốc gia. Dữ liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc cho thấy giá sản phẩm nông nghiệp tăng 1,2% trong tuần kết thúc ngày 5/7 so với tuần trước đó. Giá cả tiếp tục tăng 0,8% trong tuần kế tiếp, theo dữ liệu Bộ Công thương nước này công bố hôm 14/7.

Các nhà chức trách Trung Quốc phải theo dõi chặt chẽ giá thực phẩm vì chúng là yếu tố quan trọng nhằm duy trì ổn định xã hội. Nhìn từ góc độ kinh doanh, ngành thực phẩm và đồ uống đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề từ COVID-19 do người tiêu dùng hạn chế ăn uống tại nhà hàng nhằm tránh lây nhiễm virus.

Trong nửa đầu năm 2020, khoảng 105.800 doanh nghiệp liên quan đến ngành thực phẩm và đồ uống đã phải giải thể hoặc ngừng hoạt động, với hơn 70% trường hợp đóng cửa diễn ra trong quí II, theo công ty cung cấp dữ liệu Qichacha.

Hơn 70% trong số 990.500 đơn đăng kí kinh doanh mới cũng được nộp vào quí II, nhưng tỉ lệ gia tăng các doanh nghiệp đóng cửa vẫn lớn hơn tỉ lệ số trường hợp đăng kí mới, theo phân tích của CNBC.

Bà Gao Huan, giám đốc cấp cao tại công ty tư vấn Alvarez & Marsal ước tính thu nhập của các nhà hàng tại Trung Quốc đã giảm 2 điểm phần trăm do giá thực phẩm tăng.

Chưa giải quyết xong lũ lụt và đại dịch, Trung Quốc lại phải lo giá thực phẩm tăng cao - Ảnh 2.

"Giá cả trong thực tế chắc chắn đã tăng, nguyên nhân chủ yếu là cung giảm trong khi cầu lại tăng. Xu hướng này nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn do Trung Quốc đang phải đối mặt với rất nhiều thảm họa tự nhiên như lũ lụt ở miền nam. Lũ lụt có tác động rất lớn tới nguyên liệu thô và sẽ sớm được phản ánh vào giá cả thị trường".

Chưa giải quyết xong lũ lụt và đại dịch, Trung Quốc lại phải lo giá thực phẩm tăng cao - Ảnh 3.

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, lũ lụt nghiêm trọng ở 27 tỉnh và khu tự trị đã khiến ít nhất 141 người thiệt mạng hoặc mất tích. Tính đến nay, thiệt hại kinh tế trực tiếp đã vượt quá 86 tỉ nhân dân tệ (12,3 triệu USD), với hơn 29.000 ngôi nhà bị phá hủy và 2,24 triệu người phải sơ tán.

Cuối tuần trước, Chủ tịch Tập Cận Bình miêu tả tình trạng lũ lụt là "nghiệt ngã" và nói rằng các hoạt động kiểm soát đã bước vào "giai đoạn nguy cấp".

"Chúng tôi ước tính chỉ số lạm phát CPI trong tháng 7 sẽ tăng lên đến 2,7% so với năm trước, trong bối cảnh cú sốc cung do mưa lũ tại phía nam Trung Quốc có thể sẽ khiến giá cả tăng cao hơn cả tháng 7/2019", nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của ngân hàng Nomura viết trong báo cáo ngày 9/7.

Tuần trước, các nhà phân tích từ công ty chứng khoán Nanhua Futures dự đoán ảnh hưởng tới giá thực phẩm sẽ chỉ tồn tại trong ngắn hạn, trong khi đó lũ lụt sẽ có tác động lớn hơn tới sản lượng thịt lợn tươi.

Chưa giải quyết xong lũ lụt và đại dịch, Trung Quốc lại phải lo giá thực phẩm tăng cao - Ảnh 4.

Giá heo tại Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi trong vòng 18 tháng qua do dịch tả heo châu Phi. Giá heo tiếp tục duy trì ở mức cao trong tháng 6, tăng 81,6% so với năm trước, bất chấp Trung Quốc tăng cường nhập khẩu thực phẩm từ nước ngoài.

Trong nửa đầu năm 2020, nhập khẩu thịt heo của Trung Quốc tăng 140% so với cùng kì 2019, đồng thời nhập khẩu thịt bò và đậu nành tăng lần lượt 42,9% và 17,9%, theo dữ liệu Cục Hải quan công bố hôm 14/7.

Sự xuất hiện của ổ dịch mới tại chợ nông sản lớn nhất Bắc Kinh một tháng trước càng khiến thực phẩm chịu áp lực tăng giá. Theo chính quyền Bắc Kinh, giá sản phẩm tươi tại thành phố trong tháng 6 đã tăng 9%.

Giá heo và thực phẩm lên cao khiến chỉ số CPI tháng 6 của Trung Quốc tăng nhẹ từ 2,4% tháng 5 lên 2,5%, nhưng vẫn còn thấp hơn tỉ lệ lạm phát 4 - 5% trong một số tháng đầu năm. 

Chưa giải quyết xong lũ lụt và đại dịch, Trung Quốc lại phải lo giá thực phẩm tăng cao - Ảnh 5.

Ông Zong Liang, Kinh tế trưởng tại Bank of China kì vọng CPI tháng 6 tăng 2,5% phản ánh rằng lạm phát toàn năm 2020 của Trung Quốc sẽ thấp hơn 3%. Ông Zong cũng lạc quan rằng giá thực phẩm tăng sẽ chỉ là hiện tượng ngắn hạn.

"Quá trình phục hồi của thị trường thực phẩm sẽ diễn ra từ từ chứ không phải nhanh chóng", ông Zong nói.

Tuy nhiên, đối với nền kinh tế nói chung, các sự kiện như COVID-19 tái bùng phát tại một số khu vực nhiều khả năng sẽ ngăn cản nền kinh tế hồi phục nhanh.

Các nhà hàng sẽ ngày càng gặp khó khăn khi phải cố gắng xoay xở giữa giá thực phẩm cao và hành vi của người tiêu dùng.

Bà Gao, Giám đốc công ty tư vấn Alvarez & Marsal cho biết: "Chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều nhà hàng vừa và nhỏ phải rời cuộc chơi… Ngành kinh doanh nhà hàng sẽ còn tiếp tục cải tổ. Nhu cầu dành cho các nhà hàng chưa hồi phục hoàn toàn. Sẽ chỉ có khoảng 80%, 90% nhà hàng sẽ hoạt động bình thường trở lại. Rất nhiều người chơi ở thế bất lợi sẽ bị loại bỏ".

Giang