Trung Quốc miễn thuế nhập khẩu nhiều loại thép
Theo S&P Global Platts, Bộ Tài chính Trung Quốc vừa thông báo sẽ hạ thuế nhập khẩu còn 0% kể từ ngày 1/5 tới đây đối với các sản phẩm gang, thép thô (phôi thép) và thép phế liệu.
Bộ này cũng sẽ chấm dứt chính sách hoàn thuế xuất khẩu đối với 146 loại sản phẩm thép kể từ ngày 1/5.
Hiện nay, các sản phẩm như thép cuộn cán nóng (HRC), thép dây và thép thanh được hoàn thuế VAT 13% khi xuất khẩu. Kể từ tháng 5 tới, khoản hoàn thuế này sẽ không còn, tức là thuế xuất khẩu thép của Trung Quốc sẽ tăng lên.
Thép tấm cán nguôi, thép tấm mạ nhúng nóng và thép dải hẹp cũng nằm trong danh sách không được tiếp tục hoàn thuế xuất khẩu.
Các chính sách hạn chế xuất khẩu và khuyến khích nhập khẩu này được đưa ra trong bối cảnh sản lượng thép tháng 4 đạt mức cao thứ 2 trong lịch sử, bất chấp nỗ lực cắt giảm sản lượng bắt buộc ở thủ phủ thép Đường Sơn và Hàm Đan của tỉnh Hồ Bắc.
Chính phủ Trung Quốc muốn giảm sản xuất thép trong nước và tăng nhập khẩu để hạn chế tác động của ngành công nghiệp nặng tới môi trường.
"Các biện pháp thuế nói trên sẽ hạ thấp chi phí nhập khẩu, nâng sản lượng nhập khẩu thép và nguyên liệu sản xuất thép, hạn chế sản xuất thép thô trong nước, đưa ngành thép tới mục tiêu giảm tiêu thụ năng lượng chung, thúc đẩy quá trình chuyển đổi và phát triển chất lượng cao của ngành thép", thông cáo của Bộ Tài chính Trung Quốc nói.
Theo số liệu của Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc, sản lượng thép thô tại đất nước tỷ dân giai đoạn 11/4 - 20/4 đạt 3,05 triệu tấn/ngày, tăng khoảng 4% so với đầu tháng 4 và tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo chỉ số tham chiếu IODEX của S&P Global Platts, giá quặng sắt 62% Fe giao ngay đã lên mức 193,85 USD/tấn vào ngày 27/4, đã bao gồm cước vận tải bằng đường biển (CFR).
Năm 2020, Trung Quốc xuất khẩu 53,67 triệu tấn thép thành phẩm, chủ yếu là HRC và thép dây. Thép cuộn cán nguội và thép cuộn mạ nhúng nóng không bị cắt hoàn thuế xuất khẩu đợt này, có thể là vì những sản phẩm này được coi là có giá trị gia tăng cao hơn. Tuy nhiên, các thành viên thị trường dự đoán thuế với chúng có thể được nâng lên trong các thông báo sau.
Đồng thời, Trung Quốc cũng nâng thuế xuất khẩu với thép silic, hợp kim sắt crome và gang đúc thỏi từ 20%, 15% và 10% lên lần lượt 25%, 20% và 15%, hiệu lực từ ngày 1/5/2021.
Những năm gần đây, một số doanh nghiệp tại Việt Nam đã có thể cho ra sản phẩm thép với giá cả cạnh tranh và xuất khẩu được sang Trung Quốc. Năm 2019, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) xuất khẩu tổng cộng 195.000 tấn phôi thép thì có 190.000 tấn là sang Trung Quốc.
Tháng 5/2020, Hòa Phát đã ký hợp đồng bán 120.000 tấn phôi thép cho Công ty TNHH Tập đoàn CIEC Hàng Châu (Hangzhou Ciec Group Ltd) - Trung Quốc.
Trong cả năm 2020, Hòa Phát tiêu thụ 5,86 triệu tấn phôi thép thì có 1,65 triệu tấn xuất khẩu, trong đó bán sang Trung Quốc là 1,31 triệu tấn.
Formosa Hà Tĩnh năm ngoái tiêu thụ 6,2 triệu tấn phôi, trong đó có 1,48 triệu tấn xuất khẩu (đến tất cả thị trường).
Trong ba tháng đầu năm 2021, Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh xuất khẩu lần lượt 386.000 tấn và 258.000 tấn phôi thép.