Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc kêu gọi chính phủ can thiệp vì giá thép, quặng sắt tăng nóng
Hôm 27/4, trong bối cảnh giá quặng sắt cao ngất ngưởng, Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA) vừa kêu gọi chính phủ mạnh tay xử lý khi thị trường "trục trặc", đặc biệt là dưới ảnh hưởng của hoạt động đầu cơ.
Ngoài ra, CISA còn muốn Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc cải tiến chính sách cho thị trường hàng hóa giao sau, chẳng hạn như chiết khấu cho các hợp đồng quặng sắt giao sau thay vì chỉ tung ra nhiều sản phẩm hơn.
Trong phiên giao hôm 26/4 trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Đại Liên, giá quặng sắt đã nhảy vọt lên mức cao mới vì nhu cầu lớn của các nhà máy luyện thép tại Trung Quốc. Kết phiên, giá quặng sắt giao tháng 9 tăng 4,3% lên mức 1.145 nhân dân tệ/tấn.
Theo công ty tư vấn Fastmarkets MB, trong phiên giao dịch ngày 27/4, giá quặng sắt hàm lượng 62% Fe nhập khẩu vào miền bắc Trung Quốc đã tăng 0,89% lên mức 195,31 USD/tấn (tương đương 1.265 nhân dân tệ/tấn). Ngoài ra, giá quặng sắt hàm lượng 65% Fe của Brazil cũng leo lên mức kỷ lục 227,8 USD/tấn (tương đương 1477,6 nhân dân tệ/tấn).
Reuters cho biết, nhu cầu đối với quặng sắt hàm lượng 65% Fe đang tăng mạnh, vì các vật liệu thô ít gây ô nhiễm môi trường hơn có thể giúp các nhà máy luyện thép Trung Quốc đáp ứng yêu cầu kiểm soát khí thải nhà kính của Bắc Kinh mà vẫn duy trì được sản lượng cao.
Cùng với giá quặng sắt, giá thép giao sau của Trung Quốc cũng đang nới dài đà tăng, trong đó thép cây dùng trong xây dựng đã đánh dấu phiên tăng thứ 6 liên tiếp hôm 27/4 vừa qua.
"Giới đầu tư đồn đoán rằng lệnh hạn chế công suất luyện thép ở thành phố Hàm Đan và can kiệt tồn kho thép cây đã siết chặt cán cân cung - cầu tại Trung Quốc", công ty tư vấn Navigate Commodities chia sẻ với Reuters.
Sau thành phố Đường Sơn, chính quyền thành phố Hàm Đan ở tỉnh Hà Bắc - trung tâm luyện thép của Trung Quốc, cũng dự kiến sẽ thực hiện các biện pháp kiểm soát sản lượng thép và than cốc cho đến ngày 30/6.
Ngoài ra, nhà đầu tư còn bị tác động sau khi lợi nhuận quý I năm nay của các công ty công nghiệp tại Trung Quốc tăng 92,3% so với số liệu tham chiếu tương đối thấp vào cùng kỳ năm ngoái.
Không chỉ Trung Quốc mà các nền kinh tế lớn khác cũng đang cố gắng bắt kịp xu hướng, trong bối cảnh quá trình phục hồi của nền kinh tế thế giới khiến nhu cầu thép tăng trưởng mạnh hơn nguồn cung.
Các lĩnh vực như chế tạo và xây dựng dần khởi sắc trở lại, trong khi chính phủ các nước như Mỹ đã cam kết đầu tư hàng nghìn tỷ USD vào cơ sở hạ tầng để củng cố đà tăng trưởng kinh tế hậu đại dịch COVID-19, Bloomberg cho biết thêm.
Cơn cuồng thép
Theo Hiệp hội Thép Thế giới, nhu cầu thép toàn cầu sẽ tăng 5,8% trong năm nay và vượt qua mức trước đại dịch. Tiêu thụ thép của Trung Quốc, thường chiếm khoảng 50% tổng mức tiêu thụ toàn cầu, sẽ tiếp tục đi lên từ con số kỷ lục hiện tại, trong khi nhu cầu của phần còn lại trên thế giới phục hồi mạnh mẽ.
Trao đổi với Bloomberg, nhà phân tích Tomas Gutierrez của công ty nghiên cứu Kallanish Commodities cho hay: "Nhiều doanh nghiệp đang đặt hàng trước rất sớm. Một số nhà máy luyện thép đã nhận được đơn hàng quý III hoặc thậm chí là quý IV năm nay".
"Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và triển vọng của các gói kích thích tài khóa, thị trường đang rất lạc quan về nhu cầu thép năm nay. Tháng 4 này, nhu cầu thép bên ngoài đất nước Trung Quốc tăng cao lên mức đỉnh nhiều năm", ông Gutierrez nhấn mạnh.
CISA cho biết trong quý I/2021, tổng lợi nhuận của các nhà máy luyện thép lớn tại Trung Quốc tăng 247% lên 74,3 tỷ nhân dân tệ so với cùng kỳ năm ngoái.
"Lợi nhuận của các công ty chế biến thép trong quý II năm nay sẽ tiếp tục tăng vì nhu cầu thép theo mùa đạt đỉnh, nhưng tốc độ tăng trưởng thì sẽ chững lại đôi phần", ông Qu Xiuli - Phó Chủ tịch của CISA, thông tin thêm.
Giá quặng sắt neo cao đã củng cố lợi nhuận của các công ty khai thác lớn nhất thế giới, ngay cả khi họ phải vật lộn để cung cấp đủ vật liệu thô cho các nhà máy luyện thép tại đất nước tỷ dân và một số thị trường lớn khác. Chẳng hạn, lợi nhuận quý I của Vale (trụ sở tại Brazil) vẫn tốt hơn dự báo dù công suất khai thác vẫn chưa ổn định lại sau vụ vỡ đập năm 2019 và cháy máy xúc đầu năm nay.