Trung Quốc mang tiền tấn đầu tư khắp thế giới
Sản lượng thép Trung Quốc giảm trong tháng 8, nhưng đơn đặt hàng xuất khẩu phục hồi |
Nhiều chuyên gia cho rằng, các nước thiếu vốn đều đang “nhòm ngó” Trung Quốc, vậy thì không có lý gì Việt Nam lại “lờ” đi. Nếu “biết cách chơi”, Việt Nam hoàn toàn có thể thu hút được lượng vốn lớn từ Trung Quốc, không phải trong lĩnh vực công nghệ lạc hậu, mà là công nghệ cao.
Đầu tư khắp thế giới
Báo cáo từ Bộ Thương mại Trung Quốc (MOC) cho biết trong năm 2017, các nhà đầu tư nước này đã rót tổng cộng 120 tỷ USD vào 6.236 doanh nghiệp tại 174 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong năm 2017, hoạt động ODI (đầu tư trực tiếp phi tài chính) của các doanh nghiệp Trung Quốc chủ yếu tập trung vào những lĩnh vực như dịch vụ cho thuê và thương mại, chế tạo công nghiệp, bán buôn bán lẻ và công nghệ thông tin.
Theo MOC, Trung Quốc luôn khuyến khích doanh nghiệp nước này đầu tư vào các quốc gia nằm trong khuôn khổ của Sáng kiến "Vành đai và Con đường” (BRI). Số liệu thống kê của MOC cho thấy, trong năm 2017, hoạt động ODI của Trung Quốc đổ vào các quốc gia nằm trong khuôn khổ BRI tiếp tục được mở rộng với tổng trị giá 14,36 tỷ USD, chiếm 12% tổng lượng ODI của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, và cao hơn so với tỷ lệ 8,5% của năm 2016.
Tỷ trọng vốn đầu tư ODI của Trung Quốc tại các khu vực trên thế giới (số liệu năm 2016) |
Cũng theo số liệu từ BBVA, châu Âu tiếp tục là khu vực nhận nhiều vốn đầu tư nhất từ Trung Quốc trong giai đoạn 2016-2017. Tỷ lệ vốn đầu tư của nhà đầu tư Trung Quốc rót vào khu vực này tăng từ 18% trong năm 2013 lên 53,4% trong năm 2017.
Tại châu Âu, Thuỵ Sĩ là nước nhận dòng vốn từ Trung Quốc lớn nhất với khoảng 45,4 tỷ USD được ghi nhận trong năm 2017.; tiếp đó là Anh tăng lên 19 tỷ USD trong năm 2017 từ con số 11 tỷ USD vào năm 2016; Nga (10 tỷ USD),...
Châu Á là châu lục đứng thứ 2 trong danh sách thu hút dòng vốn từ Trung Quốc. Trong đó, vị trí đầu bảng thuộc về Singapore với 13 tỷ USD, Ấn Độ 3,1 tỷ USD. Sáng kiến Vành đai và con đường cũng giúp nhiều nước thu hút được dòng vốn từ Trung Quốc như: Malaysia, Thái Lan, Iran, Pakistan hay Sri Lanka.
Đáng khích lệ, BBVA cho biết, nhiều quan điểm của nước ngoài đối với đầu tư của Trung Quốc đã được cải thiện trong hai năm qua. Bên cạnh đó, tỷ trọng ODI của Trung Quốc trong lĩnh vực dịch vụ giảm xuống và tăng lên với lĩnh vực hàng hóa và năng lượng.
Đặc biệt, đầu tư vào nông nghiệp chiếm 29% tổng lượng ODI trong năm 2017 so với chỉ 3% trong năm 2016. Trong 2017,10,4% ODI được đầu tư vào lĩnh vực xanh, điều đó phản ánh rằng các doanh nghiệp ở Trung Quốc theo đuổi chất lượng thực phẩm nhập khẩu tốt hơn và sử dụng vật liệu xanh .
Đo dòng vốn Trung Quốc vào Việt Nam
Mặc dù là một trong những nhà đầu tư lớn của các quốc gia trên thế giới, tuy nhiên, dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam vẫn còn khá hạn chế.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), luỹ kế đến tháng 3/2018, Trung Quốc vẫn ở vị trí khiêm tốn là nhà đầu tư lớn thứ 7 trên tổng số 126 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam, với 1.883 dự án trị giá khoảng 12,4 tỷ USD.
Trong tháng 3/2018, thị trường Việt Nam ghi nhận 76 dự án cấp mới trị giá hơn 200 triệu USD, trong đó có 11 dự án tăng vốn. Ngoài ra, nguồn vốn dưới hình thức góp vốn, mua cổ phần là 220 lượt trị giá hơn 120 triệu USD. Điều này đã góp phần đưa tổng vốn đăng ký mới từ nhà đầu tư Trung Quốc vào thị trường Việt Nam trong tháng 3 vừa qua là hơn 338 triệu USD.
Một dự án thi công đường tại Pakistan thuộc khuôn khổ sáng kiến "Vành đai và Con đường". Ảnh: AP |
Trên thực tế, nhiều năm qua, trong top 5 nhà đầu tư nước ngoài lớn vào Việt Nam hầu như ít có sự góp mặt của nhà đầu tư Trung Quốc.
Tuy nhiên, có thể thấy, Trung Quốc đang là một trong những nhà đầu tư hàng đầu có số vốn dư thừa mà nhiều nước đang nhìn vào. Các nước lân cận như Philippines, Malaysia, Thái Lan... nhà đầu tư Trung Quốc đều góp mặt với những dự án khổng lồ.
Giới chuyên môn kỳ vọng, nguồn vốn Trung Quốc sẽ tiếp tục đổ mạnh vào đầu tư các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Đây dường như là một cơ hội mở đối với Việt Nam, khi nguồn vốn vay ODA ưu đãi ngày càng hạn chế. Vấn đề là tận dụng nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc như thế nào cho phù hợp và hiệu quả.
Trao đổi cùng phóng viên về câu chuyện này, GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE), nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác đầu tư, cho rằng, chúng ta không nên chỉ nhìn những mặt tiêu cực mà bỏ qua những lợi thế nhất định trong đầu tư nước ngoài với Trung Quốc hiện nay.
“Chúng ta vừa có ý thức thận trọng nhưng vẫn phải biết chọn những dự án nào có lợi cho Việt Nam. Như điện gió, điện mặt trời, điện tái tạo. Hay Việt Nam cũng rất cần nguyên liệu sản xuất, nếu giải quyết được vấn đề về công nghệ và môi trường thì không việc gì không thu hút”, ông nói.
Vị chuyên gia từng có nhiều kinh nghiệm làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài nhận định: “Chính sách là nước nào cũng phải thận trọng, không riêng gì Trung Quốc. Quyền lựa chọn dự án ở đây là các UBND tỉnh, thành phố, Ban quản lý khu công nghiệp - khu chế xuất,... Do đó, cần phải tăng cường năng lực tư vấn để lựa chọn được dự án đảm bảo và có lợi cho Việt Nam”.
Chung quan điểm, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa trước đó bày tỏ, các nước thiếu vốn đều đang “nhòm ngó” Trung Quốc. Lào, Myanmar, Malaysia, Thái Lan,... đều chạy đua hút vốn đầu tư từ Trung Quốc.
Nhiều chuyên gia cũng nhìn nhận, có thể thấy, nếu “biết cách chơi”, Việt Nam hoàn toàn có thể thu hút được lượng vốn lớn từ Trung Quốc, không phải trong lĩnh vực công nghệ lạc hậu, mà có thể cả công nghệ cao.
Tiến sĩ Võ Trí Thành nhận định: “Không chỉ Trung Quốc, 'chơi' với ai cũng vậy, điều quan trọng nhất vẫn là tuân theo quy luật thị trường. Nhìn về vấn đề dài hạn, làm sao công nghệ, quản lý đảm bảo chất lượng các dự án đầu tư. Còn liên quan đến nhiều vấn đề khác thì mình phải có nguyên tắc, cách ứng xử phù hợp và khéo léo”.
Theo ông Thành, luật chơi thị trường ít nhiều đã được xác định thông qua các hiệp định thương mại như WTO, ASEAN + Trung Quốc,... Vì vậy, việc tận dụng thị trường Trung Quốc là một thách thức và cơ hội, gắn liền với các hiệp định thương mại.
Xem thêm |