|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Trung Quốc: Lựa chọn nào cho giới đầu tư trong giai đoạn bão hòa kinh tế

06:43 | 06/11/2019
Chia sẻ
Bất kì thông tin nào về tốc độ tiêu thụ chậm lại ở Trung Quốc đều gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến triển vọng giá cả hàng hóa toàn cầu.
Trung Quốc: Lựa chọn nào cho giới đầu tư trong giai đoạn bão hòa kinh tế - Ảnh 1.

Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất thép ở Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Ảnh: EPA/TTXVN

Nội dung chủ yếu của cuộc gặp hàng năm giữa các nhà sản xuất, giới thương nhân và các chuyên gia trên thị trường kim loại thế giới tại London xoay quanh việc làm thế nào để định vị thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung một cách đầy đủ và cách thức mở rộng các chính sách kích thích tài khóa ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, những giải pháp trên sẽ chỉ là tạm thời. Điều các nhà đầu tư cần xem xét đó là rủi ro tăng trưởng hàng hóa dài hạn do chịu ảnh hưởng từ hậu quả của những thay đổi trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. 

Đặc biệt là giới đầu tư trong lĩnh vực kim loại cần các chiến lược mới để xử lý tốt hơn quá trình chuyển đổi này.

Nói một cách đơn giản, Trung Quốc hiện không còn nhiều thứ để xây dựng. Các lĩnh vực tiêu thụ hàng hóa chính như tài sản và cơ sở hạ tầng, trước đây từng chứng kiến hoạt động xây dựng trên quy mô lớn trong nhiều thập kỷ, hiện đang trong giai đoạn bão hòa. 

Điều này có nghĩa là thời kỳ xây dựng mới của Trung Quốc đang nhường chỗ cho giai đoạn thay thế, với nhu cầu sản xuất hàng hóa ít hơn.

Hiện nay, sức tiêu thụ hàng hóa toàn cầu chiếm không quá 60% mức được ghi nhận hồi đầu những năm 2000, khi kinh tế toàn cầu được hỗ trợ bởi kinh tế Trung Quốc, và không quá 80% con số khi kinh tế toàn cầu bước vào giai đoạn phục hồi khiêm tốn hồi đầu thập kỷ.

Trên thực tế, tỷ lệ tiêu thụ hiện tại có nhiều nét tương đồng với hồi những năm 1990, khoảng thời gian mà Mỹ và Nhật Bản đóng vai trò như những thị trường tiêu dùng hàng hóa lớn, rất lâu trước khi chu kỳ tăng trưởng quy mô lớn của Trung Quốc bắt đầu.

Trong bối cảnh đó, dưới đây là ba chiến lược “kim chỉ nam” đối với giới đầu tư. Chiến lược đầu tiên, đó là lựa chọn kim loại thường thay vì thép. 

Lịch sử cho thấy khi các nền kinh tế lớn (đặc biệt là Nhật Bản, Đức và Mỹ) đạt đỉnh về mức tiêu thụ hàng hóa, xu hướng sử dụng sẽ giảm trong nhiều năm, trong khi vị thế của các loại kim loại thường khác vẫn được giữ vững.

Nguyên nhân dẫn đến điều này là do có rất ít nhu cầu thay thế đối với sản phẩm thép trong quá trình đầu tư xây dựng hạ tầng quốc gia quy mô lớn. 

Mặt khác, nhu cầu sử dụng kim loại thường lại được bù đắp bởi sự tăng trưởng của các mặt hàng tiêu dùng có vòng đời ngắn như ô tô, máy móc và thiết bị.

Thứ hai, giới đầu tư có thể tận dụng sự phức tạp ngày càng tăng trong cấu trúc ngành công nghiệp của Trung Quốc. 

Khi đà tăng trưởng của các ngành công nghiệp và sản xuất, chế tạo sử dụng nhiều nguyên vật liệu chậm lại một cách tự nhiên, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng phức tạp hơn lại lên ngôi.

Khi đó sẽ có sự thay đổi trong cán cân giữa mức độ sử dụng thép (đang đi xuống) và nhu cầu đối với các mặt hàng phức tạp hơn như cát khoáng và bột màu sử dụng trong vật liệu sơn, nhựa và giấy… (đang đi lên).

Chính phủ Trung Quốc nhận thức sâu sắc về những rủi ro mà quá trình chuyển đổi đang gây ra cho chính sách tăng trưởng chung. 

Trong nhiều năm, hoạt động kinh tế đang chững lại có thể được giải quyết nhanh chóng bằng việc bơm tín dụng hoặc xây dựng dự án mới. Tuy nhiên, giờ đây, chiến lược này ngày càng gặp nhiều khó khăn.

Ngay cả tỷ lệ tiêu thụ đồng - nhân tố hàng đầu trong các loại kim loại thường - cũng đã suy giảm sau 25 năm tăng trưởng nhanh với mức 3%/năm. 

Tăng trưởng nhu cầu sử dụng kim loại đồng liên quan đến Trung Quốc đã chậm lại trong vài năm trở lại đây, thậm chí trước khi tranh chấp thương mại Mỹ-Trung nảy sinh. Điều này phản ánh một nền kinh tế đã bão hòa.

Do đó, điều lưu ý thứ ba đó là chỉ nên mua những gì mà Trung Quốc đang thiếu. 

Mặc dù tốc độ tăng trưởng hàng hóa của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể sẽ duy trì ở mức vừa phải trong thời gian dài hơn, có những mặt hàng hoàn toàn có thể được cung cấp bởi nguồn cung nhập khẩu.

Ví dụ, hơn 50% nguồn cung quặng sắt, đồng, niken và bauxite của Trung Quốc là đến từ hoạt động nhập khẩu. 

Đây là lý do khiến những mặt hàng này ít nhạy cảm hơn so với các động lực kinh tế trong nước. Tương tự như vậy, nhôm, than và thép cũng là những sản phẩm cần tránh đầu tư.

Phương Nga

Chủ tịch Hồ Hùng Anh: Techcombank sẽ mở rộng thêm mảng SME, tín dụng tiêu dùng, mục tiêu vốn hoá 20 tỷ USD năm 2025
Techcombank dự kiến chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 15% sau 10 năm liên tiếp giữ lại lợi nhuận. Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết Techcombank đang xây dựng chính sách để chia cổ tức một cách bền vững, trong dài hạn chứ không chỉ là một vài năm.