|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Trung Quốc hay Thái Lan: Đâu là đối thủ đáng ngại đối với sầu riêng Việt Nam?

07:20 | 06/06/2023
Chia sẻ
Việc Trung Quốc bắt đầu trồng được sầu riêng được đánh giá là không quá đáng ngại, ít nhất là thời điểm hiện tại bởi sản lượng vẫn thấp trong khi chất lượng không cao.

Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh trồng sầu riêng, áp lực cạnh tranh gia tăng?

 

Theo trang South China Morning Post, đảo Hải Nam đã sẵn sàng cho vụ thu hoạch sầu riêng đầu tiên trong năm nay, với khoảng 2.411 tấn. Thời gian qua, chuyên gia nông nghiệp của Malaysia đã sang Trung Quốc để hỗ trợ người dân nước này trồng sầu riêng. Cùng lúc, Malaysia đang xuất khẩu  sầu riêng đông lạnh cao cấp từ các vườn quy mô nhỏ sang Trung Quốc.

Nông dân Trung Quốc bắt đầu trồng khoảng 206.000 ha trái cây nhiệt đới ở tỉnh Hải Nam vào những năm 1950. Việc trồng sầu riêng đã phát triển mạnh vào năm 2020 nhờ công nghệ đẩy nhanh chu kỳ tăng trưởng, hứa hẹn sẽ là cây trồng mang lại lợi nhuận chính của hòn đảo.

Nhiều người lo ngại sầu riêng Việt Nam - loại trái cây mới được Trung Quốc chấp thuận xuất khẩu chính ngạch hồi tháng 9 năm ngoái, đã có thêm một đối thủ mới là chính nguồn cung từ những người dân bản địa. 

Trao đổi vơi người viết, ông Trần Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi nhận định “Việc một số địa phương bắt đầu trồng được cây sầu riêng đặt ra thách thức không nhỏ. Chúng ta cần cẩn trọng và duy trì phát triển bền vững”.

Theo ông Huy, doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng cần chú trọng trong việc đa dạng hoá sản phẩm, mẫu mã, bên cạnh việc nắm vững những quy định của Trung Quốc bởi đây không còn là thị trường dễ tính. 

Tuy nhiên, dưới góc độ doanh nghiệp, việc Trung Quốc bắt đầu trồng được sầu riêng lại không quá đáng ngại. 

Chia sẻ với chúng tôi, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết sản lượng sầu riêng của Trung Quốc rất ít, chỉ hơn 2.000 tấn. Trong khi đó, lượng sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ tính riêng trong 4 tháng lên tới 41.415 tấn, gấp 20 lần sản lượng của Trung Quốc.

Ngoài ra, đảo Hải Nam hứng chịu nhiều thiên tai nên sản lượng sẽ bị ảnh hưởng, các nước Malaysia và Thái Lan đều nhận định vậy. 

Ông Lim Chin Khee chuyên gia sầu riêng Malaysia cũng cho rằng sản lượng trái cây nhiệt đới ở Trung Quốc khó có thể tăng vọt vì người trồng phải trả tiền thuê đất canh tác thay vì sở hữu nó hoàn toàn và đôi khi bão sẽ quét sạch mùa màng của họ.

Ngoài ra, chất lượng sầu riêng của Trung Quốc không bằng Việt Nam, vị ngọt nhưng không thơm. 

“Cây sầu riêng chỉ thích hợp những vùng khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều. Do đó nếu trồng ở những vùng có khí hậu lạnh thì không ra trái hoặc trái không ra nhiều, ăn sần sật như dưa leo. Ngoài ra, chi phí trồng tốn nhiều hơn so với mọc tự nhiên. Chưa kể, đảo Hải Nam hứng chịu nhiều mưa bão, thiệt hại sẽ càng lớn, đẩy chi phí tăng”, ông Nguyên nói.

Mặc dù vậy, giới phân tích nước ngoài tỏ ra lo ngại nếu trong tương lai, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh áp dụng tự động hoá, tăng sản lượng và giảm giá thành sản xuất. Họ đang chờ xem liệu một hòn đảo có tổng diện tích nhỏ hơn một chút so với Đài Loan cuối cùng có thể thay thế hàng nhập khẩu hay không khi các kỹ thuật trồng trọt được cải thiện.

Tuy nhiên, đó là câu chuyện của tương lai, còn hiện tại sầu riêng Việt Nam đang phải đối mặt với đối thủ lớn và có danh tiếng lâu năm về sầu riêng đó Thái Lan. 

Thái Lan - Đối thủ đáng ngại

Hiện tại, Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu sầu riêng từ Thái Lan, Việt Nam, Philippines và Malaysia. 

Trong đó, Thái Lan và Việt Nam là hai quốc gia cung cấp sầu riêng lớn nhất, Philippines chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Với Malaysia, chủ yếu xuất khẩu sầu riêng đông lạnh và họ chọn phân khúc cao cấp là Musang King có giá cao gấp 3 lần so với sầu riêng Việt Nam và Thái Lan nhưng khối lượng cũng rất nhỏ.

Như vậy, nếu không tính sầu riêng nội địa của Trung Quốc, hiện tại Việt Nam đang phải đối đầu trực tiếp với Thái Lan. Tuy nhiên, thị phần sầu riêng của Thái Lan đang áp đảo so với Việt Nam. 

Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, nước này nhập khẩu 220.710 tấn sầu riêng, với giá trị gần 1,1 tỷ USD, cao gấp 5,7 lần về lượng và gấp gần 4 lần về kim ngạch so với tháng 3.

  Số liệu: Hải quan Trung Quốc (H.Mĩ tổng hợp)

Sầu riêng Thái Lan chiếm thị phần áp đảo 94% về cả lượng lẫn giá trị. Khối lượng sầu riêng nước này xuất khẩu sang Trung Quốc tính riêng trong tháng 4 tăng gấp 8,4 lần so với tháng 3 lên 206.436, kim ngạch tăng gấp 6,6 lần lên hơn 1 tỷ USD. 

 Số liệu: Hải quan Trung Quốc (H.Mĩ tổng hợp)

Tính chung 4 tháng đầu năm, thị phần sầu riêng của Thái Lan đạt 87%, mở rộng khá nhiều so với con số 70% của quý I năm nay. 

Trong khi đó, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang Trung Quốc giảm mạnh. Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc giảm 69% so với tháng trước đó xuống 27 triệu USD. Mặc dù vậy, con số này lệch so với số liệu Hải quan Trung Quốc là 68 triệu USD, tăng nhẹ 0,5% so với tháng 3. Lượng sầu riêng xuất khẩu sang nước này đạt 14.023 tấn, tăng 1%.

  Số liệu: Hải quan Trung Quốc (H.Mĩ tổng hợp)

Tuy nhiên, dù là số của hải quan của Việt Nam hay của Trung Quốc, thì có thể thấy sức ép cạnh tranh từ sầu riêng của Thái Lan là khá lớn. 

Thị phần sầu riêng Việt Nam tại Trung Quốc trong 4 tháng đạt 13%, trong khi con số này của quý I là 30%.

 Số liệu: Hải quan Trung Quốc (H.Mĩ tổng hợp. Lưu ý: Số liệu thị phần của Philippines không được liệt kê trong biểu đồ này do quá nhỏ, dưới 0,1%)

Ông Nguyên cho biết sầu riêng Thái Lan có thương hiệu chất lượng từ lâu nên giá đắt hơn so với sầu riêng Việt Nam. Theo đó, giá sầu riêng trung bình của Thái Lan xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 5.300 USD/tấn trong khi của Việt Nam là 4.700 USD/tấn.

  Số liệu: Hải quan Trung Quốc (H.Mĩ tổng hợp)

"Lúc đầu mình mang hàng qua đó rất ngon, cắt đúng độ chín, cơm sầu riêng mềm thơm. Sau này nhiều đơn vị do chạy theo số lượng nên cắt non. Họ sợ rằng khi vào chính vụ, nguồn cung nhiều hơn, giá sẽ rẻ nên cắt sớm, bỏ qua khâu chất lượng. 

Sầu riêng là lại trái cây không phải rẻ tiền. Người tiêu dùng khi mua phải trái không đạt chất lượng của Việt Nam họ sẽ ôm cục tức vào người. Cũng từ đó họ sẽ tránh mua sầu riêng Việt Nam mà chuyển qua hàng Thái Lan”, ông Nguyên nói.

Trong khi đó, theo ông Thái Lan làm sản phẩm rất tốt. Họ cắt sẵn vỏ sầu riêng thành 4, 5 múi sau đó lấy dây buộc lại. Người tiêu dùng có thể biết luôn chất lượng sầu riêng thế nào và khi ăn cũng chỉ cần cởi dây và tách múi dễ dàng. Còn sầu riêng Việt Nam lại bán cả quả, người tiêu dùng không biết chất lượng ra sao, nhiều khi ăn phải quả sượng. 

Bên cạnh đó, chính quyền Thái Lan kiểm soát rất chặt chất lượng, đặc biệt là sau khi Trung Quốc cho phép Việt Nam xuất khẩu sầu riêng chính ngạch. Thậm chí, những người cắt sầu riêng non có thể bị phạt tù vì phá hoại thương hiệu quốc gia. Những lô hàng không đạt chất lượng sẽ bị hải quan nước này trả về. 

Danh tiếng sầu riêng của Thái Lan tại Trung Quốc cũng được các quốc gia khác công nhận. Ông Sam Sin, Giám đốc phát triển của S&F Produce Group có trụ sở tại Hồng Kông, cho biết cho biết khi nhắc đến sầu riêng nhiều người Trung Quốc nghĩ ngay đến Thái Lan. Theo ông nhiều người Trung Quốc khi nhắc đến Thái Lan là họ nghĩ đến ngay đây là đất nước của những lễ hội, du lịch. Điều này mang lại cho trái cây Thái Lan một vị trí đặc biệt.

Còn theo ông Huy, Thái Lan đang có lợi thế rất lớn từ tuyến đường sắt đi qua Lào. Do đó, việc xuất khẩu sầu riêng của nước này sang Trung Quốc cũng trở nên thuận lợi hơn. 

“Các doanh nghiệp nên bán chất lượng, thay vì bán số lượng. Thà không có hàng xuất còn hơn là cắt non sầu riêng để bán. Đây là hành động giết tương lai ngành sầu riêng và cả công lao của Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT trong việc đàm phán để xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc. Ngoài ra, cơ quan hải quan Việt Nam tăng cường kiểm tra chất lượng quả sầu riêng giống như Thái Lan, từ chối thông quan nếu không đạt chất lượng”, ông Nguyên nói.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

H.Mĩ