Trung Quốc giải cứu nhà máy sản xuất chip
Tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc Alibaba Group Holding được cho là có tên trong danh sách các đơn vị sẽ cứu trợ nhà sản xuất chip nội địa Tsinghua Unigroup - công ty từng đứng đầu trong tham vọng sản xuất bán dẫn của Trung Quốc.
Thông báo đầu tuần này cho biết Tsinghua và các chủ nợ đã thống nhất triển khai các đề xuất tái cơ cấu từ 7 nhà đầu tư chiến lược đang quan tâm đến việc "cứu vớt" đế chế này.
Danh sách không nêu tên cả 7 ứng cử viên, tuy nhiên tiết lộ Alibaba là ứng cử viên khu vực tư nhân duy nhất trong nhóm. Quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra vào tháng 2/2022.
Đại học Thanh Hoa - nơi Chủ tịch Tập Cận Bình từng theo học, sở hữu 51% công ty này. Tsinghua đã bắt tay vào các vụ mua bán và đầu tư cao cấp, bao gồm cả việc mua lại nhà máy chip nhớ Trung Quốc Yangtze Memory Technologies hay YMTC. Song, chiến lược đòn bẩy đã khiến công ty vỡ nợ trái phiếu nhiều lần tính đến cuối năm 2020.
Tháng 7, các chủ nợ của Tsinghua đã đệ đơn lên toà án Bắc Kinh, yêu cầu phá sản và tái cơ cấu các thủ tục áp dụng cho công ty mẹ cùng với 6 công ty thuộc tập đoàn. YMTC và các chi nhánh khác vẫn duy trì hoạt động hàng ngày.
Hội đồng quản trị do toà án giám sát đã được rút gọn từ 10 người xuống còn 7. Những người này yêu cầu phải có kinh nghiệm đối với việc vận hành hoặc tái cấu trúc các dịch vụ bán dẫn, và dịch vụ đám mây.
Theo truyền thông Trung Quốc, đại học Thanh Hoa đang gánh khoản nợ hơn 100 tỷ nhân dân tệ. Alibaba, tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc, cũng là nhà cung cấp dịch vụ đám mây với nhiều khách hàng lớn.
Alibaba của Jack Ma cũng sở hữu một số trung tâm dữ liệu và đã đổ nguồn lực vào lĩnh vực kinh doanh chất bán dẫn trong vài năm qua. Thông qua công ty con, Alibaba đã tuyển dụng nhân sự bán dẫn từ châu Âu và châu Mỹ để thúc đẩy sự phát triển của mình.
Công ty cũng đang nỗ lực phát triển những con chip riêng, chẳng hạn như những chip cung cấp năng lượng cho trí tuệ nhân tạo tại các trung tâm dữ liệu. Và công ty dường như đang tìm cách nâng cao kỹ thuật của mình bằng cách tiếp quản Tsinghua.
6 ứng cử viên còn lại là các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước hoặc chính quyền địa phương. Một trong số đó, China Electronics là một nhà thầu quân sự lớn thường tham gia vào việc phát triển các hệ thống và đơn vị xử lý trung tâm.
Hay như Beijing Electronics Holding - thuộc sở hữu của Bắc Kinh, là đơn vị nắm giữ nhiều cổ phần tại nhà máy sản xuất màn hình CD BOE Technology Group.
Trong danh sách ứng viên còn có CTCP Đầu tư Quảng Đông Hengjian, do tỉnh Quảng Đông kiểm soát hoàn toàn và Tập đoàn Điện hạt nhân Tổng hợp Trung Quốc, cũng do nhà nước quản lý.
Beijing Electronics có kế hoạch sẽ giữ trụ sở chính của Tsinghua tại Bắc Kinh nếu giành chiến thắng, nhưng CTCP Đầu tư Quảng Đông Hengjian đang xem xét chuyển trụ sở công ty đến Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông.
Một ứng cử viên nặng ký khác là Tập đoàn Phát triển công nghiệp Vô Tích, do chính quyền thành phố Vô Tích điều hành, đã đầu tư vào 68 công ty, tạo ra 80 tỷ nhân dân tệ doanh thu.
Tiêu chí để chọn nhà đầu tư cuối cùng của Tsinghua. Tuy nhiên, theo Nikkei, chính quyền Trung Quốc đang siết chặt các công ty công nghệ, do đó, nhà quan sát cho rằng các doanh nghiệp nhà nước sẽ có lợi thế hơn trong cuộc đua này. Một kịch bản khác là Alibaba với tư cách là một đối tác sẽ bỏ tiền ra giải cứu.