|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Trung Quốc đẩy nhanh lệnh cấm công chức dùng iPhone

03:00 | 17/12/2023
Chia sẻ
Đây là thách thức lớn đối với Samsung và Apple, cả hai đều đang nỗ lực duy trì tăng trưởng tại một thị trường trọng điểm như Trung Quốc.

Tờ Bloomberg dẫn nguồn tin cho biết nhiều công ty nhà nước và cơ quan chính phủ trên ít nhất 8 tỉnh Trung Quốc đã đưa ra hướng dẫn cho các nhân viên về việc sử dụng thiết bị điện tử đến từ nước ngoài. Trong một đến hai tháng qua, họ đã tập làm quen với các thiết bị nội địa để thay thế tại cơ quan.

Theo Bloomberg, đây là một bước tiến lớn so với khoảng tháng 9 - thời điểm chỉ có một số ít đơn vị công ở Bắc Kinh và Thiên Tân bắt đầu yêu cầu nhân viên để các thiết bị ngoại nhập ở nhà. Samsung và Apple được cho là những tên tuổi bị hạn chế.

Nỗ lực của chính quyền Trung Quốc được đẩy nhanh đáng kể nhờ sự tiến bộ của Huawei trong thời gian qua, thúc đẩy việc loại bỏ công nghệ Mỹ ra khỏi các đơn vị công. 

Trong khi phần mềm và phần cứng của Trung Quốc đã dần dần thay thế các sản phẩm của Mỹ trong những năm qua, từ phần mềm của Microsoft đến máy tính Dell và chip Intel thì động thái mới có có nguy cơ giáng đòn nhanh chóng và trực tiếp vào Apple.

Tháng này, các công ty và cơ quan nhỏ ở các thành phố cấp thấp hơn đã hành động, cho thấy một phong trào có quy mô rộng lớn hơn nhiều đang bắt đầu diễn ra. 

Trung Quốc đang đẩy nhanh việc loại bỏ các thiết bị điện tử nước ngoài như iPhone ra khỏi đơn vị công. (Ảnh: Bloomberg).

Chính phủ Trung Quốc trước đây phủ nhận thông tin về quy định hạn chế đối với iPhone, nhưng vẫn cảnh báo lo ngại về tính bảo mật của thiết bị. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mao Ning cho biết trong cuộc họp báo vào tháng 9: “Trung Quốc chưa ban hành luật và quy định cấm mua điện thoại của Apple hoặc các thương hiệu nước ngoài”.

Không rõ chính xác có bao nhiêu cơ quan chính phủ đã ban hành chỉ thị cũng như quy mô của các quyết định này. Các tổ chức có thể sẽ khác nhau về mức độ nhiệt tình thực thi sắc lệnh nội bộ, có nơi chỉ cấm dùng ở cơ quan nhưng có đơn vị cấm hoàn toàn việc nhân sự sử dụng thiết bị nước ngoài.

Nhìn chung, đây là thách thức lớn đối với Samsung và Apple, cả hai đều đang nỗ lực duy trì tăng trưởng tại một thị trường trọng điểm như Trung Quốc. Đối với Apple, công ty cũng sử dụng Trung Quốc để sản xuất phần lớn thiết bị của mình, quốc gia này mang lại khoảng 1/5 doanh thu cho hãng.

Phần lớn iPhone của Apple hiện đến từ các nhà máy rộng lớn, sử dụng hàng triệu lao động người Trung Quốc. CEO Tim Cook là người xây dựng chiến lược gia công sản xuất tại Trung Quốc của công ty vào hai thập kỷ trước. Kể từ đó, ông đã làm việc chăm chỉ để duy trì mối quan hệ tích cực với Bắc Kinh, ngay cả khi Apple bắt đầu chuyển nhiều năng lực sản xuất hơn sang các nước khác, bao gồm cả Ấn Độ.

Ngay cả khi mối quan hệ Mỹ-Trung đang rạn nứt, Apple vẫn phụ thuộc rất nhiều vào quốc gia châu Á này. Trung Quốc vừa là đối tác sản xuất, vừa là thị trường cho các sản phẩm của Apple. 

Nhưng việc cấm các thiết bị của Apple là đỉnh cao của nỗ lực kéo dài nhiều năm nhằm loại bỏ tận gốc công nghệ nước ngoài trong những môi trường nhạy cảm. Bên cạnh đó, chính quyền Trung Quốc muốn thúc đẩy tự cung tự cấp trong các lĩnh vực quan trọng.

Vào năm 2022, Bắc Kinh ra lệnh các cơ quan chính phủ trung ương và các tập đoàn được nhà nước hậu thuẫn thay thế máy tính cá nhân mang nhãn hiệu nước ngoài bằng các sản phẩm trong nước trong vòng hai năm, đánh dấu một trong những nỗ lực tích cực nhất nhằm loại bỏ công nghệ quan trọng của nước ngoài khỏi các cơ quan nhạy cảm nhất của nước này.

Thuỳ Trang