Trung Quốc đã mua hết cảng chính của Hy Lạp và biến thành cảng lớn nhất ở châu Âu
Trung Quốc đang tìm cách biến cảng Piraeus của Hy Lạp thành cảng lớn nhất ở châu Âu. Và đưa nơi này thành trung tâm trung chuyển quan trọng nhất cho thương mại giữa châu Á và châu Âu.
Năm 2016, hãng vận tải Cosco của Trung Quốc đã mua phần lớn cổ phần tại cảng Piraeus. Nằm trong Vịnh Saronic, bến cảng lớn nhất của Hy Lạp và lớn thứ bảy của châu Âu nằm ở vị trí chiến lược giữa lục địa châu Á và châu Âu. Vào ngày 15/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đã tuyên bố rằng Cosco sẽ đầu tư khoảng 600 triệu euro (660 triệu USD) để phát triển Piraeus hơn nữa.
Nhờ sự đầu tư của COSCO, số lượng container đi qua cảng Piraeus đã tăng từ 685.000 vào năm 2010 lên tới 5 triệu vào năm 2018. Piraeus chính thức trở thành cảng bận rộn nhất ở khu vực Địa Trung Hải trong năm nay, và hiện 10% hàng hóa Trung Quốc đến châu Âu đi qua cửa ngõ này, nhưng như thế là chưa đủ.
Mục tiêu của Trung Quốc là biến cảng này thành trung tâm trung chuyển lớn nhất giữa châu Âu và châu Á và có khả năng, trở thành cảng lớn nhất ở châu Âu, ông Kostas Fragogianni, Thứ trưởng phụ trách đối ngoại của Hy Lạp, nói với CNBC.
Lợi thế địa lý của các cảng Hy Lạp có thể được sử dụng để tạo thuận lợi và tăng lưu lượng vận chuyển từ Trung Quốc và Viễn Đông sang Liên minh châu Âu, vùng Balkan và Biển Đen, và ngược lại, ông Fragogianni nói với CNBC.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis (phải) bắt tay khi họ đến thăm nhà ga hàng hóa của công ty Trung Quốc Cosco tại cảng Piraeus, Hy Lạp, vào ngày 11/11. Ảnh: CNBC
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính tại Hy Lạp, Bắc Kinh và Athens đã tăng cường liên kết. Vào tháng 8/2018, Hy Lạp đã công bố rằng họ đã chính thức tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc - kế hoạch đầu tư đầy tham vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình để kết nối châu Á, châu Phi và châu Âu.
Trung Quốc đã thực hiện các khoản đầu tư khác nhau ở Hy Lạp, bao gồm cả năng lượng và thị trường bất động sản.
Chuyến thăm gần đây của Chủ tịch Tập Cận Bình tới thens, đã tái khẳng định cam kết của ông đối với các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng chiến lược ở Hy Lạp, như một phần của Sáng kiến Vành đai, bà Athanasia Kokkinogeni, nhà phân tích cao cấp về châu Âu tại DuckerFrontier, chia sẻ với CNBC qua email.
Các khoản đầu tư của Trung Quốc đã tăng lên nhanh chóng, kích thích tăng trưởng trong lĩnh vực năng lượng, viễn thông và bất động sản. Các công ty phương Tây nên lên kế hoạch chuẩn bị đối phó với sự cạnh tranh mạnh mẽ của Trung Quốc tại châu Âu vào năm 2020 trên hầu hết các ngành công nghiệp, bà nói thêm.
Trung Quốc là nguồn nhập khẩu lớn nhất của EU và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của khối này. Trung Quốc và châu Âu giao dịch trung bình hơn 1 tỷ euro mỗi ngày, theo Ủy ban châu Âu.