|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Hồi chuông cảnh báo khó khăn tài chính ở Trung Quốc

06:42 | 20/11/2019
Chia sẻ
Những khó khăn, thách thức mà kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt không chỉ liên quan đến vấn đề đầu tư nước ngoài mà câu chuyện xảy ra ở nhiều địa phương Trung Quốc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.
Hồi chuông cảnh báo khó khăn tài chính ở Trung Quốc - Ảnh 1.

Cảng hàng hóa tại Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: THX/ TTXVN

Chính phủ Trung Quốc mới đây ban hành văn bản mang tên "Một số ý kiến liên quan tới việc tiếp tục làm tốt công tác tận dụng đầu tư nước ngoài".

Văn bản yêu cầu các địa phương, ban ngành phải nhận thức đầy đủ ý nghĩa quan trọng của việc cần phải tiếp tục làm tốt công tác tận dụng đầu tư nước ngoài trong tình hình hiện nay, chủ động hành động, coi trọng hiệu quả, thiết thực cầu thị thực thi các biện pháp chính sách.

Văn bản đề ra 20 ý kiến trên 4 phương diện: Thúc đẩy mở cửa đối ngoại, tăng cường xúc tiến đầu tư, thúc đẩy cải cách thuận lợi hóa đầu tư và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo tờ Economic Journal, văn bản nêu trên do Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ký, đã chuyển xuống địa phương. Văn bản được gọi là "20 ý kiến mới về đầu tư nước ngoài" là do có nhiều nội dung mới, yêu cầu mới và sắp xếp mới.

Văn bản yêu cầu tiếp tục cắt giảm các tiêu chuẩn (gia nhập thị trường) ảnh hưởng tiêu cực đối với đầu tư nước ngoài trên toàn quốc cũng như tại các khu vực thương mại tự do thí điểm; giảm giá thành sử dụng vốn xuyên biên giới; nâng cao mức độ thuận tiện dành cho người nước ngoài tới Trung Quốc đầu tư; ưu việt hóa trình tự xem xét cấp đất cho các dự án đầu tư nước ngoài… 

Đằng sau mỗi một ý kiến đều có thể dẫn tới sự ra đời của các chính sách cụ thể.

Báo trên cho rằng việc Trung Quốc chú trọng ổn định đầu tư nước ngoài có liên quan tới ổn định ngoại thương. Đây là vấn đề đã được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị Thường trực Chính phủ Trung Quốc vào ngày 23/10/2019.

Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Lý Khắc Cường, hội nghị đã nêu ra những yêu cầu cụ thể để bảo vệ tỷ giá đồng Nhân dân tệ cơ bản ổn định trong phạm vi cân bằng hợp lý cũng như bảo vệ dự trữ ngoại tệ ở mức hợp lý nhằm tiếp tục tăng cường ổn định ngoại thương và đầu tư nước ngoài. 

Hội nghị cũng xác định các biện pháp ưu việt hóa quản lý ngoại hối, thuận lợi hóa thương mại, đầu tư xuyên biên giới…

Vào nửa cuối năm 2018, Bắc Kinh đã đưa ra 6 mặt công tác cần định hướng trên phương diện kinh tế, bao gồm: Ổn định việc làm, ổn định tài chính, ổn định ngoại thương, ổn định đầu tư nước ngoài, ổn định đầu tư và ổn định kỳ vọng.

 Trong đó có 2 mặt công tác liên quan tới đối ngoại là ổn định đầu tư nước ngoài và ổn định ngoại thương, và có quan hệ mật thiết với mặt công tác cần ổn định được đặt ở vị trí đầu tiên là việc làm.

Bởi ổn định ngoại thương đồng nghĩa với ổn định việc làm của 180 triệu lao động trong các lĩnh vực liên quan tới ngoại thương. Hơn nữa, ngoại thương đóng góp tới 18% tổng nguồn thu từ thuế của Trung Quốc. 

Trong khi đó, ổn định đầu tư nước ngoài không chỉ giúp ổn định tăng trưởng và việc làm hiện nay, mà còn giúp ổn định động lực tăng trưởng kinh tế cả trong tương lai.

Những gì nêu trên cho thấy Trung Quốc đã và đang nỗ lực đưa ra nhiều biện pháp để ổn định kinh tế xã hội. Thực tế xảy ra tại các địa phương như thành phố Trường Xuân và nhiều nơi khác có thể đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

Từ năm 2016 tới nay, tăng trưởng kinh tế của thủ phủ tỉnh Cát Lâm bình quân trên 6%. Năm 2018, GDP của Trường Xuân đạt 717,57 tỷ NDT, tăng 7,2% so với năm 2017. 

Tuy nhiên, theo số liệu của Cục Thống kê Cát Lâm ngày 7/11, GDP ba quý đầu năm 2019 của Trường Xuân đạt 465,72 tỷ NDT, tăng trưởng 0%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu mà thành phố đặt ra trong báo cáo công tác đầu năm 2019 là "duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 7% trở lên".

Tăng trưởng kinh tế suy giảm đã ảnh hưởng tới thu nhập tài chính. Trong 9 tháng đầu năm thu nhập tài chính của Trường Xuân đã giảm 9,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, Trường Xuân vẫn còn may mắn hơn nhiều địa phương khác.

Thống kê chưa đầy đủ tới nay cho thấy trong 9 tháng đầu năm ở Trung Quốc đã có 24 địa phương rơi vào tình trạng thâm hụt tài chính, trong đó, Hà Nam đứng đầu với mức thâm hụt lên tới gần 519 tỷ NDT. Kế đó là Hồ Nam 504,4 tỷ NDT; Tứ Xuyên 496,2 tỷ NDT… 

Ngay cả các "đầu kéo" tăng trưởng kinh tế Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Đông, Chiết Giang cũng bị thâm hụt tài chính.

Theo nhà quan sát kinh tế tài chính Trung Quốc Vương Kiếm, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng khó khăn tài chính của các địa phương Trung Quốc là tăng trưởng kinh tế trượt dốc.

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang, doanh nghiệp đóng cửa, phá sản hàng hoạt, chuỗi ngành nghề dịch chuyển khỏi Trung Quốc đã khiến thu nhập từ thuế giảm mạnh. 

Sáu tháng đầu năm 2018, Trung Quốc có hơn 5 triệu doanh nghiệp đóng cửa, nhưng sau đó, giới chức nước này không tiếp tục thống kê nữa.

Một nguyên nhân khác là chính quyền địa phương vay mượn quy mô lớn để xây dựng cơ sở hạ tầng, khiến nợ ngày càng phình to.

Đại học Oxford từng đưa ra báo cáo nghiên cứu chỉ rõ hơn 50% đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở Trung Quốc không có giá trị kinh tế; 3/4 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tồn tại hiện tượng chi quá đà, khiến vấn đề nợ nần càng trầm trọng hơn.

Trong tình hình đó, nếu Trung Quốc không ổn định đầu tư nước ngoài và ổn định ngoại thương, khó khăn tài chính chắc chắn sẽ càng khó lường.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hà Ngọc

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.