|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Trung Quốc có năm vỡ nợ trái phiếu kỉ lục, rủi ro có thể đến với bất cứ doanh nghiệp nào

10:14 | 27/12/2019
Chia sẻ
Trung Quốc vừa có thêm một năm vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp kỉ lục khác. Tuy nhiên, Bloomberg không xem đây là một cuộc khủng hoảng mà mọi việc chỉ diễn ra theo kế hoạch.

Vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp tại Trung Quốc từng hiếm khi xảy ra trong quá khứ

Một thập kỉ trước, vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp gần như chưa bao giờ xảy ra, nhưng không phải vì doanh nghiệp Trung Quốc luôn trong tình trạng khỏe mạnh.

Quá khứ cho thấy hệ thống tài chính của Trung Quốc từng được kiểm soát rất chặt chẽ, vì doanh nghiệp thường liên kết với chính phủ và trái phủ chủ yếu được mua bởi các ngân hàng cho vay thuộc sở hữu nhà nước.

Vì lo ngại về khả năng xuất hiện bất ổn xã hội nếu người lao động mất việc hoặc bị chậm thanh toán lương, các nhà chức trách thường can thiệp để đảm bảo rằng những doanh nghiệp có vấn đề tài chính không rơi vào tình trạng vỡ nợ.

Trung Quốc không áp đặt nhiều qui định lên doanh nghiệp đi vay và hiện tại, nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đổ vào thị trường trái phiếu Trung Quốc.

Mặc dù nhiều công ty vẫn được nhà nước hậu thuẫn, các nhà lập pháp đang dần chấp nhận việc doanh nghiệp vỡ nợ. Nếu không, nhà đầu tư sẽ không có đủ động lực để đánh giá cẩn thận về uy tín của một doanh nghiệp.

Các công ty ít có tầm quan trọng chiến lược đối với Bắc Kinh dễ vỡ nợ trái phiếu hơn

Tuy nhiên, số trường hợp vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp tăng đồng nghĩa rằng nhà đầu tư toàn cầu cần phải từ bỏ một số giả định về việc doanh nghiệp nào có độ tin cậy cao.

Trên danh sách doanh nghiệp đã vỡ nợ hoặc có giá trái phiếu giảm sâu xuất hiện một số cái tên gây bất ngờ, trong đó có một ngân hàng đầu tư được công nhận bởi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và hai công ty công nghệ liên kết với các trường đại học hàng đầu nước này.

Vào tháng 12, Tewoo Group - một doanh nghiệp thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc và đặt trụ sở tại thành phố Thiên Tân, đã có đợt vỡ nợ trái phiếu đồng USD lớn kỉ lục trong 20 năm qua.

Các ngành nghề kinh doanh của Tewoo gồm khai thác khoáng sản, logistics và cơ sở hạ tầng. Tewoo vỡ nợ vào thời điểm khoản nợ của họ phải được cơ cấu lại. Các trái chủ của công ty này chỉ nhận được 37 cent ít ỏi cho mỗi trái phiếu.

Trung Quốc có năm vỡ nợ trái phiếu kỉ lục, doanh nghiệp nhà nước hay ngân hàng do Thủ tướng Lý Khắc Cường công nhận đều có thể vỡ nợ - Ảnh 1.

Ảnh: Bloomberg

Sau khi có tin về kế hoạch tái cơ cấu nợ của Tewoo, tổ chức xếp hạng tín dụng Moody's đã cảnh báo nhà đầu tư rằng các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc không có "tầm quan trọng chiến lược" đối với Bắc Kinh sẽ ít có cơ hội nhận được cứu trợ hơn.

Tuy nhiên, việc xác định công ty nào đủ điều kiện để được xếp vào diện "quan trọng chiến lược" lại không dễ dàng. Ông Andrew Collier, Giám đốc Quản lí của công ty Orient Capital Research, nhận định: "Hệ thống tài chính Trung Quốc có thể chịu thêm bao nhiêu đợt vỡ nợ sẽ là câu hỏi lớn cho Bắc Kinh trong năm 2020".

"Cực kì khó để thực hiện phân tích tín dụng chính xác đối với hầu hết doanh nghiệp đi vay ở Trung Quốc", Bloomberg dẫn lời ông Michel Lowy, CEO tại ngân hàng SC Lowy (Hong Kong).

Ba trường hợp lao dốc khó có thể tin nổi

Từng có một thời các công ty công nghệ do Bắc Kinh hậu thuẫn có độ tin cậy cao

Một bài học về độ may rủi khi tin vào sự hỗ trợ của nhà nước Trung Quốc có thể trích ra từ nửa cuối năm 2019, khi trái phiếu của hai công ty công nghệ do Bắc Kinh hậu thuẫn giảm giá mạnh (dù hai công ty chưa tuyên bố vỡ nợ).

Tsinghua Unigroup là một hãng chế tạo chip đi đầu trong tham vọng thống trị ngành công nghệ toàn cầu của Bắc Kinh.

Tình hình tài chính của Tsinghua xấu đi nhanh chóng trong ba năm qua vì phải đi vay vốn để đầu tư và sáp nhập. Tuy nhiên công ty này còn liên kết với Đại học Thanh Hoa, nơi Chủ tịch tập Cận Bình và người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào từng theo học.

Công ty còn lại là Peking University Founder Group, một tập đoàn lớn trong mảng y tế và Internet cũng như có liên kết với Đại học Bắc Kinh, một trường đại học ưu tú khác của Trung Quốc.

Trước đây, trái phiếu của các công ty thuộc sở hữu nhà nước và có liên kết với lĩnh vực công nghệ thường miễn nhiễm với lo ngại vỡ nợ.

Tuy nhiên, nỗ lực tách các tổ chức học thuật ra khỏi liên doanh kinh doanh của họ lại đặt một đám mây đen lên hai công ty nêu trên. Việc họ không báo cáo cho cơ quan giám sát tài sản của chính phủ Trung Quốc mà với Bộ Giáo dục có thể đặt ra nhiều câu hỏi trong đầu nhà đầu tư.

Ông Wei Liang Chang, chiến lược gia cấp cao tại DBS Bank (Singapore), nhận định: "Bất ổn kéo dài liên quan đến tương lai của hai công ty này làm dấy lên nghi ngờ về tình hình tài chính của họ, đặc biệt là khi cả hai thường thâm dụng vốn với khả năng sinh lợi khó đoán trước".

Ngân hàng do Thủ tướng Lý Khắc Cường công nhận chìm sâu trong nợ

Bloomberg cho rằng có lẽ không có vụ việc nào diễn ra ở nửa cuối năm nay gây bất ngờ, vì năm 2019 đã bắt đầu với vụ chậm thanh toán nợ của một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất Trung Quốc.

China Minsheng Investment Group (CMIG) được thành lập năm 2014 với sự chứng thực của Thủ tướng Lý Khắc Cường, quan chức cấp cao thứ hai trong bộ máy nhà nước Trung Quốc.

CMIG đã phải gánh 34 tỉ USD nợ tính đến năm ngoái và đã cầm cố nhiều tài sản từ bất động sản ở London cho đến công ty kinh doanh năng lượng mặt trời và một công ty bảo hiểm ở Bermuda.

Kể từ khi chậm thanh toán nợ trái phiếu nội địa vào tháng 1, CMIG đã phải bán tống bán tháo tài sản và chậm thanh toán lương cho đội ngũ nhà quản lí.

Yên Khê