|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Doanh nghiệp Trung Quốc vỡ nợ: Nguyên nhân, tác động và các con số 'biết nói'

11:01 | 09/07/2019
Chia sẻ
Tình trạng vỡ nợ của doanh nghiệp Trung Quốc đang rất nghiêm trọng và có chiều hướng xấu đi. Từ đầu năm 2019 đến nay, doanh nghiệp nước này đã vỡ nợ hơn 55 tỉ nhân dân tệ (8 tỉ USD), trong đó có 20 công ty vỡ nợ lần đầu.
1000x-1

Ảnh: Bloomberg

Theo Bloomberg, doanh nghiệp Trung Quốc đang phải đối mặt với thực tế sau nhiều năm tăng vay nợ.

Chiến dịch tháo dỡ đòn bẩy kinh tế mà Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng vào năm 2016 để hạn chế rủi ro trên thị trường tài chính quốc gia đã dẫn đến một cuộc "đàn áp" trước tình trạng cho vay không kiểm soát, hay còn gọi là hoạt động tài chính ngầm, và loạt qui tắc chặt chẽ hơn về quản lí tài sản.

Điều này khiến một số doanh nghiệp khó huy động vốn để trả nợ hiện tại hơn, tạo ra số vụ vỡ nợ trái phiếu kỉ lục năm 2018.

Trong nửa đầu năm 2019, tình hình đã lắng xuống khi chính phủ chuyển sang giảm bớt khủng hoảng thanh khoản, tuy nhiên rủi ro vỡ nợ của doanh nghiệp Trung Quốc vẫn tăng, một phần là do tăng trưởng kinh tế chững lại.

Vấn đề vỡ nợ nghiêm trọng đến đâu?

Tình trạng đang rất nghiêm trọng và có chiều hướng xấu đi. Doanh nghiệp Trung Quốc đã vỡ nợ hơn 55 tỉ nhân dân tệ (8 tỉ USD), trong đó có 20 công ty vỡ nợ lần đầu.

Số liệu năm ngoái ghi nhận con số kỉ lục 122 tỉ nhân dân tệ, hơn 4 lần khoản vỡ nợ năm 2017.

Các công ty thuộc khu vực tư nhân chiếm hơn 90% tổng số vụ vỡ nợ năm ngoái và đây vẫn là xu hướng hiện nay.

Tại sao tình trạng vỡ nợ nghiêm trọng?

Vấn đề này nghiêm trọng chủ yếu là liên quan đến khủng hoản thanh khoản. Nhà đầu tư và ngân hàng thường ưu tiên cho doanh nghiệp nhà nước cho vay và hiện còn rất ngần ngại gia hạn tín dụng cho các công ty tư nhân nhỏ hơn.

Trên hết, việc Chính phủ Trung Quốc thâu tóm Baoshang Bank vào cuối tháng 5 (thương vụ tiếp quản ngân hàng tư nhân đầu tiên trong hai thập kỉ qua) đã khiến nhà đầu tư không thể chịu đựng rủi ro thêm.

Mặc dù lợi suất trái phiếu của doanh nghiệp được xếp hạng AA- (hạng "trái phiếu rác" tại Trung Quốc) đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2018, mức chênh lệch lợi suất tín phiếu kì hạn 1 năm của doanh nghiệp được xếp hạng top đầu và top cuối đã tăng mạnh sau khi Baoshang Bank được tiếp quản.

Đồng thời, nền kinh tế Trung Quốc đang mất đà tăng trưởng, các doanh nghiệp yếu kém hơn đang đối mặt với tình trạng thắt chặt nguồn cung vốn và gặp áp lực trả nợ cao hơn.

Trường hợp vỡ nợ tồi tệ nhất trong thời gian gần đây

Vào lần cuối cùng tình trạng vỡ nợ đạt đỉnh năm 2016, phần lớn doanh nghiệp vỡ nợ đều đến từ các ngành công nghiệp có công suất dư thừa như than và thép.

Lần này, doanh nghiệp vỡ nợ đến trong một diện rộng hơn. Công ty dầu khí CEFC Shanghai International Group và công ty khai thác than Wintime Energy là hai cái tên vỡ nợ lớn nhất trong năm 2018, theo dữ liệu của Bloomberg.

Trong năm nay, China Minsheng Investment Group, một tập đoàn có nhiều tài sản gồm bất động sản, hàng không và dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đang đứng trước áp lực vỡ nợ 34 tỉ USD.

Vào tháng 4, tập đoàn trên cho hay tình trạng vỡ nợ chéo của họ đến từ trái phiếu đồng USD sau khi không thể thanh toán nợ.

Bằng cách nào tình trạng vỡ nợ nghiêm trọng như thế này?

Doanh nghiệp Trung Quốc đã ngồi trên đống nợ trong ít nhất một thập kỉ, kể từ khi người tiền nhiệm của ông Tập Cận Bình tiến hành cho vay để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Điều này giữ cho nền kinh tế Trung Quốc ổn định hơn nhưng vẫn mang nhiều rủi ro. Tỉ lệ nợ doanh nghiệp trên GDP đã tăng từ 101% của 10 năm trước lên mức kỉ lục 160% vào cuối năm 2017.

Ông Tập và quan chức chính phủ đã tuyên bố vào năm 2016 rằng Trung Quốc sẽ kiềm chế hoạt động cho vay quá mức cũng như thu hồi đòn bẩy tài chính nhằm giảm bớt rủi ro đối với nền kinh tế.

Chính phủ Trung Quốc đã ban hành các chỉ thị về cho vay và quản lí tiền tệ, với mục tiêu là kiềm chế hoạt động tài chính ngầm qui mô 10.000 tỉ USD.

Tác động của tình trạng vỡ nợ gia tăng là gì?

Khi nhà chức trách Trung Quốc dần cho phép người vay từ chối thanh toán khoản nợ ở thị trường trong và ngoài nước, nhà đầu tư tiềm năng đang đánh giá lại rủi ro.

Nhà đầu tư cũng đang hoài nghi về chất lượng của các cơ quan phát hành báo cáo tài chính. Kangde Xin Composite Material Group, một nhà sản xuất film cán ở phía đông tỉnh Giang Tô, đã bị phát hiện hạch toán khống 11,9 tỉ nhân dân tệ lợi nhuận trong giai đoạn 2015 - 2018 trong một cuộc điều tra của Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc đã vào cuộc hay chưa?

Chính phủ Trung Quốc đã vào cuộc nhưng chỉ hỗ trợ chứ không trực tiếp giải cứu doanh nghiệp hay ngân hàng nào.

Kể từ tháng 7/2018, chính phủ đã bơm thanh khoản vào thị trường tài chính thông qua các biện pháp như cắt giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc của ngân hàng. Các nhà quản lí cũng cung cấp thêm vốn và yêu cầu ngân hàng cho các doanh nghiệp nhỏ hơn vay vốn.

Trong nỗ lực nhằm giải quyết cú sốc thanh khoản sau khi Baoshang Bank bị tiếp quản, các quan chức tài chính cấp cao của Trung Quốc đã thúc giục các ngân hàng lớn và công ty chứng khoán cung cấp hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng và công ty chứng khoán nhỏ hơn do đây là những tổ chức mua vào phần lớn nợ của doanh nghiệp.

Qui trình tuyên bố phá sản ở Trung Quốc hoạt động thế nào?

Theo qui trình hiện tại, doanh nghiệp gặp khó khăn phải mất tới 9 tháng kể từ khi tòa án chấp nhận hồ sơ tuyên bố phá sản để thống nhất kế hoạch tái cấu trúc với các bên liên quan.

Nếu không thể tái cấu trúc, doanh nghiệp có thể bị tuyên bố phá sản và tài sản bắt đầu bị thanh lí.

Trên thực tế, quá trình tuyên bố phá sản có thể kéo dài hơn và nhà đầu tư nước ngoài lại bị hạn chế quyền thực thi đối với một số loại tài sản thuộc sở hữu nhà nước, theo Pacific Investment Management.

Yên Khê