Trung Quốc bất ngờ giảm lãi suất để đối phó với ‘khủng hoảng niềm tin’
“Vẫn chưa đủ”
Hôm nay (ngày 15/8), Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã bất ngờ hạ lãi suất đối với công cụ cho vay trung hạn (MLF) thời hạn một năm từ 2,65% xuống 2,5%.
Tổng quy mô của các khoản vay này vào khoảng 401 tỷ nhân dân tệ (tương đương 55,25 tỷ USD). Đây là đợt giảm lãi suất lần thứ hai của Trung Quốc trong vòng ba tháng qua.
PBoC thực hiện động thái trên sau khi Trung Quốc công bố loạt dữ liệu tháng 7 gây thất vọng. Sản lượng công nghiệp tăng 3,7% so với một năm trước đó, thấp hơn rõ rệt ước tính của các nhà phân tích là 4,4%. Tốc độ tăng trưởng của doanh số bán lẻ tháng 7 cũng chậm lại còn 2,5%.
Tuần trước, Trung Quốc cũng công bố một chuỗi số liệu kinh tế ảm đạm, bao gồm kim ngạch xuất nhập khẩu suy giảm mạnh hơn dự đoán và tăng trưởng tín dụng thấp kỷ lục.
- TIN LIÊN QUAN
-
Cỗ máy xuất khẩu của Trung Quốc tiếp tục suy yếu, kim ngạch sụt hơn 14% so với cùng kỳ 08/08/2023 - 12:00
Bà Louise Loo, nhà kinh tế cấp cao tại Oxford Economics, bình luận với CNBC rằng Trung Quốc đang đối mặt với một cuộc “khủng hoảng niềm tin” trong bối cảnh Bắc Kinh chậm triển khai các chính sách kích thích tăng trưởng và thị trường coi đây là biểu hiện của việc “không hành động”.
Bà lưu ý: “Tình hình hiện nay không thể được gọi là khủng hoảng tiêu dùng hay đầu tư, mà là khủng hoảng niềm tin”. Theo bà, giải pháp tốt nhất là “tung ra kích thích một cách nhanh chóng”.
Gần đây, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã công bố một loạt biện pháp nhằm thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư nước ngoài và đầu tư trong khu vực tư nhân. Tuy nhiên, cách tiếp cận của Bắc Kinh nhìn chung vẫn rất thận trọng.
Bà Loo đánh giá rằng các động thái kích thích trong thời gian qua khá cụ thể và có phạm vi hẹp. Bà nhận xét: “Rõ ràng các nhà hoạch định chính sách muốn nhắm đến các mặt hàng tiêu dùng có giá bán cao”, ví dụ như nhà ở hoặc xe hơi.
“Nhưng liệu như thế có đủ để vực dậy tâm lý người tiêu dùng, tâm lý doanh nghiệp hay không? Tôi thì nghĩ rằng những biện pháp đó vẫn chưa đủ”, bà nhấn mạnh.
Tiếp tục nới lỏng chính sách?
Ngoài việc giảm lãi suất vào ngày 15/8, ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng bơm 204 tỷ nhân dân tệ thông qua các hợp đồng repo nghịch đảo 7 ngày, tương ứng với việc giảm chi phí đi vay 10 điểm cơ bản từ 1,9% xuống 1,8%.
Các nhà phân tích của Goldman Sachs viết trong lưu ý: “Chúng tôi dự kiến Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp nới lỏng trong những tháng tới, kết hợp giữa chính sách tiền tệ, tài khóa, nhà ở và tiêu dùng. Tuy nhiên, quy mô của những biện pháp kích thích này sẽ nhỏ hơn những chu kỳ trước”.
Ông Hao Zhou, nhà kinh tế trưởng tại Guotai Junan International, cho biết mối quan tâm lớn nhất của thị trường hiện nay là liệu ngân hàng trung ương có giảm lãi suất cho vay tiêu chuẩn (LPR) kỳ hạn 5 năm để hỗ trợ thị trường nhà đất hay không. Ông khẳng định rằng việc trợ giúp ngành bất động sản là điều kiện quan trọng để ổn định nền kinh tế.
Trung Quốc đang vật lộn với khủng hoảng trong ngành bất động sản. Sóng gió trên thị trường nhà đất Trung Quốc đã lại nổi lên trong bối cảnh nhà phát triển Country Garden bị đẩy đến bờ vực vỡ nợ.