Lĩnh vực bất động sản chìm sâu vào khủng hoảng, chứng khoán Trung Quốc bị bán tháo mạnh
Bán tháo lan tràn
Trong phiên giao dịch ngày 14/8, chứng khoán Trung Quốc đã giảm mạnh ở cả thị trường Hong Kong lẫn đại lục, theo ghi nhận của Wall Street Journal.
Trong đó, cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản, nhà sản xuất xe điện và của các công ty trong những lĩnh vực kinh tế nhạy cảm tụt mạnh nhất.
Chỉ số Hang Seng mất 1,6%, nâng mức lỗ từ đầu năm lên 5,1%. Chỉ số CSI 300, bao gồm nhiều cổ phiếu vốn hoá lớn của Trung Quốc, sụt 0,73%. Tính từ đầu năm đến nay, CSI 300 cũng chìm trong sắc đỏ như Hang Seng.
Khó khăn tài chính của tập đoàn bất động sản Country Garden đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhà đầu tư kể từ khi ông lớn này bỏ lỡ hạn chót thanh toán lãi cho hai lô trái phiếu đồng USD một tuần trước.
Đến cuối tuần, Country Garden cho biết 11 trái phiếu đồng nhân dân tệ của tập đoàn đã bị đình chỉ giao dịch và họ dự định sẽ đàm phán kế hoạch trả nợ với các trái chủ trong thời gian tới.
Cổ phiếu niêm yết tại Hong Kong của Country Garden đã giảm thêm 18% vào phiên 14/8. Tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu này đã mất gần 70% giá trị.
Từng là động cơ tăng trưởng chính của nền kinh tế tỷ dân, lĩnh vực bất động sản nay đã trở thành lực cản.
Doanh số bán nhà mới từng tăng trong vài tháng đầu năm 2023, mang đến tia hy vọng rằng giai đoạn tồi tệ nhất của thị trường đã qua.
Song, ngành địa ốc lại lần nữa chuyển mình vào tháng 4 và doanh số của các nhà phát triển hàng đầu đất nước đã sụt giảm kể từ đó.
Rắc rối mới của Country Garden có thể khiến những người mua nhà tiềm năng rời xa thị trường, trì hoãn quá trình phục hồi của ngành bất động sản Trung Quốc, Wall Street Journal cảnh báo.
Dữ liệu được công bố vào tuần trước cho thấy Trung Quốc đã rơi vào tình trạng giảm phát. Các hộ gia đình cũng hạn chế vay mượn và bắt đầu tiết kiệm hơn.
Trong tháng 7, các ngân hàng Trung Quốc đã cấp 47,8 tỷ USD khoản vay mới, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ, theo nền tảng dữ liệu Wind.
Bà May Ling Wee, nhà quản lý danh mục cấp cao tại Janus Henderson Investors, nói dữ liệu về hoạt động cho vay của Trung Quốc “gây thất vọng nặng nề”, bởi nó cho thấy nhu cầu đi vay tại nước này đang rất yếu.
“Tâm lý của người dân và doanh nghiệp Trung Quốc đang rất bi quan và chính phủ cần phải bơm thêm kích thích [để khôi phục lòng tin của mọi người]”, vị chuyên gia nhận định.
Những khó khăn kinh tế của Trung Quốc cũng đang đè nặng lên đồng nhân dân tệ. Trên thị trường quốc tế, 1 USD hiện đổi được hơn 7,28 CNY - cho thấy tỷ giá USD/CNY đang ở gần mức thấp nhất trong năm nay.
Bắc Kinh dự kiến sẽ công bố một loạt dữ liệu kinh tế mới vào ngày 15/8, bao gồm vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ. Đây sẽ là những thông tin mà nhà đầu tư có thể đặc biệt quan tâm.
Thời điểm quan trọng của ngành địa ốc
Theo Wall Street Journal, vào tuần trước, Country Garden đã thừa nhận rằng họ đang gặp vấn đề về thanh khoản, đồng thời tập đoàn dự kiến sẽ lỗ to trong nửa đầu năm nay.
Một số nhà kinh tế cảnh báo rằng tác động khi nhà phát triển bất động sản 31 năm tuổi này vỡ nợ có thể lớn hơn thiệt hại mà cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande gây ra vào năm 2021.
Country Garden từng trụ vững trong đợt suy thoái trước đó của ngành bất động sản, trong khi Evergrande và Sunac đã gục ngã. Country Garden, Evergrande và Sunac là ba công ty địa ốc lớn nhất Trung Quốc thời điểm đó.
Ông Wang Zhengzu, trưởng bộ phận quản lý tài sản tại Haitong International, đánh giá: “Nếu Country Garden vỡ nợ, Trung Quốc sẽ phải cải tổ và tổ chức lại toàn bộ ngành bất động sản”.
Khi Evergrande vỡ nợ trái phiếu quốc tế, triển vọng của nền kinh tế tỷ dân ổn định hơn bây giờ khá nhiều.
Trung Quốc lúc đó vẫn đang tận hưởng cú hích từ lĩnh vực xuất khẩu và nhà đầu tư toàn cầu vẫn tin tưởng vào tốc độ tăng trưởng cũng như nhu cầu của nước này.
Kể từ cuối năm ngoái, Trung Quốc đã loại bỏ các hạn chế chống dịch hà khắc, song nền kinh tế vẫn chưa bứt phá.
Ông Larry Hu, kinh tế trưởng của Macquarie Group tại thị trường Trung Quốc, cho biết lĩnh vực bất động sản đang đứng trước thời điểm trọng yếu.
Vị chuyên gia nói thêm rằng doanh số bán nhà sụt giảm là kết quả khi niềm tin của người tiêu dùng yếu đi và các doanh nghiệp địa ốc không thuộc sở hữu nhà nước sẽ khó tồn tại nếu không có sự giúp đỡ của chính phủ.
“Chính sách [hỗ trợ của chính phủ] là yếu tố duy nhất có thể thay đổi cục diện”, ông Hu kết luận.