|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Trung Quốc áp hạn ngạch xuất khẩu với phốt phát, các nhà nhập khẩu phản ứng thế nào?

14:36 | 18/07/2022
Chia sẻ
Từ cuối tháng 6, Trung Quốc đã áp hạn ngạch xuất khẩu với phốt phát, nguyên liệu quan trọng trong sản xuất phân bón. Động thái này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến các quốc gia nhập khẩu mặt hàng này, trong đó có Việt Nam.

Các nhà sản xuất phốt phát hàng đầu ở Trung Quốc cho biết nửa cuối năm 2022, Trung Quốc áp dụng hạn ngạch để kiểm soát lượng xuất khẩu phốt phát, một thành phần quan trọng để sản xuất phân bón, theo Reuters.

Hạn ngạch này thấp hơn nhiều so với mức xuất khẩu của năm trước. Điều này có nghĩa Trung Quốc đang can thiệp sâu vào thị trường nguyên liệu phân bón nhằm ổn định giá cả trong nước và đảm bảo an ninh lương thực khi giá phân bón toàn cầu sắp chạm mức cao kỷ lục.

Trước đó, tháng 10/2021, Trung Quốc cũng kìm hãm xuất khẩu phân bón bằng cách đưa ra yêu cầu mới về giấy chứng nhận kiểm định đối với mặt hàng này và các nguyên liệu liên quan.

Động thái này cùng với các lệnh trừng phạt đối với các nhà sản xuất lớn như Nga và Belarus đã khiến nguồn cung phân bón của thế giới bị thắt chặt, đẩy giá mặt hàng này phi mã. Trong khi đó, giá ngũ cốc đi lên lại thúc đẩy nhu cầu về phân lân và các chất dinh dưỡng cây trồng khác của nông dân khắp thế giới tăng cao.

Ông Gavin Ju, nhà phân tích ngành phân bón Trung Quốc tại công ty nghiên cứu thị tường CRU Group cho biết Trung Quốc chỉ cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu 3 triệu tấn phốt phát trong nửa cuối năm 2022, bắt đầu từ cuối tháng 6. Điều này có nghĩa, xuất khẩu phốt phát sẽ giảm 45% so với mức 5,5 triệu tấn của cùng kỳ năm 2021.

Các nhà phân tích của S&P Global Commodity Insights cũng dự kiến hạn ngạch xuất khẩu của Trung Quốc vào khoảng 3 triệu tấn trong nửa cuối năm. 

 

Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia đã từ chối thông tin về việc phân bổ hạn ngạch.

Tương tự, các nhà sản xuất phốt phát hàng đầu Trung Quốc là Yunnan Yuntianhua, Hubei Xingfa Chemical Group và Tập đoàn hóa chất Guizhou Phosphate thuộc sở hữu nhà nước (GPCG) cũng không bình luận về vấn đề này.

Các nhà phân tích cho biết đây là lần đầu tiên Trung Quốc sử dụng biện pháp liên quan đến hạn ngạch xuất khẩu và giấy chứng nhận kiểm định. Còn trước đây nước này đã áp thuế xuất khẩu đối với phân bón trong để đảm bảo nguồn cung trong nước.

Ngoài Trung Quốc, các nhà sản xuất phốt phát lớn khác như Maroc, Mỹ, Nga và Saudia Arabia cũng từng áp dụng hạn ngạch với phốt phát diammonium (DAP).

Ông Glen Kurokawa, nhà phân tích mảng phốt phát của của CRU Group cho biết thị trường phân bón đã hạ nhiệt sau thời gian thích ứng những hệ lụy của cuộc xung đột ở Ukraine để lại. Nếu không vướng phải chính sách hạn ngạch xuất khẩu của Trung Quốc, giá phốt phát có thể giảm sâu hơn.

"Vẫn có một số nguồn cung khác nhưng nhìn chung thị trường phốt phát đang khan hiếm”, ông Glen Kurokawa nói.

Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, năm 2021 nước này là nhà xuất khẩu phốt phát lớn nhất thế giới với sản lượng khoảng 10 triệu tấn, chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của thế giới. Trong đó, Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh thuộc top 3 thị trường thị trường tiêu thụ lớn nhất.

 

Giá phân bón tăng vọt đã làm dấy lên lo ngại đối với Trung Quốc, quốc gia cần đảm bảo an ninh lương thực cho 1,4 tỷ dân, ngay cả khi giá của tất cả các loại nguyên liệu đầu vào cho sản xuất đều tăng.

Theo đó, giá phân phốt phát nội địa vẫn ở mức thấp hơn khoảng 300 USD so với mức 1.000 USD/tấn được niêm yết tại Brazil. Điều này kích thích xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2021 tăng trưởng mạnh.

Tuy nhiên, xuất khẩu phốt phát của Trung Quốc đã quay đầu giảm vào tháng 11/2021, khi nước này yêu cầu các doanh nghiệp giấy chứng nhận kiểm định đầu ra.

Đà giảm này tiếp tục kéo dài đến 5 tháng đầu năm 2022. Theo đó, xuất khẩu DAP và MAP chỉ đạt 2,3 triệu tấn, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước.

Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc sẽ duy trì việc áp dụng hạn ngạch để ổn định giá, thị trường phân bón phân bón trong nước, ngay cả khi người mua bắt đầu cân nhắc theo nhu cầu hoặc tìm kiếm các sản phẩm thay thế.

Theo đó, Ấn Độ, nhà nhập khẩu phốt phát lớn nhất  đã giới hạn mức giá 920 USD/tấn mua về.  Còn về phía Pakistan, giá phân bón phi mã khiến nhu cầu của thị trường này giảm mạnh.     

Còn theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong tháng 6 lượng nhập khẩu phân bón từ Trung Quốc gần 137 nghìn tấn  giảm 24,5% so với tháng 5.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu của Trung Quốc 838 nghìn tấn phân bón với giá trị 345 triệu USD, giảm 19% về lương nhưng tăng 23% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Giá phân bón nhập khẩu từ Trung Quốc trung bình khoảng 411 USD/tấn, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2021.                     

 (Số liệu: Tổng cục Hải quan, Biểu đồ: Hoàng Anh)

Hoàng Anh