Trung bình SoftBank đầu tư vào 2 startup mới mỗi ngày
Quỹ Vision Fund II của SoftBank đã đổ khoảng 13 tỷ USD để đầu tư vào hơn 50 công ty chỉ tính riêng trong quý II, theo nguồn tin thân cận với vấn đề. Financial Times nói rằng con số này thể hiện sự gia tăng mạnh về tốc độ đầu tư của quỹ này.
Trong 3 tháng đầu năm 2021, Vision Fund II đầu tư chưa đến 2 tỷ USD vào khoảng trên dưới 24 công ty, theo thông tin tự công bố. Việc SoftBank tăng tốc giải ngân cho quỹ Vision Fund II được thực hiện trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư trường vốn khác như Tiger Global Management đang đẩy mạnh rót tiền vào các startup giá trị cao.
Quỹ Vision Fund đầu tiên với dung lượng 100 tỷ USD nổi tiếng với cổ phần nhiều tỷ USD trong các startup nổi tiếng thế giới như ứng dụng gọi xe Trung Quốc Didi Chuxing và công ty cho thuê văn phòng WeWork. Khoản đầu tư của SoftBank giúp nhiều startup bù được lỗ trong bối cảnh cạnh tranh với nhiều đối thủ ở các thị trường lớn.
Gần đây, lợi nhuận của các quỹ đầu tư của SoftBank cũng được cải thiện khi nhiều công ty mà họ đầu tư thực hiện IPO thành công, trong đó bao gồm công ty thương mại điện từ Hàn Quốc Coupang và công ty giao đồ ăn DoorDash.
Với quỹ Vision Fund II, tập đoàn Nhật Bản đã thay đổi chiến lược của mình. Thay vì đầu tư hàng tỷ USD vào các công ty di chuyển, vận tải hoặc công nghiệp nặng như xây dựng, SoftBank đưa ra các khoản đầu tư khiêm tốn hơn vào mảng chăm sóc sức khoẻ và kinh doanh phần mềm.
Quỹ Vision Fund đầu tiên yêu cầu thực hiện đầu tư tối thiểu 100 triệu USD cho mỗi thương vụ như một phần của thoả thuận với các nhà đầu tư, một nguồn tin nói. Thực tế này hạn chế khả năng đầu tư vào các startup trẻ.
SoftBank, "ông lớn" Nhật Bản do Masayoshi Son dẫn dắt, cam kết góp 30 tỷ USD vào quỹ Vision Fund II sau khi quỹ này gọi vốn thất bại từ nhiều nhà đầu tư bên ngoài như quỹ chính phủ Abu Dhabi và Ả-rập Xê-út.
Deep Nishar, đối tác điều hành cao cấp của Vision Fund ở Mỹ, nói rằng quỹ Vision Fund II đã bắt đầu "hợp tác với các công ty ở giai đoạn sớm hơn" trong nỗ lực tìm kiếm các thương vụ đầu tư hấp dẫn.
"Trong bối cảnh thị trường hiện tại, định giá hấp dẫn hơn ở giai đoạn đầu của công ty so với các giai đoạn sau", ông Nishar nói thêm.
Hôm 7/7, Mmhmm, startup liên lạc bằng video, cho biết đã kêu gọi được 100 triệu USD trong vòng Series B do Vision Fund II dẫn dắt. Quỹ này cũng dẫn dắt một vòng gọi vốn 140 triệu USD cho công ty trí tuệ nhân tạo Vianai Systems hồi tháng 6.
Một nguồn tin thân cận cho biết SoftBank không kỳ vọng sẽ kêu gọi thêm vốn từ nhà đầu tư bên ngoài cho Vision Fund II. Dù vậy, không loại trừ khả năng SoftBank có thể tự mình rót thêm vốn. Ban đầu, SoftBank đặt mục tiêu kêu gọi 108 tỷ USD cho quỹ Vision Fund II.
Vision Fund II đã đầu tư khoảng 20 tỷ USD vào hơn 90 startup và đang lên kế hoạch sẽ đầu tư thêm tối thiểu 30 công ty nữa. Để so sánh, quỹ Vision Fund đầu tiên đầu tư 85,7 tỷ USD vào dưới 100 công ty.
Không phải khi nào SoftBank cũng thành công khi đầu tư vào các công ty nhỏ. Startup hàng tiêu dùng Brandless và ứng dụng dắt chó đi dạo Wag đều gặp rắc rối sau khi nhận số tiền đầu tư lớn từ quỹ Vision Fund đầu tiên.
Vision Fund II cũng không loại bỏ các khoản đầu tư lớn. Hồi tháng 5, quỹ dẫn dắt vòng gọi vốn 775 triệu USD vào Perch, một nhóm có mục tiêu hợp tác các nhà bán hàng độc lập trên Amazon.
Một số đối tác và các nhân sự cao cấp của Vision Fund đã rời công ty, bao gồm Ervin Tu, một đối tác từng quản lý khoản đầu tư vào ByteDance và Uber. Jeffrey Housenbold, người từng thực hiện nhiều khoản đầu tư mảng tiêu dùng lớn ở Mỹ, cũng rời công ty năm nay.
Trong 4 tháng đầu năm, SoftBank đã tuyển dụng thêm 30 người vào đội ngũ đầu tư. Hồi tháng 2, quỹ này tuyển cựu nhân sự Microsoft Nagraj Kashyap trong vai trò đối tác quản lý, tập trung vào mảng công ty tiêu dùng.