|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Đem toàn bộ cổ phần nắm giữ tại SoftBank đi thế chấp, phù thuỷ đỡ đầu cho các startup Masayoshi Son bị một ngân hàng lớn 'nghỉ chơi'

13:32 | 21/06/2021
Chia sẻ
Ông Masayoshi Son, CEO SoftBank, từ lâu đã thế chấp số cổ phần nắm giữ ở SoftBank để vay ngân hàng, trong đó có Credit Suisse.

Credit Suisse Group AG và ông Masayoshi Son, CEO SoftBank, mới đây đã kết thúc mối quan hệ tín dụng cá nhân lâu năm. Credit Suisse đồng thời thắt chặt các giao dịch với SoftBank, WSJ đưa tin.

Động thái này được đưa ra sau khi một công ty đầu tư được SoftBank hỗ trợ là Greensill Capital sụp đổ khiến Credit Suisse gặp nhiều rắc rối. Trước đó, Credit Suisse cũng lỗ 5,5 tỷ USD từ các khoản đầu tư với Archegos Capital Management khiến nhà băng Thuỵ Điển thắt chặt các quan điểm rủi ro.

Một ngân hàng lớn trên thế giới 'nghỉ chơi' với cả SoftBank và người sáng lập Masayoshi Son - Ảnh 1.

Chiến lược dài hạn của SoftBank là đổ tiền vào các startup tiềm năng khiến định giá của chúng tăng chóng mặt. Dù vậy, sau những thất bại như WeWork, nhiều người bắt đầu hoài nghi về danh mục đầu tư của "ông lớn" này. (Ảnh: WSJ).

Ông Son từ lâu đã dùng Credit Suisse và một số ngân hàng khác để vay nợ dựa trên tài sản đảm bảo là cổ phần SoftBank. Theo cơ quan chứng khoán Nhật Bản, ông Son đang để 3 tỷ USD giá trị cổ phần làm tài sản đảm bảo ở Credit Suisse tính đến thời điểm tháng 2 năm nay. 

Mối quan hệ tín dụng giữa Credit Suisse và ông Son đã kéo dài tới gần 20 năm. Đến thời điểm tháng 5, dư nợ giữa ông Son và Credit Suisse giảm xuống còn 0. Hiện tại, ông Son vẫn còn khoản vay với nhiều nhà băng khác. Hiện chưa rõ ông Son hay Credit Suisse là người chủ động kết thúc mối quan hệ này.

Về phần mình, người phát ngôn của SoftBank từ chối đưa ra bình luận.

Bên cạnh đó, Credit Suisse cũng sẽ hạn chế quan hệ với SoftBank trong vai trò một khách hàng doanh nghiệp, theo nguồn tin thân cận với vấn đề. 

Hiện tại, Credit Suisse yêu cầu bất kỳ giao dịch nào có liên quan đến SoftBank cần phải được thực hiện thông qua một bước quản trị rủi ro và phê duyệt bổ sung. WSJ bình luận rằng điều này tương đương với một lệnh cấm khởi động các mối quan hệ kinh doanh mới.

SoftBank đầu tư vào nhiều công ty công nghệ trên khắp thế giới và là một trong những nguồn doanh thu báu bở đối với các nhà băng Phố Wall. Bên cạnh những khoản đầu tư thành công, SoftBank cũng đón nhận không ít thất bại với danh mục đầu tư của mình, điển hình nhất trong số đó có thể kể đến công ty cho thuê văn phòng WeWork.

Credit Suisse từng đóng vai trò là cố vấn tài chính của SoftBank và nhiều công ty được SoftBank đầu tư. Credit Suisse cũng cạnh tranh với các ngân hàng khác để tham gia vào các thương vụ IPO hoặc các hình thức tài trợ khác của startup mà SoftBank rót vốn.

Từ nhiều góc độ, ông Son và SoftBank chính là khách hàng điển hình mà Credit Suisse muốn theo đuổi. Credit Suisse muốn thực hiện các khoản vay cá nhân cho các doanh nhân giàu có và biến chúng thành những khoản vay hoặc thoả thuận kinh doanh lớn hơn, sinh lợi hơn từ cổ phần doanh nghiệp mà các doanh nhân này nắm giữ.

Dù vậy, mối quan hệ giữa Credit Suisse, ông Son và SoftBank bắt đầu căng thẳng sau khi Greensill sụp đổ. Hồi tháng 5, Bloomberg News cũng đưa tin rằng Credit Suisse sẽ không thực hiện bất kỳ thoả thuận kinh doanh mới nào thêm với SoftBank.

Rắc rối bắt đầu phát sinh từ mùa hè năm 2020 khi Credit Suisse đánh giá những mâu thuẫn lợi ích tiềm năng xung quanh quỹ đầu tư 10 tỷ USD mà Credit Suisse quản lý cùng Greensill.

Một khoản đầu tư của SoftBank vào một trong các quỹ do Credit Suisse quản lý khiến công ty Nhật Bản vừa là người cho vay vừa là người đi vay vì một số công ty trong danh mục đầu tư của nó cũng vay tiền từ nguồn này. SoftBank đã mua lại khoản đầu tư của mình sau khi xem xét và Credit Suisse cho biết họ cam kết bảo vệ các nhà đầu tư.

Credit Suisse đóng băng quỹ của Greensill hồi tháng 3 khi công ty đầu tư này mất một khoản bảo hiểm quan trọng. Động thái của Credit Suisse kích hoạt sự phá sản của Greensill và bản thân nhà băng này cũng phải cố gắng lấy lại được tiền thay mặt cho các nhà đầu tư vào quỹ.

Credit Suisse cho biết hiện vẫn đang nỗ lực thu hồi vốn và đến nay đã thu hồi được hơn một nửa trong số vốn 10 tỷ USD của các nhà đầu tư.

Một trong số các khoản thu hồi vốn tập trung vào các công ty mà SoftBank đầu tư, bao gồm cả công ty công nghệ xây dựng Katerra. Công ty này nợ Credit Suisse 440 triệu USD.

Khi Katerra gặp khó khăn tài chính hồi năm ngoái, Greensill đã "tha thứ" cho khoản vay của nó, theo WSJ. Đổi lại, SoftBank sẽ đầu tư 440 triệu USD vào Greensill với hy vọng tiền sẽ đổ lại vào quỹ của các nhà đầu tư Credit Suisse.

Dù vậy, Greensill lại để số tiền SoftBank đầu tư vào một ngân hàng mà nó sở hữu ở Bremen, Đức, theo báo cáo phá sản của công ty. Báo cáo nói rằng Greensill đã dùng tiền nhận được từ SoftBank, bao gồm 440 triệu USD nói trên, để tăng vốn cho ngân hàng và cải thiện hoạt động vận hành nói chung của Greensill.

Ông Son là người sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Ông đầu tư mạnh vào nhiều startup và thường dùng cổ phần của mình trong SoftBank để thế chấp cho các khoản vay cá nhân 

Sau nhiều năm, ông Son đã mua nhiều bất động sản đắt đỏ ở Tokyo. Năm 2012, ông chi 117 triệu USD để mua một biệt thự gần nơi ở của tỷ phú Larry Ellison ở Woodside, Calif – thời điểm đó, đây là khoản tiền lớn nhất từng được chi cho một căn nhà ở Mỹ. Trong những năm gần đây, cá nhân ông cũng đầu tư nhiều tỷ USD vào quý đầu tư Vision Fund của SoftBank.

Hiện tại, bên cạnh Credit Suisse, cổ phần SoftBank còn được dùng làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay ở Nomura Holdings Inc., UBS Group AG và Mizuho Financial Group Inc.

Ở thời điểm tháng 3 năm ngoái, cổ phần mà ông Son thế chấp để vay ngân hàng lên tới 72% trong bối cảnh cổ phiếu SoftBank giảm và các ngân hàng yêu cầu bổ sung thêm tài sản thế chấp. Kể từ thời điểm đó, giá cổ phiếu SoftBank đã bật tăng trở lại gấp 3 lần và ông Son hiện chỉ đang thế chấp khoảng 40% cổ phần của mình.

Nam Khánh