|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Trợ lý ảo Alexa là vũ khí lợi hại để Amazon đấu với các 'gã khổng lồ' Trung Quốc

08:54 | 17/01/2019
Chia sẻ
Sự thuận tiện của việc đặt hàng bằng giọng nói trên thiết bị di động có thể khiến trợ lý ảo Alexa của tập đoàn Amazon trở thành vũ khí lợi hại trong cuộc chiến với các tập đoàn Trung Quốc ở Việt Nam.

Cục Xúc tiến Thương mại thuộc Bộ Công thương vừa công bố thỏa thuận hợp tác với Amazon Global Selling - chương trình bán hàng toàn cầu của Amazon - để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tăng cường khả năng xuất khẩu hàng hoá thông qua thương mại điện tử (TMĐT).

Amazon sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiếp cận thị trường thế giới, phát triển thương hiệu trên Amazon.com và thực hiện các chương trình đào tạo để xúc tiến thương mại, xuất khẩu hàng hoá và học kỹ năng bán hàng toàn cầu.

Cuộc đấu của Amazon với nhiều tập đoàn Trung Quốc

Động thái mới tại Việt Nam cho thấy Đông Nam Á là trọng tâm cho kế hoạch mở rộng trên toàn cầu của Amazon. Trước đó, vào 2017, Amazon lần đầu bước chân vào thị trường Đông Nam Á với sự hiện diện tại Singapore, nơi hiện diện đầy đủ cả Prime và Prime Now.

tro ly ao alexa la vu khi loi hai de amazon dau voi cac ga khong lo trung quoc
Sự hiện diện của các tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc sẽ khiến hành trình chinh phục thị trường Việt Nam của Amazon trở nên khó khăn hơn. Ảnh: recode.net

Thị trường tiềm năng

Một báo cáo của Google và Temasek cho thấy, quy mô của thị trường TMĐT của 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á năm 2018 là 23 tỉ USD và với tốc độ tăng trưởng “chóng mặt”, TMĐT sẽ bỏ xa du lịch trực tuyến và dẫn đầu trong các lĩnh vực kinh tế Internet ở Đông Nam Á, đạt quy mô 102 tỉ USD vào năm 2025.

Khi sự tăng trưởng của Amazon Prime đang chậm lại, mảnh đất màu mỡ ở thị trường Đông Nam Á có thể mang đến dư địa phát triển mới cho công ty của tỉ phú Jeff Bezos.

Riêng ở Việt Nam, TMĐT là lĩnh vực có sức bật và tốc độ phát triển mạnh nhất trong nền kinh tế Internet. Đến năm 2025, dự kiến thị trường TMĐT ở Việt Nam có giá trị 15 tỉ USD, chiếm gần một nửa quy mô nền kinh tế Internet. Đó cũng là lý do tỉ phú Jack Ma ví thương mại điện tử Việt Nam là một mỏ vàng và đã bước chân vào thông qua sự hiện diện của Lazada.

Các tập đoàn Trung Quốc đã đi trước Amazon ở địa bàn Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam. Ba sàn TMĐT lớn nhất ở Việt Nam đều liên quan những công ty công nghệ đến từ Trung Quốc.

Theo Nikkei, Lazada (với 83% vốn thuộc sở hữu của Alibaba) đang chiếm 30% thị phần TMĐT của Việt Nam. Shopee (do Tencent hậu thuẫn) đang dẫn đầu về lượng truy cập ở Việt Nam. Tập đoàn JD.com cũng rót vốn cho Tiki vào đầu năm ngoái.

Nhiều doanh nhân nhận định rằng, vào thị trường Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, Amazon sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ những đối thủ lớn ở Trung Quốc.

Lợi thế của thương hiệu TMĐT lớn nhất toàn cầu

Nguyễn Thị Dịu, giám đốc một công ty thời trang, nhận định Amazon là một thương hiệu lớn, nên cơ hội của "vua thương mại điện tử" ở Việt Nam rất lớn.

"Ban đầu đương nhiên Amazon sẽ gặp khó khăn, nhưng tôi dự đoán sau khoảng một năm, họ sẽ có chỗ đứng vững chắc ở Việt Nam", chị Dịu nói.

Quan điểm của chị Dịu là sự hiện diện của Amazon sẽ khiến các sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Sendo, Shopee không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, đem lại những lợi ích lớn hơn cho khách hàng.

"Dù Amazon chiếm thị phần lớn hay nhỏ ở Việt Nam, đối tượng hưởng lợi cuối cùng vẫn là doanh nghiệp và người tiêu dùng", chị lập luận.

Ưu thế của trợ lý ảo Alexa

Hồ Minh Nhật, phó giám đốc một công ty phân phối hàng tiêu dùng nhanh, nhận định rằng, sự hiện diện của Amazon có thể dẫn tới một trào lưu mới ở Việt Nam: Đặt hàng bằng giọng nói.

tro ly ao alexa la vu khi loi hai de amazon dau voi cac ga khong lo trung quoc
Đặt hàng bằng giọng nói có thể trở thành xu hướng mới ở Việt Nam trong năm 2019 nhờ sự hiện diện của Amazon. Ảnh: Business Insider

"Bên cạnh sự mở rộng không ngừng của hoạt động mua sắm trên thiết bị di động, năm 2019 sẽ là một năm mà người tiêu dùng sẽ từ bỏ dần hành vi nhìn vào màn hình để tương tác. Thay vào đó, họ sẽ dịch chuyển sang việc đặt hàng bằng khẩu lệnh. Với dịch vụ của Amazon, người mua có thể nhờ trợ lý ảo Alexa của Amazon đặt hàng. Thao tác ấy không tốn thời gian và hầu như chẳng tốn chút công sức nào để hoàn thành một giao dịch", anh Nhật nói.

Ngoài ra, theo anh Nhật, Amazon có thể áp dụng nhiều công nghệ khác để làm hài lòng khách hàng mọi lúc, mọi nơi.

"Chẳng hạn, Amazon có thể sử dụng tin nhắn tùy biến trong ứng dụng (app), chế độ trả lời tự động với các câu hỏi thường gặp hay phân tích mang tính dự đoán để đưa ra gợi ý mua hàng thông qua công nghệ nhận dạng và xử lý giọng nói", anh phát biểu.

Nhạc Dương