Trở lại đường đua tăng giá, hồ tiêu sẽ lấy lại vị thế ngành hàng xuất khẩu tỷ đô trong năm 2024?
Năm thứ sáu liên tiếp lỡ hẹn với câu lạc bộ tỷ đô
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 11 năm nay, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt 833,2 triệu USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm 2022. Với kết quả này, ngành tiêu gần như sẽ có năm thứ sáu liên tiếp lỡ hẹn với câu lạc bộ tỷ đô.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì vị thế là nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 60% thị phần với 245.665 tấn, bỏ xa quốc gia ở vị trí thứ 2 là Brazil 73.300 tấn, trị giá 227,7 triệu USD.
Giá tiêu xuất khẩu bình quân 11 tháng chỉ đạt 3.392 USD/tấn, giảm 21,3% so với cùng kỳ.
Đồng thời xét trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường, Việt Nam là quốc gia duy nhất ghi nhận khối lượng xuất khẩu tăng 18% trong khi các nước sản xuất hàng đầu khác đều sụt giảm như Brazil giảm 5%, Indonesia và Ấn Độ trên 20%...
Về thị trường, hiện hồ tiêu của Việt Nam có mặt tại hơn 120 quốc gia và vũng lãnh thổ.
Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất sau 11 tháng với khối lượng đạt 59.041 tấn, trị giá 134,7 triệu USD, gấp 3,2 lần về lượng và 3,3 lần về trị giá so với cùng kỳ 2022.
Thị trường này chiếm 24% tổng khối lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam, tăng mạnh so với mức thị phần 8,8% của cùng kỳ.
Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) dự kiến cả năm 2023 xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam sang Trung Quốc sẽ đạt khoảng 60.000 tấn trong tổng số 65.000 – 70.000 nghìn tấn nhập khẩu của nước này. Sau hai năm đóng cửa do COVID, nhập khẩu tiêu của Trung Quốc đã cho thấy sự khởi sắc trở lại vào năm nay, đặc biệt là trong những tháng đầu năm.
Trong khi đó, lạm phát và lãi suất duy trì ở mức cao đã khiến cho các đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ và nhiều thị trường tại châu Âu sụt giảm.
Cụ thể, Mỹ đã rơi xuống vị trí thứ hai về thị trường xuất khẩu tiêu của Việt Nam với khối lượng đạt 48.783 tấn, giảm 6,1% và chiếm 20% thị phần.
Lượng hồ tiêu xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn khác cũng giảm như UAE (-23,3%), Đức (-7,7%), Hà Lan (-14,6%)…
Cơ cấu thị trường xuất khẩu tiêu của Việt Nam (% theo khối lượng)
Kỳ vọng lấy lại vị thế ngành hàng tỷ đô trong năm 2024
Thời gian gần đây, nhu cầu từ thị trường thế giới có dấu hiệu phục hồi, giá tiêu trong nước và xuất khẩu liên tục tăng cao trở lại. Điều này mở ra kỳ vọng hồ tiêu sẽ sớm lấy lại vị thế ngành hàng xuất khẩu tỷ đô trong năm 2024.
Tại thị trường trong nước, chỉ tính riêng trong nửa đầu tháng 12, giá tiêu đen nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên đã tăng 12 - 14% (8.500 – 10.000 đồng/kg) so với cuối tháng trước lên 79.500 – 82.000 đồng/kg. Đây là mức cao nhất ghi nhận được kể từ tháng 3/2022.
Còn nếu tính từ đầu tháng 11 đến nay, giá tiêu đen trong nước đã tăng khoảng 20 – 22%.
Dữ liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) cho thấy, giá tiêu trên thị trường thế giới cũng tăng nhưng với biên độ chậm hơn. Giá tiêu đen xuất khẩu của Việt Nam đã tăng khoảng 6% (tương ứng 200 USD/tấn) từ đầu tháng 11 đến nay, dao động ở mức 3.700 - 3.800 USD/tấn đối với loại 500 g/l và 550 g/l.
Giá tiêu đen xuất khẩu của Brazil cũng được điều chỉnh tăng 10% (270 USD/tấn) lên 3.270 USD/tấn.
Dẫn nguồn tin từ VPSA, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết giá tiêu đen tại thị trường nội địa liên tục tăng, báo hiệu một vụ thu hoạch không mấy khả quan của năm tới. Mặc dù nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc suy yếu, nhưng nhu cầu của châu Âu và Mỹ tăng trở lại khiến giá bán tăng mạnh.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam trong tháng 11 đạt 20.238 tấn, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm ngoái và đánh dấu tháng tăng trưởng thứ 4 liên tiếp so với cùng kỳ năm trước cũng như năm 2021.
Đặc biệt, lượng hồ tiêu xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt mức cao nhất từ đầu năm với 5.528 tấn, tăng 65,5% so với cùng kỳ. Thị trường châu Âu tăng 26,7% lên 4.502 tấn, cao nhất 6 tháng trở lại đây. Ngoài ra, lượng tiêu xuất khẩu sang Ấn Độ, UAE, Philippines… cũng đều tăng.
Các mức tăng trưởng kể trên đã bù đắp cho sự sụt giảm nhu cầu của thị trường Trung Quốc.
Tình trạng tồn kho ở mức thấp cũng là một trong những yếu tố đẩy giá tiêu tăng. Theo bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPSA, trong quý IV, xuất khẩu sẽ phụ thuộc vào lượng hàng tồn kho từ các năm trước chuyển sang. Việt Nam đã xuất khẩu hết sản lượng thu hoạch năm 2023, một phần xuất khẩu được lấy từ lượng nhập khẩu cũng như tồn kho từ năm trước. Lượng tồn kho 2023 chuyển sang năm 2024 sẽ thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Theo số liệu của VPSA và Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 11 năm nay, lượng hồ tiêu sản xuất trong nước và nhập khẩu là 214.490 tấn (bao gồm 190.000 tấn sản lượng và 24.490 tấn nhập khẩu), trong khi con số xuất khẩu lên đến 245.665 tấn.
Nhận định về triển vọng giá tiêu trong năm 2024, ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV XNK 2-9 Đắk Lắk (Simexco) cho rằng mức giá 85.000 - 90.000 đồng/kg là khả thi.
Ông Huy lý giải không chỉ Việt Nam mà sản lượng của nhiều nước trồng tiêu như Ấn Độ, Brazil được dự báo cũng sẽ không khả quan do ảnh hưởng bởi hình thái thời tiết xấu El Nino. Trong khi đó, thời điểm quý I/2024, lượng mua vào của các nước phương Tây có thể dồn cùng một lúc do tồn kho cạn. Điều này sẽ giúp đẩy giá tiêu trong nước tăng lên.
Trong một báo cáo gần đây của Simexco, công ty cho biết nguồn cung hồ tiêu tại Việt Nam đang giảm dần do năng suất cây trồng thấp và lợi nhuận giảm. Tồn kho hiện tại ước tính vào khoảng 15.000 - 20.000 tấn và vụ thu hoạch tiếp theo dự kiến sản lượng chỉ khoảng 140.000 - 150.000 tấn, giảm đáng kể so với năm ngoái.
Còn theo báo cáo của Nedspice Group, sản lượng hồ tiêu toàn cầu ước giảm 8%, chủ yếu do diện tích giảm ở Việt Nam, Ấn Độ, và Indonesia. Đồng thời, mức tồn kho toàn cầu đang giảm do khối lượng dư thừa từ giai đoạn 2018 - 2020 dần cạn kiệt.
Về phía Hiệp hội, VPSA cho biết tình hình mưa lũ vào tháng 7 vừa qua được đánh giá sẽ ảnh hưởng tới vụ thu hoạch hồ tiêu sắp tới, cộng với diễn biến dự đoán hiện tượng El Nino sẽ xảy ra vào cuối năm có thể dẫn tới sản lượng hồ tiêu Việt Nam năm 2024 sẽ giảm so với năm 2023.
Theo đánh giá chung của các doanh nghiệp, sản lượng tiêu niên vụ 2023 - 2024 dự kiến giảm 10 - 15% xuống 160.000 - 165.000 tấn do xu hướng chuyển sang trồng các loại cây ăn quả khác có hiệu quả kinh tế hơn.
Điển hình như tại tỉnh Đắc Lắk, một số doanh nghiệp cho biết diện tích chủ yếu tập trung Cư Kuin, Ea Hleo, Chư M’gar, Krong Năng người dân trồng trồng xen sầu riêng nhiều, do tiêu già, chết và dân không trồng thêm. Tại nhiều nơi, người dân đang lưỡng lự có nên chuyển sang trồng sầu riêng hoặc cà phê sau vụ thu hoạch 2024 .
Theo khảo sát của các doanh nghiệp hội viên VPSA, Đắk Lắk còn 30 - 70% diện tích tùy vùng. Tại Đắk Nông, tình hình vườn vẫn ổn, tuy nhiên diện tích bị thu hẹp, xen cà phê, sầu riêng nhiều.
Trước đó, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPSA nhận định nếu việc chặt tiêu để chuyển sang trồng cây ăn quả kéo dài thì có thể trong 3 năm tới nguồn cung sẽ thiếu hụt.
Doanh nghiệp FDI vẫn chiếm ưu thế
Theo số liệu của VPSA, cả nước hiện có hơn 140 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu hồ tiêu. Trong đó, đơn vị thành viên Hiệp hội chiếm 66,7% tổng khối lượng xuất khẩu sau 11 tháng với 162.686 tấn, giảm 7,2% so với cùng kỳ. Khối doanh nghiệp ngoài Hiệp hội xuất khẩu 81.165 tấn, tăng 123,9% do nhu cầu từ thị trường Trung Quốc phục hồi.
Tính đến hết tháng 11, Nedspice Việt Nam, một doanh nghiệp FDI đã vượt qua các tên tuổi khác để vươn lên vị trí số một về xuất khẩu tiêu của Việt Nam với khối lượng đạt 17.504 tấn, tăng 14,1% so với cùng kỳ và chiếm 7,2% tổng xuất khẩu cả nước.
Một doanh nghiệp FDI khác là Olam Việt Nam đứng vị trí thứ hai với 17.429 tấn, giảm 33% so với cùng kỳ và chiếm 7,1% thị phần.
Tiếp đến là Trân Châu với 15.133 tấn, chiếm 6,2%; Phúc Sinh 14.244 tấn, chiếm 5,8%. Đáng chú ý, một số doanh nghiệp mới hoặc xuất khẩu rất ít vào năm ngoái, nhưng năm nay bất ngờ có tên trong top đầu như Đăng Nguyên Ls, Hà Thị Bích Ngọc, Lý Hoàng Sơn...