'Trình độ tay nghề phi công Việt Nam tương đương thế giới'
Chờ Vietnam Airlines trả lời tố giác của các phi công | |
Không riêng Việt Nam, Mỹ cũng thiếu trầm trọng phi công dân sự và quân sự |
Ảnh minh họa. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+) |
Theo ông Võ Huy Cương, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), các quá trình đào tạo, tuyển dụng phi công của các hãng hàng không đều tuân thủ theo các quy định ngặt nghèo không chỉ Việt Nam mà là tiêu chuẩn chung của thế giới.
Phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Võ Huy Cường xung quanh vấn đề này.
- Thời gian vừa qua, có thông tin phản ánh nghi ngờ về chất lượng huấn luyện, đào tạo phi công, là đơn vị quản lý Nhà nước, ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?
Ông Võ Huy Cường: Phi công - người vận hành tàu bay là một nghề đặc thù nên có nhiều quy định ngặt nghèo trong tuyển chọn người và đào tạo trở thành phi công, đòi hỏi thời gian công sức không chỉ của cả tổ chức mà cả cá nhân người học để trở thành phi công.
Các phi công Việt Nam thời gian gần đây được đào tạo ở nước ngoài trong đó có Hoa Kỳ, Newzealand, Australia và tất cả các trường đào tạo đó là đều được Cục Hàng không Việt Nam đánh giá và phê chuẩn đủ điều kiện để đạt được các yêu cầu về đào tạo phi công thương mại.
Ngoài ra, với việc xã hội hóa, nhiều gia đình cũng tự bỏ tiền ra để cho con em học trường bên ngoài để đào tạo phi công nhưng phần lớn họ liên hệ Cục Hàng không Việt Nam và các hãng hàng không để tìm hiểu các trường có điều kiện đào tạo phi công và họ theo các danh sách trường đào tạo mà Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt.
Những gia đình không tiếp cận Cục Hàng không hay qua các hãng giới thiệu, họ có thể chọn các trường khác để đào tạo nhưng cơ bản khi về nước, để trở thành phi công, họ phải trải qua một loạt các quy trình rất chặt chẽ khác của Cục Hàng không bởi Việt Nam là một trong những thành viên của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) lấy tiêu chuẩn ICAO làm chuẩn và chuẩn mực chung toàn cầu trong lĩnh vực đào tạo phi công.
Khi đã trở thành phi công không có nghĩa là cứ thế bay, trong khi làm việc liên tục có quá trình đào tạo duy trì năng định là phi công, đào tạo nâng cao bổ sung kiến thức mới để đảm bảo tiếp cận công nghệ mới về tàu bay mà nhà chế tạo đưa ra cải tiến, lắp đặt tàu bay…
Đào tạo phi công là cả một quá trình liên tục không chỉ đào tạo một lần là xong mà là cả một thời gian dài.
- Như vậy, chất lượng phi công ra đáp ứng nhu cầu đảm bảo tiêu chuẩn nước ngoài và Cục Hàng không?
Ông Võ Huy Cường: Đúng là như vậy. Các phi công của nước ta được Cục Hàng không Việt Nam cấp chứng chỉ, ngoài việc chỉ bay cho các hãng nội địa mà còn bay dưới danh nghĩa của các hãng hàng không khác như Emirates, Philippines, Indonesia, Na Uy... Tất cả bằng cấp phi công được Cục Hàng không cấp đều được công nhận ở một số nước. Các phi công không có ngoại lệ nào kể cả trình độ tiếng Anh (đạt tối thiểu mức 4) thì mới có thể trở thành phi công để bay thương mại, không chỉ nội địa mà còn quốc tế.
- Cục Hàng không có vai trò gì trong việc cấp phép chuyển loại máy bay phi công hiện nay?
Ông Võ Huy Cường: Khi đào tạo chuyển loại có các trung tâm được Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt như ở trong nước có Trung tâm bay SYM của Vietnam Airlines, ở nước ngoài có Philippines, Malaysia, Singapore là những đơn vị được Cục Hàng không tổ chức kiểm tra, đánh giá đủ năng lực để tổ chức huấn luyện đào tạo và chuyển loại phi công giữa các loại tàu bay khi vận hành khai thác cho một hãng bay cụ thể tại Việt Nam.
Quá trình chuyển loại theo các quy trình cụ thể được quy định trong Bộ quy chuẩn An toàn hàng không. Chuyển loại tàu bay bằng cách thi lý thuyết trên máy vi tính một cách công khai, minh bạch và không ai can thiệp; đào tạo bay SYM trên hệ thống máy móc và kết quả phi công thực hiện bay mô phỏng được ghi chép đầy đủ và không phải phi công nào qua quá trình kiểm tra của Cục Hàng không Việt Nam cũng đạt, tỷ lệ trượt về lý thuyết tương đối nhiều. Phi công phải học bổ túc thi lại, khi nào đạt mới được cấp bằng lái và làm phi công cho một hãng cụ thể của Việt Nam.
- Các sự cố hạ cánh lệch đường băng vừa qua có phải do chất lượng đào tạo phi công hay không thưa ông?
Ông Võ Huy Cường: Trong ngành hàng không, sự cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào, tai nạn có nhiều lý do cụ thể và yếu tố con người là một trong những nguyên nhân xảy ra sự cố. Một số sự cố hàng không Việt Nam gần đây không phải do chất lượng đào tạo mà do lỗi con người, có thể là không thực hiện đầy đủ các quy trình vận hành, điều kiện tàu bay dẫn tới sự cố đó.
Không có trường hợp ngoại lệ trong quá trình đào tạo phi công. (Nguồn: VNEWS)
- Cục Hàng không có động thái gì để chấn chỉnh, định hướng khắc phục bất cập trong các sự cố hàng không?
Ông Võ Huy Cường: Không chỉ tại Việt Nam mà toàn bộ trên thế giới, bất cứ sự cố nào lớn hay nhỏ đều được điều tra kỹ lưỡng để tìm hiểu nguyên nhân khách và chủ quan để phòng ngừa trong tương lai. Những thông tin đó được chia sẻ cộng đồng hàng không thế giới để tránh rủi ro tương tự xảy ra. Bất cứ một sự cố nào tại nước ta cũng được điều tra, bình giảng đồng thời thông báo đến các đơn vị liên quan hoăc các hãng hàng không cập nhật thông tin, rút kinh nghiệm về dây chuyền vận hành chuyến bay.
Tất cả các quá trình đào tạo, tuyển dụng làm phi công của các hãng hàng không đều tuân thủ theo các quy định ngặt nghèo không chỉ Việt Nam mà là tiêu chuẩn chung của thế giới. Các hãng có thể nâng cao quy định của mình và Cục Hàng không khuyến khích để đảm bảo an toàn, chất lượng.
Trình độ tay nghề phi công Việt Nam tương đương thế giới vì tiếng Anh phải đạt mức 4, cập nhập kiến thức vận hành tàu bay nên phi công hoàn toàn làm chủ thế hệ tàu bay mới như Boeing 787-9, Airbus A350 của các nhà sản xuất và hãng hàng không Quốc gia Việt Nam Vietnam Airlines đang sở hữu. Chất lượng phi công Việt Nam không có sự thua kém với bất kỳ phi công nước ngoài.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi./.