|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Chờ Vietnam Airlines trả lời tố giác của các phi công

08:40 | 01/08/2018
Chia sẻ
Việc các phi công tố những tiêu cực trong đào tạo đã lâu, đại biểu Quốc hội cũng đã chuyển phản ánh đến bộ trưởng GTVT, công luận đang chờ câu trả lời từ VNA.
cho vietnam airlines tra loi to giac cua cac phi cong ĐBQH e ngại chất lượng đào tạo phi công: Cục Hàng không nói gì?
cho vietnam airlines tra loi to giac cua cac phi cong Vietnam Airlines điều chỉnh kế hoạch khai thác đến Nhật Bản.

Thời gian qua, một số phi công thuộc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA) gửi đơn tố cáo về tình trạng tiêu cực trong đào tạo phi công. Gần đây nhất, ông Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội (QH), đã có thư gửi đến ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT, yêu cầu làm rõ những tiêu cực trong đào tạo phi công của VNA.

ĐBQH đã chuyển phản ánh lên Bộ trưởng GTVT

Một phi công đang huấn luyện máy bay A321 cho biết ông đã có đơn tố cáo gửi đến tổng giám đốc VNA phản ánh về những bất cập trong học và bay huấn luyện. Theo đơn tố cáo thì đang có một “nhóm trục lợi” tồn tại trong đoàn bay.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại biểu (ĐB) Nguyễn Sỹ Cương cho biết: “Khi nhận được đơn, tiếp xúc với một số phi công, trong đó có cả người nhà tôi đang làm việc trong đoàn bay của VNA nên tôi nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều. Hiện các phi công này đang thu thập bằng chứng để làm rõ các tiêu cực”.

Theo ĐB Nguyễn Sỹ Cương, vào kỳ họp thứ 5, QH khóa XIV hồi tháng 6-2018, ông đã chuyển bức thư phản ánh sự việc trên đến Bộ GTVT. Ông cho rằng những phản ánh của phi công là vấn đề không nhỏ, uy hiếp đến an toàn bay nếu không được xem xét nghiêm túc.

Theo thư phản ánh của ĐB Nguyễn Sỹ Cương, hiện nay việc xã hội hóa đào tạo phi công đã dẫn đến nhiều bất cập. Trước đây, trong thời kỳ bao cấp, phi công học ở Pháp, Úc thì việc tuyển chọn đầu vào rất khắt khe từ sức khỏe, kiến thức đến kỹ năng bay. kể từ khi xã hội hóa, việc tuyển chọn chỉ mang tính hình thức, gần như bất kỳ đối tượng nào đủ tiền đóng học phí (danh sách trường do VNA chọn, Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn) là có thể đi học.

cho vietnam airlines tra loi to giac cua cac phi cong

Tuyển sinh đào tạo phi công tại TP.HCM. Ảnh: HTD

Ông Cương phản ánh các trường dạy bay được chọn đa số là các trường nhỏ lẻ, ít tên tuổi tại Mỹ với chi phí học thấp nên chất lượng giảng dạy cũng không cao. ở một số trường, khả năng của học viên rất kém nhưng chỉ cần đóng tiền là có thể thi qua môn học, thậm chí được ghi là đã đủ giờ bay. “Ví dụ, vụ lùm xùm lớn nhất vào khoảng cuối năm 2015, Trường Ahart bị phá sản và học viên phải về nước nửa chừng. Việc phá sản của trường này có yếu tố lừa đảo và người môi giới cho trường cũng là một phi công của VNA” - thư của ĐB Cương viết.

Ông Cương cũng cho rằng đang có vấn đề tồn tại trong quá trình huấn luyện, kiểm tra, phỏng vấn, chuyển loại phi công. “Gần đây nhất, tháng 4-2018, có đơn tố cáo của một học viên phi công về một số tiêu cực xảy ra trong quá trình huấn luyện” - thư của ông Nguyễn Sỹ Cương nêu rõ. Thậm chí có hiện tượng ra giá 20.000-25.000 USD cho một lần phỏng vấn (phỏng vấn học viên từ Mỹ về để chuyển loại máy bay A321; phỏng vấn để chuyển loại từ lái phụ A321 sang lái phụ loại máy bay khác như A350 hoặc B787; phỏng vấn để nâng cấp lái phụ trở thành cơ trưởng...).

VNA: Cần thời gian xác minh

Liên quan đến ý kiến của ĐB Nguyễn Sỹ Cương, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ GTVT. Theo đó, đơn vị này cho biết việc công nhận bằng lái máy bay dựa trên cơ sở xem xét hồ sơ bằng cấp, quá trình học ở nước ngoài, chứng chỉ được nhà chức trách nơi các học viên được đào tạo.

Đối với các trường đào tạo phi công, Cục khẳng định thực tế các trường này đã được cục hàng không của các quốc gia phê chuẩn như các trường tại Mỹ, New Zealand, Úc và châu Âu.

Về các tồn tại trong quá trình huấn luyện phi công khi làm việc tại VNA, Cục Hàng không cho rằng Cục cần có thời gian để xác minh. Tuy nhiên, đơn vị này lại cho rằng các tồn tại do ĐB QH nêu ra không ảnh hưởng đến quá trình đánh giá độc lập, khách quan và chất lượng của Cục với các phi công trước khi được cấp bằng và cho phép hoạt động khai thác.

Theo Cục Hàng không, đầu ra huấn luyện của phi công dựa trên hai điều kiện chính là tổ chức huấn luyện được phê chuẩn bởi quốc gia thành viên ICAO (Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế) và được Cục Hàng không Việt Nam đánh giá. Phi công cũng phải được cục hàng không của quốc gia tổ chức huấn luyện kiểm tra, đánh giá để cấp bằng.

Ngày 25-7, Bộ GTVT có văn bản hỏa tốc gửi VNA về việc báo cáo giải trình ý kiến của ĐB Nguyễn Sỹ Cương. Văn bản nêu rõ: Bộ trưởng GTVT nhận được ý kiến chất vấn của ĐB QH Nguyễn Sỹ Cương về một số nội dung liên quan đến hoạt động của VNA: Chất lượng đầu vào của ứng viên phi công; tồn tại trong quá trình kiểm tra, huấn luyện, phỏng vấn phi công; thời hạn khi nghỉ việc và bồi hoàn chi phí đào tạo phi công. Bộ trưởng yêu cầu VNA khẩn trương rà soát, có báo cáo giải trình về các nội dung mà ĐB QH đã nêu. Nội dung giải trình gửi về Bộ GTVT trước ngày 31-7.

Ngày 30-7, báo Pháp Luật TP.HCM cũng đã gửi chín câu hỏi đến lãnh đạo VNA đề nghị trả lời liên quan các nội dung: Tiêu chí lựa chọn học viên; có hay không hiện tượng ra giá 20.000-25.000 USD cho một lần phỏng vấn học viên; những sự cố như đáp nhầm đường băng, đáp lệch đường băng vừa qua có phải do trình độ phi công có vấn đề…

Ngày 31-7, đại diện VNA cho biết bộ phận truyền thông đang hoàn tất thông tin giải trình bộ trưởng GTVT cũng như trả lời báo chí. “Hiện lãnh đạo tổng công ty đang thông qua. Lúc nào có thông tin chúng tôi sẽ gửi cho cơ quan báo chí” – đại diện hãng cho biết.

Xem thêm

Viết Long - Phong Điền